Nguồn tin công nghiệp ngày 24/10 cho biết xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc sẽ chỉ đạt 10.000 tấn trong năm 2012, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, do nhu cầu về đất hiếm ở Nhật Bản, thị trường nhập khẩu đất hiếm lớn nhất, bị sụt giảm.
Công nhân nhà máy liên doanh khai thác đất hiếm giữa Nhật Bản và Cadắcxtan. Ảnh: Internet |
Theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản), sản lượng trên thấp hơn rất nhiều so với hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm 30.996 tấn của Trung Quốc trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh không thể sử dụng tài nguyên đất hiếm làm “quân bài ngoại giao” để mặc cả với Nhật Bản trong các vấn đề song phương như quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông.
Cùng với những nỗ lực đa dạng hóa các nguồn cung đất hiếm, Nhật Bản đã phát triển các nguyên liệu thay thế cũng như cải tiến công nghệ tái chế đất hiếm với nỗ lực tự bảo vệ mình trước chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Bắc Kinh, vốn được coi như là một phản ứng đáp trả của nước này đối với vụ bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc trong vụ đụng độ với hai tàu tuần tra của Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp hồi tháng 9/2010.
Năm 2011, Nhật Bản nhập tới 56% đất hiếm từ Trung Quốc. Đất hiếm được dùng làm nguyên liệu sản xuất các thiết bị dùng cho ô tô chạy xăng hoặc điện, điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ cao khác.
Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc có thể đạt từ 12.000 - 13.000 tấn trong năm 2012. Tuy nhiên, một nhân viên kinh doanh có quan hệ với giới kinh doanh đất hiếm cho biết xuất khẩu đất hiếm không thể đạt 10.000 tấn trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới. Theo giới kinh doanh, xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đạt đỉnh điểm 74.000 tấn vào năm 2003. Do các quy định chặt chẽ của Chính phủ Trung Quốc, lượng đất hiếm xuất khẩu đã giảm dần xuống còn 18.000 tấn năm 2011, bằng một nửa so với mức xuất khẩu năm 2010.
Theo Tân Hoa xã (THX) ngày 24/10, Công ty công nghệ cao đất hiếm sắt thép Nội Mông Bao Đầu, công ty khai thác đất hiếm lớn nhất Trung Quốc, đã buộc phải ngừng một số hoạt động sản xuất với nỗ lực ổn định giá cả trong bối cảnh nhu cầu thị trường đang giảm mạnh.
THX dẫn lời công ty này cho biết: “Nhu cầu đất hiếm ở mức thấp và giá trên thị trường đang giảm từ nửa cuối năm nay do suy thoái kinh tế”. Báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của công ty Bao Đầu cho thấy lợi nhuận ròng của công ty này trong quý III/2012 giảm tới 89,6% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 120 triệu nhân dân tệ (NDT) (19,02 triệu USD), do giá đất hiếm trên thị trường thế giới hạ và doanh thu sụt giảm.
Sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku hồi tháng 9/2012 vừa qua, ở Trung Quốc xuất hiện nhiều tiếng nói yêu cầu Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Tuy nhiên, giới kinh doanh cho biết Trung Quốc vẫn tiếp tục xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản.
Theo Sách Trắng đầu tiên về đất hiếm của Trung Quốc phát hành hồi tháng 6/2012, Trung Quốc - nước hiện sở hữu 23% trữ lượng đất hiếm phát hiện được trên thế giới - chiếm tới 90% sản lượng đất hiếm trên toàn cầu vào năm 2011.
Hữu Thắng