Xưởng sản xuất chi tiết sản phẩm tại nhà máy của Công ty Xuân Hòa. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ổn định, đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục 15,8 tỷ USD trong năm 2016, các nhà phân tích xem Việt Nam là một "điểm sáng" trong khu vực, so sánh với Thái Lan, từng là một "ngôi sao" ở Đông Nam Á, nhưng kinh tế hiện đang đi qua giai đoạn "chệch choạc". Chuyên gia Frederic Neumann, đồng đứng đầu nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á thuộc HSBC Holdings Plc ở Hong Kong, đánh giá Việt Nam đang ở trong thời điểm thuận lợi với việc các công ty nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế nguồn lao động cạnh tranh cao và chi phí thấp. Theo chuyên gia này, Việt Nam là một trong những nền kinh tế nổi bật ở châu Á và đang đứng trước triển vọng tươi sáng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam công bố ngày 28/12, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chưa có sự bứt phá, song vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao và ổn định. Các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tăng trưởng GDP năm 2016 ước tăng 6,21%. Các chuyên gia cho rằng mức tăng trưởng này vẫn là khá cao và ổn định và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu đi xuống và tình hình thiên tai gây nhiều khó khăn. Đây là một thành công trong quản lý điều hành của Chính phủ Việt Nam.
Một phân tích được Ngân hàng thế giới (WB) công bố trước đó trong tháng này cho biết nhu cầu nội địa mạnh và sản xuất theo hướng xuất khẩu đã tạo ra triển vọng tươi sáng trên cho kinh tế của Việt Nam. WB cũng hoan nghênh tỷ lệ lạm phát thấp, giữ dưới mức mục tiêu 5%, theo thông báo ngày 28/12 của Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Trong năm 2015, kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2007. Mức tăng chậm lại trong năm nay là sự giảm tốc đầu tiên kể từ năm 2012. Xếp hạng về tỷ lệ tăng trưởng trong khu vực, năm 2016, Việt Nam có tốc độ chậm hơn Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines.