Gìn giữ giá trị truyền thống
Chương trình do Khoa Đô thị học - Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, Trung tâm nghiên cứu Đô thị và Phát triển, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Phố Bên Đồi, Câu lạc bộ Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hóa Nam Bộ phối hợp cùng Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) tổ chức.
Dưới sự điều phối của TS. Trương Hoàng Trương (nguyên Trưởng Khoa Đô thị học) và TS.KTS Lê Thị Hồng Na (GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Sản phẩm Phuc Khang Corporation), tọa đàm đã giới thiệu những nét độc đáo về văn hóa và địa lý của Sài Gòn, từ đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp để xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc.
Với tham luận “Bức khảm các tiểu văn hóa tại Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh”, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân – GĐ Trung tâm Nghiên cứu đô thị đã mở ra một cái nhìn độc đáo về tiểu văn hóa - những mảnh ghép nhiều màu sắc cùng với nền văn hóa chủ lưu tạo nên bức khảm văn hóa sống động của đô thị Sài Gòn. Người yêu văn hóa đô thị được tìm hiểu về các tiểu văn hóa như: phố hoa (đường Hồ Thị Kỷ), phố thuốc Đông Y (đường Lương Nhữ Học, Hải thượng Lãn Ông, Phùng Hưng), phố cà phê (Trần Cao Vân - Hồ Con Rùa)… cho đến các khu tiểu văn hóa người Chăm, tiểu văn hóa dịch vụ du lịch, tiểu văn hóa nghề dệt…
Người xem còn được trở về với Sài Gòn xưa qua các câu chuyện kể về thành Bát Quái, thành Phụng, Lăng Ông Bà Chiểu, cách đặt tên quận-tên đường, câu chuyện đồng bạc xé đôi, chuyện xích lô, những chiếc cầu xưa, chợ Bến Thành… qua chia sẻ của ông Hồ Nhựt Quang – Cố vấn cấp cao về văn hóa của Phúc Khang Corporation, Chủ tịch CLB Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam Bộ.
Khán giả yêu đô thị đến với chương trình cũng có dịp thưởng thức nhiều kỷ vật xưa của Sài Gòn từ các loại đèn qua nhiều thời kỳ, các khuôn làm bánh dân gian mang dấu ấn thời khai khẩn… Chương trình còn tái hiện hình ảnh trên bến dưới thuyền của Sài Gòn, trưng bày các tư liệu quý về bản đồ xưa, cồng chiêng, gùi bắp ngô, rổ khoai lúa, dụng cụ làm nông của dân tộc K'Ho….
Phát triển bền vững và sáng tạo: xu thế của tương lai
Đến với tọa đàm với tham luận về “Xây dựng công viên khoa học &công nghệ TP.HCM góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu đô thị sáng tạo phía Đông TP”, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân– Trưởng khoa Đô thị học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM đúc kết bài học kinh nghiệm từ Singapore để kiến nghị các giải pháp xây dựng mô hình đô thị thông minh, xanh-sạch-đẹp, phát triển bền vững và sáng tạo theo xu thế phát triển đô thị trên thế giới.
Góp mặt tại Tọa đàm, bà Lưu Thị Thanh Mẫu – Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation cho rằng việc các nhà phát triển dự án kiến tạo các sản phẩm BĐS theo hướng công trình xanh với các tiêu chuẩn quốc tế sẽ góp phần rất lớn cho việc gìn giữ và bảo tồn môi trường sinh thái hướng đến mục tiêu lâu dài, đồng thời đảm bảo sức khỏe của con người. Với sứ mệnh đó, Phúc Khang đã và đang thực hiện những dự án theo chuẩn xanh, không những kiến tạo một cuộc sống xanh - bền vững, xây dựng không gian cây xanh - mặt nước gần gũi cho cuộc sống người dân đô thị; mà còn đưa những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc vào trong những chi tiết thiết kế.
“Được thưởng lãm nhiều hiện vật văn hóa, lắng nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia văn hoá và quy hoạch đô thị, tôi rất xúc động và trân trọng từ các chi tiết về tiểu văn hóa, những câu chuyện về Sài Gòn xưa cho đến định hướng tương lai của TP.HCM về một thành phố thông minh, hiện đại” – TS. Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng ban Đô Thị, Hội đồng nhân dân TP.Hồ Chí Minh đúc kết về chương trình.
Sau phần thảo luận sôi nổi, đại diện Khoa Đô thị học – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự tri ân đối với những đóng góp tâm huyết và quý báu từ các chuyên gia, giới chuyên môn. Ở góc độ một doanh nghiệp tiên phong trong phát triển công trình xanh tại Việt Nam, bà Lưu Thị Thanh Mẫu – TGĐ Phúc Khang Corporation cũng bày tỏ hy vọng Phúc Khang sẽ có thể hiện thực hóa trách nhiệm chuyển giao, lan tỏa tư duy xanh, tinh thần xanh đến cộng đồng, góp phần xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh, bền vững, có bản sắc, trở thành niềm tự hào của thế hệ hôm nay và mai sau.