Ghi chép từ rừng đá khát - Bài cuối: Mái ấm nơi biên cương

Để tồn tại sống chung cùng đá, đồng bào Mông nơi cực bắc Tổ quốc còn cần một chỗ ở an toàn để tránh mưa dông và giá rét. Và những ngôi nhà đại đoàn kết, những mái ấm nơi biên cương thật ý nghĩa với đồng bào vùng cao nguyên đá. “Sống trên đá, chết vùi trong đá” – câu nói ấy ẩn chứa trong lòng chúng tôi một nỗi niềm khó tả và khâm phục sức lao động của đồng bào Mông nơi đây.

Được sự giúp đỡ của BĐBP cửa khẩu Thanh Thủy, anh Giàng Mí Sinh đã có ngôi nhà mới. Ảnh: Viết Tôn


Ở Đồng Văn, có tiền xây nhà đã khó nhưng việc tìm đất dựng nhà lại càng khó hơn. Bởi nơi đây đất ít hơn đá nên ngày ngày họ phải phá đá lấy mặt bằng, mở đường để đưa vật liệu vào làm nhà. Những chàng trai, cô gái dân tộc Mông không quản ngại gian khổ, bằng đôi tay, đôi vai mà phá đá lấy nguyên vật liệu làm nhà. Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết: Ở vùng cao nguyên đá như Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ việc tìm chỗ đặt được cái nhà để che mưa, che nắng đã khó rồi, mà lại còn tìm chỗ đặt được cái sân theo tiêu chí nông thôn mới lại càng khó khăn hơn.
Thực hiện cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới hải đảo” trong những năm qua, cán bộ chiến sĩ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Giang đã đồng lòng giúp đỡ đồng bào nơi biên giới xây lên những căn nhà dù chỉ là nhà xây, bưng gỗ hoặc trình tường, đảm bảo “chắc nền, bền mái, vững khung” chứa đựng biết bao công sức, tình cảm của những chiến sĩ biên phòng giúp nhân dân các dân tộc vùng biên giới có ngôi nhà để tránh cái mưa, cái rét của cao nguyên rừng đá. Khách quan mà nói, nếu chỉ có bộ đội thì hẳn chưa đủ mà việc xóa nhà tạm cho đồng bào biên giới nơi đây còn có sự giúp đỡ, đóng góp về tiền của các cơ quan, doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc giúp đỡ để nhân dân ổn định đời sống.

Dẫn chúng tôi lên bản Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Đại úy Kim Anh Thọ, chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy cho biết: Giang Nam là bản của đồng bào Mông mới hạ sơn lập nghiệp được khoảng 20 năm nay, hầu hết các gia đình đều nghèo nên việc xây cất được nhà ở cho chính mình là rất khó khăn. Vậy nên cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy đã vận động anh em cán bộ, chiến sĩ tham gia dựng nhà cho đồng bào với một tinh thần tự giác đầy trách nhiệm; từ việc tuyên truyền thuyết phục người dân quyết tâm dựng nhà, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí đến việc góp tiền lương, trực tiếp tham gia xây dựng nhà cho bà con… Đây là nghĩa cử đáp lại tình cảm, sự yêu mến và giúp đỡ của nhân dân biên giới với bộ đội biên phòng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Ở những nơi vùng cao biên giới như Đồng Văn, còn nhiều hộ lo ăn từng bữa, trong căn nhà ọp ẹp họ đang ở, không có một vật gì đáng giá năm trăm nghìn đồng, đến con trẻ còn bị bỏ bữa thì tính gì đến việc tích trữ để lo chuyện làm nhà. Nếu không có sự giúp đỡ của Nhà nước, của bộ đội biên phòng thì có lẽ họ cứ phải chấp nhận sống tạm bợ ở căn nhà cũ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nơi vùng sơn cước. Với sự động viên của BĐBP, những gia đình nghèo đã cố gắng đối ứng một vài triệu đồng, gia đình khá hơn, được anh em trong dòng họ giúp đỡ góp thêm dăm, bảy triệu đồng. Nguyên vật liệu được bà con và BĐBP huy động tối đa tại chỗ để tập trung đầu tư nhiều hơn cho xi măng, gạch ngói. Khi BĐBP khởi công xây dựng những ngôi nhà đại đoàn kết, bà con trong bản kéo đến phụ giúp gia đình được hỗ trợ làm nhà. “BĐBP giúp người bản mình, chẳng lẽ người bản mình không giúp được nhau” – chị Lục Thị Nương, xã Thanh Thủy hô hào trong ngày khởi công xây nhà đại đoàn kết tặng gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở bản mình. Từ đó, những công trường nhà đại đoàn kết trở thành ngày hội của quân dân.

Để vận chuyển nguyên vật liệu, cán bộ, chiến sĩ BĐBP cửa khẩu Thanh Thủy phải sửa một con đường nhỏ dài 2 km từ cầu treo lên bản Hạ Sơn làm nhà đại đoàn kết cho các gia đình. Phương tiện là xe gắn máy và gùi, vác, nhưng chỉ có thể đi được vào ban ngày trong thời tiết nắng ráo. Buổi sáng, anh em còn phải kiểm tra đường trước khi vận chuyển vật liệu bởi một viên đá dù nhỏ lăn từ trên đỉnh núi xuống đường cũng sẽ rất nguy hiểm!

Bên cạnh những việc làm nghĩa tình đó, những năm qua, BĐBP Hà Giang đã tổ chức khảo sát, đề nghị và triển khai thực hiện số dự án phát triển KT- XH với tổng số vốn đầu tư trên 190 tỷ đồng, trong đó, tập trung vào dự án Định canh định cư, Dự án cấp nước sạch, Dự án cấp điện sinh hoạt, thủy lợi, làm đường ô tô... Riêng trong năm 2010, BĐBP tỉnh phối hợp với MTTQ các cấp làm mới được 80 nhà “Đại đoàn kết”, 8 công trình dân sinh; duy trì thực hiện 13 mô hình giúp dân; làm chủ nhiều dự án tham gia phát triển KT- XH khu vực biên giới có hiệu quả, thực sự góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tạo cơ sở nền móng cho sự phát triển bền vững ở các khu vực biên giới.

Ngày lên nhà mới, anh Mua Sính Thào vui lắm, cả bản Giang Nam ai cũng đến uống rượu mừng. Nói tiếng phổ thông còn lơ lớ, anh Thào cho biết: “Ngôi nhà cũ nát quá, cũng muốn sửa chữa lắm nhưng đến cái ăn còn thiếu nói gì đến có tiền để sửa nhà. Thôi đành phải ở vậy. May mà cuối năm 2010, cán bộ biên phòng nó đến giúp đỡ, xây cho mình cái nhà tránh gió, tránh rét nên từ nay không phải ở nhà dột nát nữa. Cái bụng mình ơn bộ đội lắm”.

Trên cao nguyên đá Đồng Văn, do những khó khăn về địa lý, khí hậu và phong tục canh tác lạc hậu nên dù mưa thuận gió hòa thì ngay cả các gia đình có nhiều người trong độ tuổi lao động vẫn thiếu ăn. Chính vì vậy đối với gia đình anh Mua Sính Thào có hai vợ chồng và 5 đứa con, ruộng nương thì ít lại càng khó khăn hơn.

Ở vùng biên cương, thời tiết khắc nhiệt, núi đá hiểm trở nhưng với tinh thần vì nhân dân quên mình, các chiến sĩ BĐBP đã bám bản, bám làng và cùng học tiếng dân tộc để giúp đỡ nhân dân. Nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng, mà BĐBP càng được nhân dân tin yêu, tin tưởng và coi như những người con của bản làng. Chính vì thế mà ở những nơi có đồn biên phòng đứng chân, bà con dân bản rất phấn khởi, vươn lên trong cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Và như Đại tá Nguyễn Đình Hùng, Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP Hà Giang khẳng định: “Cả dải biên cương cực bắc của Tổ quốc, đồng bào các dân tộc đều một lòng một dạ đi theo Đảng, lòng dân kết thành một khối vững vàng như bước tường thành vùng biên ải”.

Quang Vinh – Viết Tôn
Ghi chép từ rừng đá khát-Bài II: Giải khát cho rừng đá
Ghi chép từ rừng đá khát-Bài II: Giải khát cho rừng đá

Lên vùng rừng đá Hà Giang thấy ở đâu có đất là ở đó có gieo trồng, không trồng ngô thì trồng cỏ. Cỏ trồng ven đường, cỏ trồng chân núi, trên mọi nẻo đường thôn bản. Rừng đá không có cỏ thì dân phải trồng cỏ để nuôi trâu bò.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN