Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh được vinh danh "Công dân tiêu biểu Thủ đô". Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Nổi tiếng trong giới nghệ thuật, từng được vinh danh là "Công dân tiêu biểu Thủ đô", được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và tới đây sẽ là Giải thưởng Hồ Chí Minh, thế nhưng Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh - cánh chim không mỏi của làng múa Việt Nam, lại cho rằng mình là người phụ nữ may mắn trong sự nghiệp khi được nhiều người ủng hộ, động viên.
Tâm huyết trọn đời của người nghệ sĩNghệ sĩ Nhân dân Thúy Quỳnh giờ đã luống tuổi nhưng bà vẫn giữ được nét duyên dáng, mặn mà của người con gái đất Tràng An. Trong câu chuyện, bà luôn cho rằng mình có được ngày hôm nay là điều may mắn. Từ lúc bắt đầu vào nghề, cô bé Thúy Quỳnh đã được giúp đỡ, dạy bảo cẩn thận từ những người đi trước cùng nhiều chuyên gia nước ngoài. Sau này, bà cũng được tín nhiệm giới thiệu vào Quốc hội khóa IV và trúng cử năm 28 tuổi, tiếp sau đó là Quốc hội khóa VIII, IX, X. Bà luôn được tạo điều kiện để làm việc, phát huy sở trường trong các môi trường công tác.
Sinh ra trong gia đình yêu nghệ thuật, sẵn niềm đam mê múa, cô bé Thúy Quỳnh được bố mẹ ủng hộ, tạo điều kiện, động viên đăng ký vào Đoàn Ca vũ Trung ương khi mới 13-14 tuổi. Lần dự tuyển ấy, cô bé đã vượt qua những màn “sát hạch” của ban tuyển chọn khắt khe gồm nghệ sĩ Hoàng Châu (một trong những người lãnh đạo đầu tiên của ngành múa), các nghệ sĩ Phùng Thị Nhạn, Mạnh Hùng, Trọng Bằng, Tuệ Minh và diễn viên Trần Chinh. Cùng trúng tuyển với Chu Thúy Quỳnh năm ấy (năm 1954) có cả Xuân Quỳnh, sau này là nữ sĩ Xuân Quỳnh.
Khi trò chuyện với chung tôi, tất tự nhiên, bà nhẹ nhàng biểu diễn những động tác mềm mại, thể hiện hình ảnh chú chim rũ sương đêm, vỗ cánh đón ánh nắng mặt trời trong tiết mục "Cánh chim và mặt trời". Đây là những động tác mà bà được Nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly chỉ dạy từ những ngày mới chập chững vào nghề. “Trước đây, tôi được các anh, chị đạo diễn, biên đạo lớp trước như Phùng Nhạ, Thái Ly… quý mến, chỉ dạy nhiều. Sau này, các anh em nghệ sĩ trong Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tạo điều kiện, giúp đỡ để tôi hoàn thành công việc. Tôi cũng may mắn khi có được những đồng nghiệp đầy tâm huyết, đoàn kết, cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn trong công việc” - Nghệ sỹ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh chia sẻ.
Có thể nói Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh sống bền với nghề múa hơn bất cứ ai. Bà khiến cho nhiều người, ngay cả trong giới phải ngạc nhiên khi hơn 40 tuổi vẫn đi học múa cổ điển ở Ấn Độ; hơn 50 tuổi, khán giả trong và ngoài nước vẫn thấy Chu Thúy Quỳnh múa. Không kể nhiều về thời gian khó của nghề mà trái lại Chu Thúy Quỳnh luôn cho rằng mình thật may mắn khi có đủ mọi điều kiện để dành hết tâm huyết cho niềm đam mê múa. “Vợ chồng tôi có một con. Trong suốt thời gian đi biểu diễn, tôi gửi con cho ông bà ngoại trông giúp. Những lần đi diễn khác thì chồng tôi phụ giúp trông con. Chồng tôi là người ủng hộ vợ hết lòng, ngay cả khi anh ấy bị bệnh nặng” - nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh xúc động chia sẻ.
Trong căn phòng nhỏ của chị ở trụ sở Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, ngoài các bức ảnh chị tham gia những tiết mục "Cánh chim và mặt trời", "Tấm Cám", "Tiếng gọi quê hương"… được treo trang trọng, còn có bức ảnh hai vợ chồng bên nhau, thật rạng rỡ và hạnh phúc khi Chu Thúy Quỳnh vừa tròn mười tám tuổi. Hồi tưởng lại mối tình đẹp với Nghệ sĩ Ưu tú Mạnh Hùng, gương mặt Nghệ sỹ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh luôn ánh lên niềm hạnh phúc khó tả bằng lời. Bà kể rằng tình yêu đến ngay từ cái nhìn đầu tiên; trong sự nghiệp của bà không thể thiếu đôi vai vững chắc của chồng. Đó cũng chính là người hướng dẫn cô bé Quỳnh trong những ngày đầu tiên vào đoàn múa, sau này là bạn diễn và là bạn đời - hậu phương vững chắc, giúp vợ chăm sóc gia đình...
Trái tim đồng điệu với múa Có một thực tế phũ phàng là tuổi nghề của nghệ sĩ múa rất ngắn. Thường họ bắt đầu học múa từ lúc 13, 14 tuổi, học khoảng 5-7 năm, ngoài 20 tuổi chính thức bước vào nghề. Nhưng thời gian họ ở lại với sân khấu chỉ trên dưới chục năm. Nghĩa là thời gian người nghệ sĩ thăng hoa và sung sức nhất cũng chính là lúc người phụ nữ phải thực hiện nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ.
Tất nhiên, để có thể toàn tâm với nghiệp diễn, cũng giống như nhiều nghệ sĩ khác, Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh cũng phải hy sinh rất nhiều. Chị kể rằng những chuyến đi lưu diễn của cả hai vợ chồng không cho phép họ nghĩ nhiều đến cuộc sống riêng. Vì thế, sau ánh hào quang trên sân khấu, phía sau những vinh quang và giải thưởng, người vợ, người mẹ như Chu Thúy Quỳnh cũng rất thiệt thòi. Thế nhưng, bà vẫn khẳng định: Gắn bó với múa cho đến nay vẫn thấy đó là sự lựa chọn đúng đắn. Có những lúc khó khăn, nhưng chưa bao giờ bà cảm thấy chùn bước, mà luôn thấy hạnh phúc và may mắn vì được hòa chung nhịp đập trái tim với nghệ thuật múa...
NSND Chu Thúy Quỳnh trong tác phẩm “Gặp gỡ bên mâm pháo”. |
Vừa điểm lại hàng chục tên tuổi nghệ sĩ trẻ tài năng, bà vừa tự hào rằng ngày nay, nhiều tài năng trẻ đã nổi lên như là những hình ảnh đẹp, tôn vinh nghệ thuật múa Việt Nam. Với nỗ lực của mình, các em đã dành được nhiều giải thưởng lớn, trong đó nhiều em đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, chuẩn bị trở thành Nghệ sĩ Nhân dân. Đây là điều đáng mừng cho môn nghệ thuật kén người, kén cả khán giả này. Nhờ lớp trẻ say mê, nhanh nhạy và tâm huyết với nghề, những nghệ sĩ như chúng tôi mới có thể trụ vững và làm được nhiều việc...
Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Quỳnh cũng có một sự may mắn mà không phải người nghệ sỹ nào cũng có được. Đó là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người động viên, cổ vũ. Cho đến tận bây giờ, Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh vẫn nhớ như in những lời dạy của Người.
Chị kể rằng, qua từng lời nói, cử chỉ, hành động của Người, chị học được rất nhiều điều bổ ích. Một bài học về rèn luyện thân thể Bác dạy mà chị không bao giờ quên là Bác nói chị khi đó còn là một cô bé mới vào nghề, phải đào một cái hố đất, cứ đào đất bỏ lên rồi xuống hố nhảy lên, càng sâu bao nhiêu thì nhảy càng cao bấy nhiêu. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị hiểu đó là Bác dạy mình rèn luyện đức kiên trì. Và bài học đó đã có ích không chỉ đối với nghề múa mà còn nhắc bà phải kiên trì, nhẫn nại khi làm bất cứ công việc gì.
Hơn 60 năm trong nghề, Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh đã để lại nhiều kiệt tác múa như: "Trống hội", "Vũ khúc đàn T'rưng", "Hoa Tràng An", "Hương xuân", "Những cô gái Việt Nam", "Hương quê", "Cánh chim không mỏi"... Bà còn thể hiện được khả năng trong vai trò đạo diễn và đồng tổng đạo diễn khi dựng nhiều chương trình phục vụ các ngày lễ trọng đại của đất nước như: Lễ hội 990 năm Thăng Long - Hà Nội, khai mạc và bế mạc Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 22 (tại Hà Nội)… Bà cũng làm tốt vai trò thành viên Hội đồng Nghệ thuật Hà Nội, thành viên Hội đồng Cố vấn nghệ thuật trong chương trình Đại lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và tổng đạo diễn chương trình múa cổ "Thăng Long mở hội - Tìm lại dấu xưa"… Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh còn tham gia nghiên cứu phê bình múa; biên soạn nhiều giáo trình cũng như hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu về nghệ thuật múa.
Nhờ những bài học quý báu, cộng với cả nỗ lực, nhiệt huyết của bản thân, Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh đã vượt qua nhiều khó khăn; hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên nhiều vị trí công tác. Với những nỗ lực, cống hiến không mệt mỏi, nhiều năm liền Nghệ sỹ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh là Chiến sĩ thi đua ngành Văn hóa và Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 4 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Chị được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1983, Nghệ sĩ Nhân dân năm 1987, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1998…
Tuy nhiên, điều mà người nghệ sĩ ấy tự hào nhất là ngành múa đã phát huy tốt tính dân tộc, hiện đại. Nghệ thuật múa Việt Nam đã có chỗ đứng trong lòng công chúng trong và ngoài nước. Bà cũng mong Đảng, Nhà nước, đơn vị chức năng quan tâm hơn nữa đến việc phát triển nghệ thuật múa; bên cạnh phát triển nghệ thuật múa đương đại cũng tạo điều kiện cho các sáng tác nghệ thuật đỉnh cao mang tính dân tộc.