Ngày nay, nhiều gia đình vẫn phải loay hoay tìm cách ổn định tài chính, lo cho bố mẹ già. Như chị Thảo My, dù có công việc ổn định ở thành phố, nhưng chị luôn day dứt về việc hiếu thuận, chăm sóc bố mẹ chồng ở quê đầy đủ nhất. Chị tâm sự: “Không biết đến khi nào mới đủ điều kiện tài chính để về hẳn quê phụng dưỡng ông bà.”
Mặc dù có 4 người con, nhưng ông bà vẫn chưa nhờ cậy được ai, dù các cụ đã có tuổi. Còn vợ chồng chị, mang tiếng công việc ổn định nhưng cảnh làm công ăn lương giữa thành phố đắt đỏ thì không thể dư giả. Thỉnh thoảng, anh chị gửi về phụ ông bà một khoản nuôi các cháu, thật sự chưa thể gọi là phụng dưỡng bố mẹ già.
Dù lớn tuổi nhưng may mắn các cụ vẫn có sức khỏe để tự lo cho mình và cả 2 đứa cháu. Song, tuổi già như ngọn đèn trước gió, chỉ cần bệnh vặt cũng khiến con cháu khó lòng xoay xở. “Thật sự không dám nghĩ đến ngày đó”, chị tâm sự.
Sự chủ quan này rất đáng lo ngại trong xã hội, nhất là khi Việt Nam đang có tốc độ già hoá dân số nhanh hơn cả những nước phát triển. 10 năm trước, cứ 11 người dân sẽ có 1 người cao tuổi (11/1), theo dự báo đến năm 2029, tỷ lệ này là 6/1. Các nghiên cứu đã chỉ ra, Việt Nam chỉ có khoảng 20 năm để chuyển từ xã hội già hóa sang xã hội già. Trong khi ở các nước phát triển như Nhật Bản là 26 năm, Mỹ là 65 năm, Thụy Điển có đến 85 năm chuyển giai đoạn.
Nỗ lực ứng phó với vấn đề già hóa dân số
Hiện nay, những thông tin về tốc độ già hóa dân số nhanh của nước ta đang được nhắc đến nhiều hơn nhưng nhiều người chưa quan tâm đến thách thức đặt ra. Dù Chính phủ đang xây dựng các chính sách và chương trình ứng phó với vấn đề già hóa dân số nhiều năm qua nhưng nhận thức của chúng ta vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ. Hiện cả nước mới có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu. Như vậy, còn tới 61% người cao tuổi vẫn đang lao động kiếm sống.
Trường hợp bố mẹ chồng chị Thảo My, ngoài chính sách cấp miễn phí bảo hiểm y tế, mỗi tháng các cụ được trợ cấp 360.000 đồng/người dành cho người cao tuổi không có lương hưu. Thực tế, nếu sống ở thành phố đắt đỏ, 360.000 đồng/người cũng chỉ đủ trang trải mấy bữa ăn trong một hai tuần, chưa kể tiền nhà, điện, nước. Đó là lý do ông bà vẫn còn theo việc đồng áng ở quê.
Các nước phát triển thích ứng với già hoá dân số như thế nào?
Kinh nghiệm của các quốc gia bước vào xã hội già hóa dân số trước Việt Nam cho thấy việc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội khi tỷ lệ người cao tuổi tăng. Ví dụ ở Canada, sự gia tăng tỷ trọng người cao tuổi làm tăng khoảng 1,3% GDP chi tiêu y tế bình quân đầu người.
Còn ở Nhật Bản, ngân sách tài khóa năm 2022 đã dành đến 36.270 tỷ Yên, chiếm tới 1/3 ngân sách để giải quyết tình trạng già hóa dân số nhanh. Đây là mức chi lớn nhất từ trước tới nay của Nhật Bản cho vấn đề an sinh xã hội, cho thấy tình trạng già hóa dân số tiếp tục là thách thức hàng đầu đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới dù đã có sự chuẩn bị rất sớm.
Tại Singapore, chính phủ đảo quốc sư tử cũng đầu tư đáng kể vào các sáng kiến học tập suốt đời để thúc đẩy sự phát triển cá nhân và hòa nhập xã hội. Từ 2014, nước này cũng cung cấp cho mỗi người dân từ 25 tuổi trở lên một khoản tín dụng mở đầu 500 USD và được bổ sung định kỳ để họ tham dự các khóa học kỹ năng phát triển bản thân.
Việt Nam có thể học tập các kinh nghiệm như vậy hay không? Nhìn nhận một cách khách quan, ở góc độ vĩ mô, trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị cho thời kỳ dân số già, như cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội để thu hút nhiều người tham gia. Chính phủ cũng xây dựng các chương chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là người cao tuổi.
Có ý kiến khẳng định rằng, điều chúng ta phải làm ngay là cung cấp cho thế hệ trẻ những công cụ và kỹ năng để hoạch định tương lai. Thế hệ trẻ phải nhận thức được những thách thức của vấn đề già hóa dân số, từ đó họ mới có sự chuẩn bị cho tương lai, đặc biệt là vấn đề tài chính cho bản thân, gia đình để giảm áp lực an sinh xã hội và dịch vụ y tế sau này.