Quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị còn nhiều thách thức Hà Nội có lịch sử trên 1.000 năm tuổi nhưng việc khai thác, sử dụng không gian lòng đất ở Hà Nội mới dừng ở mức độ sơ khai, chưa được tổ chức hợp lý, khoa học. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được chôn ngầm ít theo quy hoạch, cọc khoan nhồi của hơn 700 công trình cao tầng liệu có phải là giải pháp bền vững cho việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả trong tương lai.
Trong khi đó, việc xây dựng hệ thống bản đồ địa chất hoàn chỉnh phục vụ quy hoạch khai thác không gian, tài nguyên dưới lòng đất và hệ thống cảnh báo tai biến địa chất chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Quản lý đô thị thông minh bằng công nghệ số là xu hướng tất yếu, đặc biệt là các đô thị có qui mô lớn như thủ đô Hà Nội. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN |
Thực tế, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa ở Hà Nội diễn ra với tốc độ nhanh. Trong tương lai, việc nghiên cứu kết nối và xây dựng các công trình công cộng ngầm với ga ngầm của các tuyến đường sắt đô thị đang được định hướng hình thành.
Với hiện trạng khai thác nước ngầm như hiện nay tại Hà Nội (chiếm khoảng 80% nhu cầu cấp nước của thành phố, theo kế hoạch phát triển các nhà máy sử dụng nước mặt thì nước ngầm vẫn chiếm khoảng 50%), mực nước ngầm đã bị hạ thấp nhiều, thách thức về bảo vệ chất lượng nguồn nước ngầm trước tình trạng không kiểm soát được ô nhiễm từ trên mặt, kinh nghiệm bổ cập nguồn nước sạch từ trên mặt làm gia tăng trữ lượng được áp dụng nhiều ở các nước tiên tiến, cần phải được áp dụng ở Hà Nội...
Tại hội thảo “Địa chất đô thị Hà Nội” mới diễn ra, các nhà nghiên cứu cho rằng cần nghiên cứu, điều tra đầy đủ về số lượng và chất lượng nguồn nước ngầm ở các khu vực khác nhau trên toàn bộ thành phố, để bảo vệ, khai thác, bổ cập trữ lượng, sử dụng bền vững lâu dài.
Theo ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, việc quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị giai đoạn hiện nay và tương lai đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là nhu cầu, tốc độ đô thị hóa cộng với việc xây dựng các công trình có quy mô lớn trên mặt đất, đặc biệt là các công trình ngầm như các tuyến đường sắt, ga đường sắt, các khách sạn, siêu thị có phần ngầm dưới đất.
Việc quản lý hiện trạng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm phức tạp (cấp thoát nước, điện…) thiếu đồng bộ, được xây dựng trước đây từ hàng trăm năm gây khó khăn, bất cập, lãng phí đến việc quy hoạch, xây dựng, thi công các công trình hiện nay.
Bên cạnh đó, nền địa chất đô thị Hà Nội luôn hiện hữu các nguy cơ về tai biến địa chất như: sụt lún, ô nhiễm nguồn nước, ngập lụt, thoát khí độc, ô nhiễm trường điện từ… cùng với sự phân tán, thiếu đồng bộ các kết quả điều tra thực thể địa chất (địa chất thủy văn, địa chất công trình) của nền địa chất Hà Nội cho thấy cần phải hệ thống hóa dữ liệu bằng công nghệ số, làm cơ sở cho việc quản lý, quy hoạch và xây dựng các công trình trên mặt và công trình ngầm.
Do đó, nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất và phát triển công nghệ quản trị thông minh hệ thống không gian ngầm đô thị Hà Nội” tiếp cận với công nghệ thế giới là cấp thiết, đồng thời là cơ sở để quản lý, quy hoạch, phát triển đô thị Hà Nội phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Cần sớm triển khai dự án
Các đô thị lớn trên thế giới như: London, Paris, Tokyo, Singapore… đã được quy hoạch, xây dựng và phát triển tương đối đồng bộ vẫn đang triển khai dự án “Địa chất đô thị”. Ở Việt Nam, các đô thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn phát triển nên việc triển khai dự án “Địa chất đô thị” càng cần thiết hơn.
Trên cơ sở hợp tác ký kết giữa Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Vương Quốc Anh về xây dựng dự án “Địa chất đô thị” ở Việt Nam, dự kiến năm 2018-2020 sẽ triển khai dự án nhằm áp dụng các kinh nghiệm quản lý không gian ngầm đô thị của London, đặc biệt là ứng dụng các công nghệ số tiên tiến để quản lý dữ liệu, đối tượng không gian ngầm đô thị ở Hà Nội.
Nghiên cứu dự án sẽ hỗ trợ quy hoạch đô thị, nâng cao hiệu quả quản trị thông minh không gian ngầm đô thị Hà Nội, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc đối với các thành phố trong tương lai. Dự án cũng thúc đẩy tiềm năng phát triển các dự án không gian ngầm đô thị Hà Nội trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất không gian ngầm trên cơ sở chuẩn hóa dữ liệu các thực thể địa chất (địa chất công trình, địa nhiệt tầng nông cho nhà ở), cơ sở hạ tầng (hệ thống tàu điện ngầm, cống ngầm, hệ thống tiêu thoát nước thông minh), cấp nước (tầng nước ngầm, các khu vực bổ cập nước ngầm thông minh) và chuyển động mặt đất (sụt lún), quy hoạch không gian văn hóa khảo cổ (các tầng văn hóa cổ gắn với các tầng trầm tích) và sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ quản lý và giám sát những biến động không gian ngầm đô thị tới độ sâu 100m, cung cấp các dữ liệu khoa học phục vụ quản lý, quy hoạch và phát triển các dự án sử dụng không gian ngầm đô thị một cách hợp lý, đồng thời, giúp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Viện Quy hoạch Xây dựng, Sở Kế hoạch Đầu tư và UBND thành phố Hà Nội... ra quyết định quy hoạch, phát triển tổng thể đô thị Hà Nội (Tiêu chuẩn quản lý đô thị thông minh bằng công nghệ số).