Mục đích Hội thảo nhằm giúp giới báo chí và truyền thông hiểu một cách rõ ràng về những vấn đề phát triển bền vững của doanh nghiệp và khai thác các dữ liệu trong báo cáo.
Traphaco áp dụng bộ chỉ số CSI để lập báo cáo riêng về phát triển bền vững. Ảnh: Internet. |
Theo ông Đậu Huy Sáu, Phó tổng Biên tập Thời báo Tài chính: Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã và đang tiên phong trong lập báo cáo phát triển bền vững ngay từ khi chưa có quy định pháp lý yêu cầu bắt buộc lập báo cáo bền vững như: Tập đoàn Bảo Việt, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí, Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai….
“Mở đầu cho Báo cáo bền vững tại Việt Nam có thể được coi là xuất phát từ quy định của Bộ Tài chính về lĩnh vực chứng khoán, và văn bản pháp lý đầu tiên yêu cầu công bố thông tin về phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết là Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 6/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán”, ông Sáu nói.
Thông tư này quy định rõ: Báo cáo tác động đến môi trường và xã hội của công ty, công ty đại chúng phải báo cáo các nội dung liên quan tới phát triển bền vững gồm: Quản lý nguồn nguyên liệu, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, chính sách liên quan đến người lao động.
Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban Thư ký VBCSD (Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam) chia sẻ: CSI là một phương pháp thống kê bao gồm các chỉ số đo lường các dấu hiệu của phát triển bền vững về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường (OECD). Vai trò của CSI đối với doanh nghiệp nhằm đo lường các nỗ lực phát triển bền vững và quản trị các rủi ro trong quá trình hoạt động. Cải thiện khả năng nhận biết của doanh nghiệp về cơ hội kinh doanh mới, hỗ trợ chuẩn bị xu hướng phát triển mới, phân cấp trách nhiệm và cải thiện hệ thống quản lý để dần nâng cao hiệu quả hoạt động.