Chưa có ai theo nghề múa và bền với nghề múa, cái nghề vốn khắc nghiệt với nghệ sĩ về tuổi tác hơn bất cứ một môn nghệ thuật nào, như NSND Chu Thúy Quỳnh (ảnh). Giờ đây, dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng người nghệ sĩ này khiến cho ai khi gặp, dù là lần đầu, cũng như được truyền lửa, bởi niềm yêu và say nghề, bởi nhiệt huyết và sự cống hiến dường như không mệt mỏi…
Sự lựa chọn đầu tiên và duy nhất
Cho đến bây giờ, khi đã 72 tuổi, NSND Chu Thúy Quỳnh, hậu duệ của nhà nho lỗi lạc Chu Văn An, vẫn không hiểu vì sao mình lại yêu thích nghề múa đến thế. Nhà không có ai theo nghề này, bố là cán bộ bình thường làm ở Ty Văn hóa Vĩnh Phúc, mẹ là người đàn bà chỉ biết đến nội chợ chăm sóc chồng con, tám người em của Chu Thúy Quỳnh cũng chẳng ai biết đến nghề múa, chỉ duy nhất có Quỳnh dành cả cuộc đời tận hiến cho bộ môn nghệ thuật đầy gian truân vất vả, kén người, kén cả khán giả này. Trong suốt những năm theo nghề diễn, đến lúc tuổi cao làm biên đạo, đạo diễn, và cho đến bây giờ là chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa VN, chưa khi nào Chu Thúy Quỳnh nghĩ mình có thể làm nghề khác, tất cả những gì bà làm nhất thiết phải liên quan đến múa, phục vụ ngành múa và vì ngành múa. Một sự dẻo dai bền bỉ đến lạ thường ở người nghệ sĩ mà không phải ai cũng có được. Tất cả những điều ấy theo bà, không gì khác chính bởi xuất phát từ niềm yêu nghề, say nghề.
NSND Chu Thúy Quỳnh trong tác phẩm “Gặp gỡ bên mâm pháo”. |
“Khi 14 tuổi, tôi đã ghi tên dự tuyển vào Đoàn Văn công trung ương. Không hiểu sao tôi có thể tự mình làm điều đó. Hôm ấy, tôi hỏi đường rồi đi bộ từ nhà ở phố Khâm Thiên tìm đến số 66 Quán Sứ, trụ sở của Đoàn Văn công trung ương. Tôi hỏi họ có tuyển diễn viên múa không, họ nói có, thế là tôi ghi tên”, NSND Chu Thúy Quỳnh kể. Hôm sau cô bé Quỳnh đến dự tuyển. Nhóm tuyển cô bé gồm NS Hoàng Châu (một trong những người lãnh đạo đầu tiên của ngành múa), nghệ sĩ Phùng Thị Nhạn, nghệ sĩ Mạnh Hùng, Trọng Bằng, Tuệ Minh và diễn viên Trần Chinh. Trong nhóm tuyển lúc ấy, nghệ sĩ Mạnh Hùng, người sau này là một nửa của cuộc đời chị, khi nhìn vóc dáng bé con, mảnh mai của bé Quỳnh đã lắc đầu bảo: không nên tuyển Quỳnh vì nhìn bé thế kia. Thế nhưng phần biểu diễn của bé Quỳnh đã thuyết phục cả nhóm, tiểu phẩm được ra có đề tài Trông nom mẹ ốm được cô bé vào vai rất đạt; phần thị phạm điệu múa Thái do nghệ sĩ Phùng Thị Nhạn hướng dẫn cho thấy bé Quỳnh có năng khiếu về múa. Lần dự tuyển ấy, Quỳnh đã được tuyển vào đoàn. Cùng trúng tuyển với Chu Thúy Quỳnh năm ấy (năm 1954) có cả Xuân Quỳnh, sau này là nữ sĩ Xuân Quỳnh.
Kể từ đó, cuộc đời của Chu Thúy Quỳnh gắn liền với những chuyến đi, mà như lời kể thì những chuyến đi ấy gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, vì thế chuyến đi nối tiếp chuyến đi, từ chiến trường này đến chiến trường khác. Khi thì Chu Thúy Quỳnh cùng đoàn biểu diễn ở sân ga Phạm Xá (đoạn giữa Hà Nội và Hải Phòng), năm 1955 khi Pháp rút khỏi Hải Phòng thì về đây biểu diễn ở các khu phố phục vụ bà con. Những năm đất nước bị chia cắt, cầu Hiền Lương trở thành giới tuyến ngăn cách hai miền Nam-Bắc, bà cũng có mặt ở đây, đứng bên vùng đất tự do biểu diễn cho đồng bào bên kia sông-vùng bị tạm chiếm. Những năm 1964-1965, khi cuộc chiến tranh đi vào thời kỳ ác liệt, bà cũng có mặt ở chiến trường miền Nam.
Những tháng năm sau đó, Chu Thúy Quỳnh đã trở thành cái tên quen thuộc với các vở múa nức tiếng thời ấy như Bà mẹ miền Nam, Cánh chim và ánh sáng mặt trời, Tiếng gọi quê hương, Gặp gỡ bên mâm pháo, Theo cờ giải phóng… Đây cũng là những vở diễn mang đến cho Chu Thúy Quỳnh những danh hiệu, những huân chương cao quý mà ở tuổi đôi mươi không mấy ai có được. Điều đặc biệt với bà là, khi mới 28 tuổi, Thúy Quỳnh đã được lãnh đạo giới thiệu vào Quốc hội, trở thành nữ đại biểu quốc hội trẻ nhất của ngành múa. Bà cũng thường xuyên đi biểu diễn ở nước ngoài, đặc biệt là thường xuyên biểu diễn cho Bác Hồ xem. Sau này Chu Thúy Quỳnh nổi tiếng hơn nữa với vai trò biên đạo múa, có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao của Hội Nghệ sĩ múa như Hoa Tràng An, Vũ khúc đàn T'rưng, Hương xuân, Hương quê, Cánh chim không mỏi, Trống hội, Những cô gái Việt Nam... Bà là tổng đạo diễn, chỉ huy nhiều chương trình lớn như: Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng CSVN lần 6,7, 8, Hội nghị cấp cao các nước nói tiếng Pháp, Hội nghị cấp cao các nước ASEAN, Cúp Bóng đá ASEAN Tiger 1998, Kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội (cùng với Phạm Thị Thành), Chương trình khai mạc và bế mạc SEA Games 22...
May mắn vì theo nghề múa đến tận bây giờ
Có thể nói NSND Chu Thúy Quỳnh sống bền với nghề múa hơn bất cứ ai. Bà khiến cho nhiều người, ngay cả trong giới phải ngạc nhiên khi hơn 40 tuổi vẫn đi học múa cổ điển ở Ấn Độ, hơn 50 tuổi khán giả trong và ngoài nước vẫn thấy Chu Thúy Quỳnh múa. “Tuổi nghề của nghệ sĩ múa rất ngắn. Thường mỗi nghệ sĩ học múa từ lúc 13, 14 tuổi. Người học ít thì bốn đến năm năm, nhiều thì từ bảy đến mười năm. Như thế là từ 20 tuổi trở ra người nghệ sĩ chính thức bước vào nghề diễn. Nhưng họ ở lại với sân khấu không nhiều, trên chục năm với nghề đã là nhiều, nghĩa là ngoài 30 tuổi đã phải dừng biểu diễn. Nhưng trong thời gian người nghệ sĩ thăng hoa và sung sức nhất cũng chính là lúc người phụ nữ phải thực hiện nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ. Thế nên, ai theo được với nghề này quả không đơn giản”, NSND Chu Thúy Quỳnh nói. Thế nên, với bà, khi đã ở độ tuổi ngoài 50 mà vẫn có thể múa những điệu múa khó, đi biểu diễn trong và ngoài nước thì quả đáng nể.
Tất nhiên, để có thể toàn tâm với nghiệp diễn, bà cũng phải hy sinh rất nhiều. “Chúng tôi chỉ có một đứa con. Người nghệ sĩ vướng bận chuyện con cái sẽ khó có thể làm nghề lâu được. Chồng tôi cũng rất hiểu điều đó”, bà kể. Những chuyến đi lưu diễn của cả hai vợ chồng không cho phép vợ chồng bà nghĩ nhiều đến cuộc sống riêng. Vì thế, sau ánh hào quang trên sân khấu, phía sau những vinh quang và giải thưởng, người vợ, người mẹ như Chu Thúy Quỳnh cũng rất thiệt thòi. Nhưng bà nói, mình thật may mắn khi có đủ mọi điều kiện để có thể dành hết tâm huyết cho niềm đam mê của mình. “Trong suốt thời gian đi biểu diễn, tôi gửi con cho ông bà ngoại trông. Những lần đi diễn khác thì chồng tôi phụ giúp trông con. Chính chồng tôi là người ủng hộ vợ hết lòng, ngay cả khi anh ấy bị bệnh nặng. Anh ấy là tình yêu đầu tiên và cũng là người yêu duy nhất cho đến tận bây giờ, dù anh ấy đã đi xa hơn 30 năm”, nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh nói.
Bà kể rằng, tình yêu của mình với NSƯT Mạnh Hùng là mối tình đẹp. Tình yêu đến với bà từ cái nhìn đầu tiên với chàng trai trắng trẻo, đẹp trai, nói năng nhẹ nhàng, tế nhị. Trong sự nghiệp của bà không thể thiếu đôi vai vững chắc của chồng làm chỗ dựa. NSƯT Mạnh Hùng vừa là người hướng dẫn cô bé Quỳnh trong những ngày đầu tiên mới vào đoàn, là bạn diễn với bà sau này, mà còn là hậu phương vững chắc chăm sóc con cho bà toàn tâm với nghệ thuật. Trong suốt thời gian chung sống, vợ chồng bà chưa một lần cãi nhau.
Thời gian bên nhau ít ỏi do cả hai đều phải đi biểu diễn liên miên khiến cho những cuộc gặp mặt lúc nào cũng khiến tình yêu đầu tiên và duy nhất của vợ chồng bà luôn nóng bỏng. “Khi tôi đi học ở Ấn Độ, dù bị bệnh nặng phải nằm viện (bị ung thư phổi), anh vẫn bảo tôi phải học cho xong. Anh ấy nói với tôi: Quỳnh không được bỏ học. Em phải sang Ấn Độ học tiếp. Anh sẽ khỏi bệnh, sẽ về chăm con cho em”. Nhưng ông đã không khỏi bệnh, nhưng lời nói đầy tình thương yêu ấy đã trở thành động lực lớn lao khiến Chu Thúy Quỳnh vượt lên tất cả để cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật múa.
Xuân Phong