Cần “vá” lỗ hổng trong quản lý, trùng tu di tích

Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc làm mới di tích xảy ra ở chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) - di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

 

Gác Khánh của chùa Trăm Gian bị tháo dỡ không đúng quy định. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều di tích bị xâm hại được phát hiện, trong khi còn nhiều di tích khác đã hoặc đang tiếp tục bị xâm hại nghiêm trọng khi trùng tu, mà không có cách gì cứu vãn. Từ những sự việc trên cho thấy, đang có một lỗ hổng lớn trong công tác quản lý di tích ở nước ta.

 

Sai phạm trong trùng tu di tích: Kể mãi không hết


Sự việc nhà Tổ, gác Khánh ở chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị nhà chùa tự ý dỡ đi, xây mới, mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng đã làm nóng dư luận trong nhiều ngày qua. Cho đến nay, những người có trách nhiệm trong vụ việc này cũng đã được đề nghị xử lý, việc thi công xây dựng nhà Tổ, gác Khánh của chùa Trăm Gian đã bị đình chỉ, Bộ VH, TT & DL, Sở VH, TT & DL Hà Nội đã vào cuộc để tìm giải pháp khắc phục. Nhưng dù khắc phục thế nào thì cũng không thể khôi phục nguyên trạng những kiến trúc cổ đã bị phá dỡ.


Di tích Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang “bị làm mới” khi trùng tu.

Mới đây, người dân ở xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, Hưng Yên, cũng khẩn cấp gửi đơn lên Thanh tra Bộ VH,TT&DL kêu cứu về việc đình cổ Ngu Nhuế, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, đã bị san phẳng để dựng... đình mới, nhiều chi tiết tinh xảo tạo nên giá trị đặc biệt của đình Ngu Nhuế như mảng chạm, đầu kê, đòn bẩy… sau khi hạ giải cái bị mất, cái còn cũng không nguyên vẹn như xưa. Nghiêm trọng hơn, địa phương còn tự ý di chuyển vị trí ngôi đình mới cách đình cũ vài chục mét. Điều đáng nói là ngôi đình gần như được xây mới hoàn toàn, vì rất ít cột gỗ, cấu kiện của ngôi đình cũ được đưa vào.


Trước đó, Dự án tu bổ tường thành cổ Sơn Tây dù có văn bản thỏa thuận của Cục Di sản Văn hóa, nhưng vẫn bị làm trái ngược hẳn, và rồi cũng chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm về việc tu bổ sai thỏa thuận này. Hay như đình Yên Phụ (quận Tây Hồ), đình Xuân Tảo (huyện Từ Liêm), Hà Nội..., những di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc biệt cũng bị loại bỏ một cách không thương tiếc những cấu kiện có thể tái sử dụng khi trùng tu. Mặc dù Cục Di sản Văn hóa nhiều lần có văn bản yêu cầu các đơn vị thi công các dự án tu bổ phải đưa những cấu kiện cũ có giá trị vào lắp dựng nhưng đơn vị thi công không thực hiện. Kết quả là những công trình mới với những cấu kiện mới tinh được dựng lên...


PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, đưa ra dẫn chứng, 3 năm trước, ngôi đền Thượng ở khu di tích Đền Hùng được quyết định làm mới hoàn toàn, ngôi đền mới chỉ rộng hơn đền cũ 1 m, toàn bộ cấu kiện ngôi đền cũ không hề bị hỏng từ gỗ, ngai, hoành phi, câu đối... được chuyển xuống phía dưới, dựng lên thành đền Trẹo. Đền Trẹo bây giờ trở thành một di tích tuyệt đẹp. Một ví dụ khác: Khi trùng tu di tích nhà tù Côn Đảo (Phú Quốc), đơn vị thi công cho tháo cánh cửa chuồng cọp ra, làm lại hoàn toàn khác so với cửa cũ, đến mức chính những người đã từng bị giam giữ ở nhà tù Phú Quốc, khi quay lại cũng không nhận ra đó là nơi mình đã bị giam giữ...


Đó chỉ là một số ví dụ điển hình cho thấy, quan niệm về trùng tu di tích còn rất khác nhau trong lĩnh vực di sản, dẫn đến những vi phạm trong việc trùng tu, tôn tạo di tích rất nhiều, đến mức một nhà nghiên cứu văn hóa lâu năm đã từng phải thốt lên: “Những sai phạm trong di tích như vậy nhiều lắm, kể không hết đâu...”. Điều đáng nói nữa là tại sao, các vi phạm cứ liên tiếp tái diễn như vậy mà hầu như không được xử lý một cách thỏa đáng, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương không thấy ai phải chịu trách nhiệm. Và rồi cũng không ai lấy đó làm bài học kinh nghiệm.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa: Để tránh những sự việc sai phạm trong quản lý, bảo tồn di tích, điều quan trọng là phải thay đổi nhận thức từ trên xuống dưới. Từ những cấp quản lý cao nhất, chứ không chỉ riêng với người dân. Luật pháp quy định nhiều, nhưng chưa đầy đủ, biên độ trong quy định trùng tu di tích quá rộng, chưa rõ ràng, quan niệm thế nào, nhìn ở khía cạnh nào cũng có phần đúng... Chính vì quan niệm không thống nhất, nên việc trùng tu, bảo tồn mỗi nơi một khác, thậm chí lẽ ra phải giữ gìn thì lại cho phép dỡ bỏ, làm mới các di tích. Bên cạnh đó, ngành văn hóa cần phải xem lại toàn bộ quy chế, quy trình vận hành của mình, làm sao để tạo ra hệ thống thông tin thông suốt từ các cấp với các di tích của mình. Đồng thời, nghiên cứu giảm bớt thủ tục hành chính phức tạp trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích, nhất là những di tích “sống”. Nếu không làm tốt việc này, sẽ dẫn đến một hiệu ứng ngược, là sẽ có nhiều di tích không tham gia xếp hạng, bởi với cơ chế khó khăn như hiện nay, việc đăng ký xếp hạng di tích đồng nghĩa với việc tự xin “trói” mình, nếu sau này hỏng hóc muốn sửa cũng khó... Và như vậy, những di tích quý giá của dân tộc sẽ theo thời gian mà mất dần đi.

 

Phương Hà

Quản lý di tích - Lỏng lẻo từ trên xuống dưới

Những vi phạm liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương, nhưng câu trả lời của các đơn vị liên quan, từ lãnh đạo địa phương, lãnh đạo sở, cục... đều là “không được báo cáo nên không biết”...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN