Lực đẩy giảm nghèo ở cao nguyên Vân Hồ

Những ngày giáp Tết, cùng cán bộ tín dụng chính sách đi cơ sở chứng kiến những chiếc xe tải chở đầy rau xanh, quả chín băng qua các đồi chè bạt ngàn, các vườn mận hoa trắng, chúng tôi càng cảm nhận sự đổi thay tươi mới trên vùng đất cao nguyên thuộc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Chú thích ảnh
Một phiên giao dịch tại xã của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vân Hồ.

Để khai thác tiềm năng lợi thế và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện Vân Hồ đã triển khai nhiều hướng đi và giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông, lâm nghiệp, huy động các nguồn lực, trong đó chú trọng tăng trưởng nguồn vốn tín dụng chính sách tập trung cho công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo đầu tư đúng đối tượng, đúng mục đích, đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của đồng bào các dân tộc.

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Vân Hồ, ông Phạm Việt Hải cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã tích cực tham gia thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đề án giảm nghèo nhanh, bền vững của địa phương thông qua những việc làm cụ thể như tập trung huy động mọi nguồn lực, tổ chức chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn về tận làng bản, đến từng đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.

Những nỗ lực của cán bộ NHCSXH Vân Hồ đã được “hái quả ngọt” là tốc độ tăng trưởng dư nợ năm sau cao hơn năm trước, đồng thời được ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương tin tưởng giao thêm chương trình tín dụng và bổ sung nhiều vốn hơn để cho vay các đối tượng chỉ định. Tính đến nay, miền cao nguyên cửa ngõ Tây Bắc có đến 14 chương trình với tổng số vốn hoạt động 412 tỷ đồng, tăng trưởng 36 tỷ đồng so với đầu năm 2021.

Ngay cả khi đại dịch COVID-19 bùng phát gây trở ngại đến tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, dòng chảy vốn chính sách vẫn thông suốt, chảy đều đặn hỗ trợ 8.665 hộ nghèo và các đối tượng chính sách từ vùng sâu, vùng xa, biên giới được vay 120 tỷ đồng để thâm canh các loại cây ăn quả, cây dược liệu chất lượng cao, phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt, trâu kéo, đẩy mạnh việc trồng, bảo vệ rừng.

Nhờ nguồn vốn tăng trưởng, NHCSXH tạo thêm năng lực hoạt động. Các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở Vân Hồ có lực đẩy mới. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và gương sản xuất kinh doanh giỏi xuất hiện như chăn nuôi bò sinh sản tại các xã Tân Xuân, Quang Minh, Chiềng Yên, canh tác các loại cây có múi ở Chiềng Khoa, Mường Men... Tiêu biểu phải kể đến xã đặc biệt khó khăn Xuân Nha đã được 28 tỷ đồng vốn chính sách tiếp sức chuyển đổi đất đồi cằn cỗi trồng bồ đề kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả đặc sản bưởi, táo lai, cam lòng vàng với 230 ha và nâng đàn trâu bò 2.460 con, thu nhập hàng năm hơn 60 tỷ đồng, giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo từ 45% năm 2019 còn 28% năm 2021.

Ông Hà Văn Quy, Chủ tịch UBND xã Xuân Nha cho biết, từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chăn nuôi hàng hóa kết hợp với cải tạo vườn tạp, đồi hoang để thâm canh cây ăn quả đặc sản, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đây là hướng đi đúng trong giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế ở một xã vùng sâu có đông người Mông, người Dao sinh sống.

Ở xã Chiềng Yên, gia đình ông Nguyễn Xuân Hồng, ngụ bản Cò Bá, vốn thuộc diện hộ nghèo. Ông được vay vốn ưu đãi tới 2 lần liên tiếp để trồng chè sạch, nuôi bò sinh sản. Do chăm sóc, phòng trừ bệnh chu đáo cho cây trồng, con vật nuôi nên cây chè xanh tốt và bò mẹ sinh đều đặn bê con khỏe mạnh đã giúp gia cảnh ông thoát nghèo nhanh, làm giàu chính đáng. Hiện ông sở hữu vườn chè rộng 1 ha và đàn bò 17 con, trị giá 300-400 triệu đồng.

Tương tự, chị Vi Thị Phiêng, bản Mường Khoa, xã Chiềng Khoa đã sử dụng đồng vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để trồng cam, bưởi, nuôi trâu kéo, bò thịt, thoát cảnh nghèo và sau khi trả xong nợ lại được NHCSXH Vân Hồ giải quyết vay vốn tiếp để sang xuân qua Tết mở rộng cơ ngơi sản xuất. “Bây giờ gia đình tôi có 9 con trâu, bò, 1,5 ha cây ăn quả, 8000m2 mặt nước thả cá nước ngọt, tổng thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm”, chị Vi Thị Phiêng hồ hởi nói.

Cùng với đó, NHCSXH huyện Vân Hồ còn tích cực hỗ trợ khách hàng vay vốn như tạm dừng thu hồi nợ gốc, thu lãi ở những nơi bị khoanh vùng, cách ly cho đến khi phiên giao dịch với ngân hàng trở lại bình thường và đẩy mạnh cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động do dịch COVID-19 gây ra.

Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã làm lực đẩy cho công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở cao nguyên Vân Hồ. Đến hết năm 2021, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững ở huyện Vân Hồ đã đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể dọc quốc lộ 6 đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả, rau hoa chất lượng cao, tỷ lệ độ che phủ rừng cao 56%, đứng đầu tỉnh Sơn La, 3/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm bình quân 3,79%, từ 41% đầu năm 2016 giảm còn 21,4% cuối 2021.

Dư Minh Uyên
Ngân hàng Chính sách xã hội Sơn La vượt khó, hoàn thành kế hoạch sớm 1 tháng
Ngân hàng Chính sách xã hội Sơn La vượt khó, hoàn thành kế hoạch sớm 1 tháng

Đến ngày 30/11/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Sơn La đã hoàn thành kế hoạch tín dụng cả năm, điều đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động khiến nhiều lao động mất việc làm, nguy cơ tái nghèo ở vùng miền núi biên giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN