Độc đáo bánh phồng Nam bộ

Những ngày này, người dân Hậu Giang đang nhộn nhịp làm bánh phồng, món bánh truyền thống của người miền Tây Nam bộ chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc. Cùng với bánh tét, bánh ít và dưa hấu, bánh phồng là một món ăn không thể thiếu trong những gia đình Nam bộ những ngày Tết.


Bánh phồng sau khi nướng có mùi thơm của sắn, vừng rang, có vị béo của nước cốt dừa. Ảnh: Duy Khương - TTXVN


Bánh phồng đón Tết thường được các gia đình chuẩn bị từ 25 Tết để vừa kịp ăn trong những ngày Tết. Để hình thành nên bánh phồng phải trải qua nhiều công đoạn được người dân chuẩn bị kỹ càng và làm một cách tỉ mỉ, khéo léo.


Sắn được bóc vỏ và luộc cho vừa chín tới rồi đem ra “quết”, một người bỏ sắn vào cối đá, vừa cho vào vừa lựa bỏ xơ, một người dùng chày gỗ giã cho sắn nát nhừ và mềm mịn. Lúc này, sắn vừa được giã mềm, vừa cho thêm nước cốt dừa, vừng và đường nếu làm bánh phồng ngọt, hoặc hành lá thái nhỏ và muối để làm bánh phồng mặn. Bột sắn sau khi được giã mềm mịn sẽ trải qua giai đoạn vắt bột thành những miếng bột nhỏ hình tròn, tùy theo ý thích muốn bánh to hay nhỏ mà làm miếng bột cho vừa kích thước. Công đoạn ép và cán bánh đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm.


Người ta cho 2 tấm ni lông vào mặt trên và mặt dưới miếng bột, dùng thớt gỗ ép cho bột dẹp và tròn rồi dùng dụng cụ cán bánh là một ống nhựa lớn để cán bánh cho to tròn và mỏng. Sau khi cán, bánh được đem phơi nắng từ lúc có mặt trời đến lúc tắt nắng, lúc này bánh phồng đã khô và dẻo, có thể mang đi nướng hoặc cất giữ dùng trong những ngày Tết.


Bà Nguyễn Thị Dung có nhiều năm kinh nghiệm làm bánh phồng ở xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết: Muốn làm bánh phồng phải thức từ giữa khuya để làm các công đoạn luộc sắn, quết bột, vắt, ép, cán bánh để khi trời vừa sáng thì mang ra phơi. Nguyên liệu để làm bánh phồng không thể thiếu sắn, nước cốt dừa rồi tùy theo bánh ngọt hay mặn mà dùng đường, vừng hoặc muối, hành lá.


Để bánh ngon phải chọn sắn trắng, luộc vừa chín tới, rang vừng chín để tạo mùi thơm, lúc quết bột cần lựa hết sợi xơ sắn để bánh mềm, mịn và phải cán bánh cho mỏng, tròn đều. Bánh phồng có thể làm từ bột nếp hoặc bột khoai, nhưng làm bột nếp phải trải qua nhiều công đoạn ngâm, nấu xôi và khó cán nên thường được chọn làm từ sắn. Bánh phồng sau khi nướng có mùi thơm của sắn, vừng rang, có vị béo của nước cốt dừa, bánh phồng ngọt có thể ăn không cần nướng, có mùi thơm, béo và dai, dẻo.


Để nướng bánh phồng ngon, người dân Nam bộ thường nướng bánh với vỉ làm bằng cọng dừa trên lửa vỏ quả dừa khô. Bánh nướng sẽ phồng 2 mặt và dậy mùi thơm của nước cốt dừa.


Ngày Tết, người dân thường dùng bánh phồng mời khách, hoặc nướng bánh vào buổi sáng sớm để thưởng thức cùng nước trà.


Ông Ngô Bá Cẩn ở huyện Long Mỹ chia sẻ: Bánh phồng là món bánh truyền thống của nhiều gia đình vùng Nam bộ trong những ngày Tết. Trong đêm giao thừa, bánh được đem nướng để cúng ông bà, tổ tiên cầu mong mùa màng tươi tốt, làm ăn phát tài. Bánh nướng phồng đều còn mang ý nghĩa sẽ mang lại may mắn, sung túc cho gia đình trong cả năm.


Làm bánh chưng, bánh tét, làm bánh phồng vừa tạo nên không khí Tết cổ truyền, vừa gắn kết tình làng nghĩa xóm, bởi khi cả xóm cùng làm bánh thì mọi nhà cùng giã bột sắn chung một cối, hết bột nhà này đến bột nhà khác, mọi người cùng góp tay vắt, ép và cán bánh cho xong ở một gia đình rồi cùng nhau sang nhà khác làm tiếp. Những gia đình không làm bánh cũng sang phụ một tay, vừa làm vừa nói chuyện rôm rả, tạo không khí Xuân đầm ấm ở miền Tây sông nước.



Nguyễn Xuân Dự
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN