Xây dựng nhà máy sản xuất đất hiếm tại Quảng Ninh

Nhà máy có diện tích đất xây dựng nhà máy là 50.000m2; tổng số vốn đầu tư là 35,5 triệu USD.

Ngày 4/12, tại khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh), Công ty cổ phần đất hiếm toàn cầu (thuộc Tập đoàn Tuần Châu) và Công ty Singapore Winglee Resources PTE LTD (Singapore) đã ký kết hợp tác xây dựng nhà máy chế biến và sản xuất đất hiếm công nghệ cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.


Hai bên đã thống nhất thành lập Công ty liên doanh có tên gọi “Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đất hiếm Quốc tế Việt Nam – Singapore” nhằm đầu tư xây dựng lên nhà máy chế biến và sản xuất Đất hiếm công nghệ cao tại Khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh).

Vốn điều lệ của nhà máy là 10 triệu USD. Trong đó phía Tập đoàn Tuần Châu góp 5,1 triệu USD chiếm 51% vốn điều lệ, còn lại là phía công ty Singapore.

Sau khi được Chính phủ cho phép, trong vòng 8 tháng nhà máy sẽ được xây dựng hoàn thiện và đi vào hoạt động. Quy mô sản xuất những năm đầu sẽ đạt từ 1.000 - 3.000 tấn/năm.

Giai đoạn đầu, nguồn nguyên liệu phục vụ nhà máy sẽ nhập khẩu hoặc thu mua tại một số mỏ đất hiếm tại Việt Nam theo quy định. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát, nghiên cứu tìm mỏ đất hiếm để lập dự án đầu tư khai thác nhằm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy hoạt động hoặc sẽ thành lập công ty và nhà máy khác tại địa phương có mỏ với quy mô tương đương tại thành phố Hạ Long.

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng dùng để sản xuất các linh kiện trong điện thoại di động, pin mặt trời, motor điện hiệu suất cao, tivi màn hình phẳng, thiết bị quốc phòng và các công nghệ năng lượng sạch khác.

Đất hiếm ngày càng đóng vai trò lớn đối với các ngành công nghiệp và tương lai của thế giới. Việc xây dựng nhà máy tinh chế đất hiếm tại Quảng Ninh sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển cho ngành công nghiệp Việt Nam cũng như thế giới.


Văn Đức
Đất hiếm của Trung Quốc không còn hiếm?
Đất hiếm của Trung Quốc không còn hiếm?

Nguồn tin công nghiệp ngày 24/10 cho biết xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc sẽ chỉ đạt 10.000 tấn trong năm 2012, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, do nhu cầu về đất hiếm ở Nhật Bản, thị trường nhập khẩu đất hiếm lớn nhất, bị sụt giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN