Cụ thể, đến ngày 31/9/2021, tổng nguồn vốn của NHCSXH Hà Nam đạt 2.220 tỷ đồng, tăng 924 tỷ đồng so với năm 2014, trong đó nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác là 77,3 tỷ đồng. Đáng kể đến NHCSXH các huyện, thị xã Duy Tiên, Lý Nhân, Thanh Liêm… đã làm tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong công tác huy động vốn từ các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp trong, ngoài địa bàn, để mới đến tháng 9 đã hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm.
Toàn bộ 2.220 tỷ đồng vốn do Trung ương cấp, Chi nhánh huy động, tạo lập và địa phương ủy thác đã được những người làm tín dụng chính sách ở Hà Nam bền bỉ chuyển tải nhanh chóng, an toàn về khắp địa bàn, bất kể thôn xóm hẻo lánh, bấp chấp thiên tai, dịch bệnh. Trong 9 tháng năm 2021, tuy dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh gây khó khăn, tổn thất đến sản xuất, cuộc sống người dân, nhưng dòng vốn ưu đãi vẫn không ngừng chảy, hỗ trợ 14.000 lượt hộ ở cả 6 huyện, thị xã, thành phố được vay hơn 620 tỷ đồng, kịp thời đầu tư thâm canh ruộng vườn, phát triển chăn nuôi, mở mang ngành nghề…
Ngày nay, ở huyện Thanh Liêm nhiều người biết đến tấm gương sử dụng vốn vay ưu đãi làm kinh tế VAC (vườn ao chuồng) giỏi của chị Trần Thị Hưng, thôn Thanh Bồng, xã Thanh Nghị. Trước đây do thiếu tiền vốn sản xuất nên gia cảnh nhà chị rất khó khăn. Cơ may đến với chị vào đầu năm 2019 từ nguồn vốn 90 triệu vay của NHCSXH huyện Thanh Liêm, chị Hương đã đầu tư làm chuồng trại chắc chắn, nuôi bò sinh sản, dê, cừu thịt và cải tạo chân ruộng trũng thành vườn trồng hoa cảnh, quả ngọt. Sau vài ba vụ thu hoạch năng suất, bán được giá, chị có đủ tiền trả hết nợ vay ngân hàng, thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Dũng, ngụ tại thôn 5, xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân cách đây không lâu còn là hộ nghèo, giờ đã có cuộc sống ổn định, kinh tế khấm khá bởi 2 lần liền ông vay vốn ưu đãi và sử dụng đồng vốn vay vào trồng 400 cây nhãn Hương Chi, 250 giò hoa lan bích, để hàng năm thu hoạch gần chục tấn sản phẩm, sau khi trừ các khoản chi phí công lao động, mua sắm vật tư chăm bón cây trồng, vẫn lãi khoảng 150 triệu đồng. Chủ tịch UBND xã Xuân Khê, ông Trần Minh Ngọc chia sẻ: Nguồn vốn vay của NHCSXH thực sự như “chìa khóa vàng” mở cửa cho người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, mặt khác cũng làm đòn bẩy giúp toàn xã về đích nông thôn mới.
Rõ ràng, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành một trong những động lực góp phần đổi thay cả vũng chiêm trũng xưa, thành một trong những vùng trọng điểm kinh tế của đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có hơn 60.000 lượt hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho gần 250.000 lao động, hỗ trợ hơn 3.000 lượt hộ nghèo có vốn xây nhà mới kiên cố, “an cư lập nghiệp”…
Để đạt được thành tích đó, trước hết do cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó trực tiếp chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong toàn bộ hoạt động của NHCSXH. Đặc biệt sau 7 năm đưa Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách và cuộc sống, các cấp ở Hà Nam đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của NHCSXH. Cùng với đó, từ khi thực hiện Chỉ thị mới của Đảng, các tổ chức chính trị xã hội đã làm tốt hơn công việc truyền dẫn nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) cũng được kiện toàn, củng cố có đủ tiêu chí hoạt động tiến hành bình xét, xác nhận đối tượng vay vốn chính xác, công khai, chấm dứt hiện tượng cho vay sai đối tượng hay vay ké, vay nóng, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng tín dụng chính sách với số nợ quá hạn trong tầm kiểm soát. Điển hình hiện toàn tỉnh Hà Nam có 317/415 Hội Đoàn thể và 1254/1394 tổ TK&VV không có nợ quá hạn, lãi tồn đọng.
Với nguồn vốn lớn cùng mạng lưới điểm giao dịch, tổ TK&VV phủ khắp địa bàn, NHCSXH Hà Nam ngày càng chủ động đổi mới quy trình thủ tục cấp tín dụng ưu đãi theo phương châm “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”.