Hầu hết các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý I; trong đó có một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II. Tuy nhiên, phần lớn các đơn hàng doanh nghiệp ký được trong các tháng đầu năm đều là đơn hàng vừa và nhỏ, mã hàng hạn chế.
Sản xuất hàng dệt may tại Công ty TNG (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN |
Sản phẩm dệt may của Việt Nam đã có mặt tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Những thị trường chủ yếu đóng góp vào kim ngạch chung là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU…
Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, xuất khẩu quý I của ngành dệt may tăng trên 11%, là mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2016. Riêng đối với TNG quý 1 năm nay có mức tăng trưởng gần 15% cao hơn mức bình quân chung của toàn ngành. Mức tăng trưởng này là sự phân biệt rõ giữa doanh nghiệp có thương hiệu và doanh nghiệp chưa có thương hiệu. Doanh nghiệp có thương hiệu vẫn có mức tăng trưởng tốt. Thị trường của TNG vẫn là các doanh nghiệp lớn của Pháp và Mỹ. Hiện TNG có đơn hàng đến hết quý II, thậm chí đơn hàng kéo đến sang cả quý III.
Trước xu hướng kế hoạch đơn hàng ngày một ngắn và giá không tăng, Hiệp hội Dệt May Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp ngành dệt may cần khai thác triệt để hiệu suất của trang thiết bị đã đầu tư nhằm giảm chi phí, tìm kiếm đơn hàng quy mô nhỏ nhưng khó để xác định lợi thế về kỹ thuật và tay nghề người lao động.
Năm nay, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 đến 7% so với năm 2016, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 30 tỷ USD.