Đó là một phần chia sẻ của Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng với chúng tôi trong lúc men theo con đường bê tông cũ ghập ghềnh từ ấp Tân Thới tới trung tâm xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) sau khi đi thăm các hộ vay vốn chính sách.
Lúc ấy, chúng tôi vừa tới thăm hộ ông Hồ Hoàng Thái ở ấp Tân Thới. Đây là hộ gia đình khó khăn của xã Tân Hạnh nhưng có ý chí tự lực vươn lên khi được vay vốn chính sách. Gia đình ông Thái vừa mới vay 45 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo của NHCSXH và sử dụng ngay số tiền đó mua máy may và nguyên liệu để mở một cửa hàng đồ da nho nhỏ phục vụ bà con trong và ngoài ấp. “Với số tiền đó, nếu người khác sẽ là không lớn, nhưng với vợ chồng tôi, đó là một cơ hội thay đổi cuộc đời”, ông Thái tâm sự. Nhờ đó, vợ chồng ông có thể chấm dứt cả chục năm đi làm thuê, đưa cái nghề mình học được về tạo dựng và ổn định cuộc sống ngay chính tại quê hương. Nhìn cơ ngơi của gia đình vợ chồng ông chưa giàu có gì, nhưng mỗi ngày vợ chồng ông cũng kiếm được ngót nghét hai trăm nghìn đồng, túi da, cặp sách đến cả dây lưng được bà con rất ưa thích.
Nhưng trong “mối duyên” giữa gia đình ông Thái và NHCSXH, không thể không kể tới vai trò của Chi hội trưởng phụ nữ kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tân Thới là bà Phạm Tuyết Lệ. Ngoài 60 tuổi, nhiều phụ nữ đã “ngại” việc lớn, việc nhỏ, nhưng với bà Lệ hơn mười năm qua vẫn nhiệt huyết say sưa với công việc làm Tổ trưởng để “góp sức cùng bà con chòm xóm làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình”. Chính vì làm việc từ trái tim, nên bà đã dành nhiều thời gian để “bám từng nhà, rà từng người”. Khi được Tổng Giám đốc NHCSXH hỏi bất kỳ về các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn do bà phụ trách (54 hộ vay), không cần giở sổ sách hay tài liệu nào, bà Lệ có thể kể vanh vách thông tin về hộ: Vay bao nhiêu tiền, từ khi nào, trả lãi ra sao, điều kiện kinh tế của các hộ sau khi vay vốn, bao nhiêu hộ đã thoát nghèo, khả năng trả nợ, tham gia gửi tiền tiết kiệm như nào...
Trong mô hình hoạt động đặc thù của NHCSXH, các hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn vay có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải vốn chính sách đến với người dân và những Tổ tiết kiệm và vay vốn chính là “cánh tay nối dài” quan trọng - nơi người dân lần đầu tiếp cận vốn chính sách và cũng là nơi họ duy trì quan hệ thường xuyên với NHCSXH. Chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng cao không thể không kể đến sự cố gắng, nỗ lực của những Tổ trưởng, trong đó có hàng trăm người đã gắn bó với hoạt động tín dụng chính sách 16 năm qua, kể từ khi NHCSXH thành lập và đi vào hoạt động. Thực tế cho thấy, tổ nào mà Tổ trưởng tận tâm thì chất lượng tín dụng ở tổ đó đều được đảm bảo. “Tôi rất vui khi được gặp những Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc từng hộ vay trong tổ. Điều đó cho thấy được cả trình độ nghiệp vụ, cả tâm tư, tình cảm của người Tổ trưởng đó đối với việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Điều đó càng khẳng định chúng ta đã lựa chọn một mô hình đúng”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nói.
Ngay trong buổi làm việc của Đoàn khảo sát thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ (Vĩnh Long), Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng yêu cầu Giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Long lưu tâm khen thưởng động viên những Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn năng động, tận tâm, tận tụy, tổ không có nợ quá hạn phát sinh và luôn vì sự nghiệp tín dụng chính sách xã hội.
Trong đánh giá hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn giai đoạn 2002 - 2017, NHCSXH nhận định, nhờ tổ chức thành công mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, phum, sóc, tổ dân phố,... áp dụng phương thức giải ngân trực tiếp đến từng người vay vốn, tổ chức giao dịch tại Điểm giao dịch xã nên trong 16 năm qua, NHCSXH đã chuyển tải hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ.
Nhận thấy tính tích cực, hiệu quả của việc cho vay thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, đến nay về cơ bản các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đều được thực hiện cho vay theo Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện, tại 11.162 xã phường, thị trấn trên toàn quốc, có gần 186,5 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động. Tổ tiết kiệm và vay vốn là nền tảng để nâng cao hiệu quả và chất lượng vốn tín dụng, bởi tổ hoạt động tốt, tương trợ, phổ biến kinh nghiệm giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, tạo thu nhập. Và, trong chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn trên khắp mọi miền đất nước, không thể không trân trọng những tấm lòng của gần 186,5 nghìn Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn - những người đã và đang mỗi ngày nỗ lực giảm nghèo cho chính bản thân và bà con chòm xóm, là “linh hồn” tạo nên sức mạnh cộng đồng dân cư đầm ấm nghĩa tình.