Theo các chuyên gia kinh tế, CPI năm 2012 ở mức thấp được xem là tín hiệu vui, tuy nhiên nguy cơ tiềm ẩn lạm phát cao vẫn còn “rình rập”. Phóng viên Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Vinh Phú (ảnh), Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội xung quanh vấn đề này.
´Thưa ông, nguyên nhân nào giúp CPI năm 2012 được cải thiện đáng kể?
Một số nguyên nhân chính dẫn đến CPI năm nay đã được chỉ tiêu Nhà nước đặt ra ở mức một con số là do thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ; nền kinh tế rơi vào khó khăn, sức mua giảm mạnh nên các mặt hàng khó có thể đẩy giá cao hơn nữa; sự tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới, sức cầu yếu phần nào ít tác động đến giá cả trong nước, nhất là các mặt hàng mà Việt Nam phải phụ thuộc nhập khẩu để sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Khách hàng lựa chọn hàng hoá tại Siêu thị Big C, kênh phân phối hơn 70% hàng hoá sản xuất trong nước, được đánh giá cao tại hội nghị. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Tôi cho rằng: Đạt được chỉ số CPI năm 2012 nói trên là kết quả bước đầu trong công cuộc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, đó chỉ là thành công bước đầu vì những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng lạm phát cao vẫn chưa được giải quyết như nợ xấu ngân hàng, hàng tồn kho…
´Trong năm qua, vấn đề về kiểm soát giá cả còn gì bất ổn không, thưa ông?
Giá cả thị trường năm nay đầy kịch tính, có những tháng tăng quá cao, tới 2,26%, có lúc âm hàng tháng liền. Điều đó cho thấy công tác điều hành giá của chúng ta chưa ổn định và thiếu vững chắc. Đặc biệt là sức mua của người dân suy kiệt, tiền trong dân không có để mua sắm làm cho cầu giảm mạnh, giá hàng hóa không tăng lên được.
Sản xuất lưu thông phân phối còn chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của một số mặt hàng mang tính độc quyền như: xăng, dầu, điện… là đầu vào tác động đến chi phí của doanh nghiệp. Một thực tế rất đáng buồn nữa là công tác kiểm soát thị trường hàng hóa nội địa chưa hiệu quả, khiến tình trạng buôn lậu, trốn thuế, hàng giả… ngày càng phức tạp, có chiều hướng nguy hiểm hơn cho thị trường nội địa. Đặc biệt, hệ thống phân phối của Việt Nam còn chia cắt, đầu ra sản xuất vẫn còn yếu kém, trong đó có cả hạ tầng giao thông làm cho chi phí bảo quản, vận chuyển, phân phối tăng thêm, đẩy giá thành lên cao. Hệ thống bán lẻ còn đứt đoạn, có quá nhiều khâu trung gian dẫn đến cả người sản xuất và tiêu dùng đều chịu thiệt.
´Thưa ông, với tình hình hiện nay thì giá cả hàng hóa dịp Tết có tăng hay không và hệ thống các siêu thị đã có những chuẩn bị gì ?
Với tình hình kinh tế khó khăn và hàng tồn kho vẫn còn nhiều nên dự báo giá hàng hóa dịp Tết Nguyên đán năm nay tăng không nhiều, nhất là các mặt hàng bách hóa. Còn các mặt hàng tươi sống sẽ tăng mạnh đặc biệt dịp giáp Tết. Tuy nhiên cũng có tình trạng “té nước theo mưa”, nhiều đầu nậu đầu cơ tích trữ sẽ là những người được lợi. Vì vậy cần phải đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá cả, nhất là dịp cuối năm.
Hệ thống các siêu thị hiện nay đã chuẩn bị sẵn sàng phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán. Chúng tôi cam kết giá các mặt hàng tại siêu thị sẽ không tăng nếu các nhà cung cấp không phá hợp đồng và tăng giá. Tuy nhiên, vấn đề kích cầu còn phải chờ đợi vào lương, thưởng thì người dân mới mua sắm mà theo đánh giá chung thì thưởng Tết năm nay sẽ không cao, các siêu thị chỉ kỳ vọng sức mua năm nay bằng với năm ngoái chứ dự đoán sẽ không có tăng trưởng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!