Các đại biểu cắt băng khánh thành khu di tích. |
Đền Quát thờ Yết Kiêu- một danh tướng tài đức song toàn. Ông là tùy tướng, gia nô trung thành, là một trong hai tướng cầm cờ tiết chế của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người có công lớn giúp nhà Trần 3 lần đại phá quân Nguyên ở thế kỷ XIII. Ông được phong là thủy tổ của Binh chủng Thủy quân.
Kháng chiến thắng lợi, ông được vua Trần phong tặng “Trần triều hữu tướng, đệ nhất đô soái thủy quân, tước hầu”. Danh tướng Yết Kiêu đã được nhân dân và vua quan nhà Trần gọi là Yết Kiêu (tên một loài cá lớn ngày xưa). Sau khi ông mất, vua Trần cho lập đền thờ ông ở chính quê hương của ông ở thôn Hạ Bì.
Khu đền Quát đã tồn tại hơn 700 năm, đến thế kỷ XVII-XVIII đền được tôn tạo khang trang và được tu sửa nhiều lần vào triều Nguyễn với khuôn viên rộng 2700m2. Khu di tích đền Quát được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia vào ngày 28/1/1989. Từ năm 2010 đến nay, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đóng góp của du khách và nhân dân địa phương, đền Quát đã được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các hạng mục với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Đến nay, khuôn viên khu Di tích lịch sử quốc gia đền Quát khá khang trang...
Hằng năm, Lễ hội đền Quát diễn ra vào rằm tháng Giêng và rằm tháng Tám. Vào dịp này, nhân dân địa phương và khách thập phương trở về vùng sông nước Hạ Bì làm lễ tạ Thành Hoàng Yết Kiêu. Tại Lễ hội, địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động như: Múa rồng, hát quan họ và các trò chơi dân gian…