Các động thái trừng phạt Nga của phương Tây kèm theo đó là lệnh trừng phạt trả đũa của Nga nhằm vào nông sản, thực phẩm Mỹ và châu Âu là cơ hội lớn để Việt Nam nhanh chóng tăng thị phần tại trị trường nhập khẩu nông sản, thực phẩm trị giá 42 tỷ USD này.
Có thể xem Nga như thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn nhất châu Âu với khoảng 50% tổng lượng thực phẩm nhập khẩu là những sản phẩm mua từ phương Nam và không thể thay thế. Trong đó, Nga nhập khẩu khoảng 2,5 tỷ USD rau, củ, quả, 2,5 tỷ USD cá và các sản phầm từ cá, một lượng lớn thịt và gia cầm. Đối với những sản phẩm này, châu Âu có thế mạnh về khoảng cách địa lý, uy tín cũng như chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, giờ thế mạnh này không còn, sau khi bị Nga cấm nhập khẩu trong vòng 1 năm.
Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga Phạm Quang Niệm khẳng định "đây là cơ hội rất tốt với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bởi tất cả những mặt hàng này Việt Nam đều có thế mạnh - rau, củ quả, các mặt hàng nông sản, sản phẩm thịt đều có thể xuất vào Nga". Ông Niệm khuyến cáo "các doanh nghiệp không nên thụ động ngồi chờ Nga mời mà chủ động đi vào thị trường Nga".
Ông Phạm Quang Niệm, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga. |
Mặt hàng đầu tiên ông Niệm lưu ý có nhiều triển vọng tăng mạnh xuất khẩu vào Nga là thủy sản. Mới đây lại có thêm các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nữa được phép xuất khẩu vào thị trường Nga. Theo ông Niệm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên nhanh chóng bàn với Nga "thỏa thuận liên chính phủ về an toàn thực phẩm, bệnh dịch đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga". Đây là khung pháp lý quan trọng để Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nguồn gốc động vật vào Nga. Cũng như tăng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Nga. Đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp Việt Nam bước vào thị trường Nga một cách vững vàng, chắc chắn và tăng thị phần... nếu chậm chân, chúng ta sẽ mất cơ hội".
Ông Niệm cho biết Nga quan tâm tới hàng hóa của Việt Nam, những ngày gần đây Sở Nội thương tỉnh Moskva đã mời Thương vụ Việt Nam tới làm việc. Trên cơ sở đó Việt Nam có thể kết nối với tỉnh Moskva cũng như các tỉnh khác để tạo sân chơi rộng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển vào thị trường Nga".
Đến thăm "Volga Việt" - doanh nghiệp nông nghiệp ăn nên làm ra ở thành phố Volgagrad (miền Nam nước Nga) hàng ngày cung cấp nhiều tấn rau củ quả cho các siêu thị địa phương, anh Trần Đức Thiết - người quản lý nông trại, cho biết công ty hiện canh tác 80 ha và luân canh hàng năm trên diện tích 200 ha để đất nghỉ. Sức tiêu thụ năm nay hơn hẳn năm ngoái, cung không đủ đáp ứng cầu từ các siêu thị địa phương. Sang năm công ty lên kế hoạch tăng diện tích canh tác, đẩy mạnh gấp đôi cây trồng là thế mạnh.
Giám đốc công ty Volga Việt, ông Dương Hải An. |
Trong cuộc phỏng vấn trực tiếp tại văn phòng công ty Volga Việt, Giám đốc Dương Hải An cho biết điều đầu tiên cần lưu ý với các doanh nghiệp muốn xuất khẩu rau củ quả vào Nga là "chất lượng đảm bảo, vì nếu không được đảm bảo, doanh nghiệp vẫn có thể bị thải loại". Ông cho biết việc đưa rau, củ quả của Việt Nam sang Nga "mất quãng đường hơi xa song nếu đầu tư vào khâu bảo quản và hợp đồng tốt vẫn có khả năng xuất khẩu".
Ông An nhận định, "cuộc khủng hoảng giữa Nga và phương Tây không thể một sớm một chiều được giải quyết, vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần chớp thời cơ trong bối cảnh quan hệ Việt-Nga phát triển tốt đẹp". Theo ông An, "mùa Đông năm nay Nga có thể gặp khó khăn về nguồn cung bởi mặt hàng rau, củ quả sản xuất theo kế hoach". Ông An gợi ý các doanh nghiệp Việt muốn đầu tư sản xuất nông nghiệp ở Nga, nên chọn khu vực rộng lớn miền Nam nước Nga vì đây là khu vực ấm, thích hợp sản xuất nông nghiệp.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Nga và phương Tây, Moskva đang khuyến khích phát triển nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. Cơ hội vẫn còn cho những doanh nghiệp Việt biết cách dấn thân vào hoạt động tiêu thụ và sản xuất nông sản tại thị trường Nga.
Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)