Làng nghề Duyên Trường, Phúc Am: Nhạt dần sắc vàng mã

Mỗi độ Tết đến, xuân về, người dân hai làng Duyên Trường, Phúc Am (Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) lại tất bật làm vàng mã xanh, đỏ, tím, vàng phục vụ "người âm". Nhưng những ngày cuối năm này đang vắng đi sự bận rộn, đông vui của không khí làng nghề...

Đã có sự thay đổi về việc đốt vàng mã trong người dân. Ảnh: TTXVN

Xuôi về phía Nam, cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 20km, Duyên Trường, Phúc Am là hai làng nghề sản xuất đồ vàng mã truyền thống ở Thường Tín, Hà Nội. Nhưng năm nay, dường như vắng đi không khí bận rộn, đông vui của làng nghề vào mỗi mùa vu lan, hay dịp Tết Nguyên đán, thay vào đó là không khí trầm lắng len lỏi vào khắp các ngõ ngách nơi đây. Dọc con đường vào làng, thay cho những xe ô tô tải chở đồ vàng mã xuôi ngược như mọi năm, là xe máy của người dân trong làng chở "gánh nặng tâm linh" ra phố.


Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất vàng mã của anh Đặng Thành Công, nơi được xem là "công xưởng chế tác" lớn nhất ở làng Duyên Trường. Là thế hệ thứ 3 trong gia đình được hưởng "lộc" từ nghề, anh Đặng Thành Công cùng các anh em trong nhà duy trì, tiếp nối và phát triển bằng cách mở xưởng sản xuất cung cấp các mặt hàng phục vụ "người âm" rất đa dạng như: tượng pháp, tháp bảo đài, ngựa, voi, mũ áo...


Anh Công cho biết, hàng xưởng anh đang tập trung sản xuất là đồ vàng mã để đáp ứng cho ngày ông Công, ông Táo. Nghề làm hàng mã ở đây diễn ra quanh năm nhưng cao điểm sản xuất, tiêu thụ chỉ tập trung vào các dịp lễ chính như ngày xá tội vong nhân, Vu lan, ngày 23 tháng Chạp.


"Có những mặt hàng được sản xuất với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu. Ví dụ như ngày 23 thì chủ yếu mũ ông Công, ông Táo, bộ mã (gồm túi ông Công, túi giao tiền, túi thần tài) là những sản phẩm được đặt nhiều nhất. Đầu xuân năm mới thì dùng hình nhân thế mạng để giải hạn, cầu tài, cầu an,.. Tạ mồ mả thì dùng voi, ngựa. Mỗi người một nhu cầu nhưng đều được đáp ứng đầy đủ", anh Công cho hay.


Nói về thị trường vàng mã và sức tiêu thụ của mặt hàng này trong lễ ông Công, ông Táo và Tết Nguyên đán 2016, anh Công thoáng trầm ngâm cho biết, xem chừng năm nay làng làm ít, kém hơn so với mọi năm. Mà giá thành sản phẩm cũng thấp hơn, thậm chí là giảm rõ rệt so với những năm trước. "Năm nay, bộ mã, mũ ông Công ông Táo chỉ sản xuất khoảng 200-300 bộ, giảm mạnh so với các năm trước. Trước tình trạng suy giảm này, một số hộ trong làng đã chuyển sang nghề khác có thu nhập cao hơn", anh Công ưu tư bộc bạch.


Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Cúc, một hộ gia đình ở Duyên Trường cũng sống với nghề sản xuất xuất vàng mã cho hay: Nguồn tiêu thụ lớn nhất là ở các chùa, nhà đền, khách lẻ chỉ thỉnh thoảng lai vãng. "Xưởng mình đặt gì làm nấy, chất lượng sản phẩm tùy theo nhu cầu của khách hàng. Một con ngựa tạ mả bình thường chỉ khoảng 20.000 đồng, nhưng nếu khách yêu cầu cao thì có thể lên tới vài trăm hay cả triệu đồng", chị Cúc chia sẻ.


Nhớ lại những ngày tháng bận rộn, đông vui của không khí làng nghề, chị Cúc bảo, cuộc sống của những người làm vàng mã không có giờ giấc cụ thể, nếu lượng việc nhiều thì dồn sức để làm. Ăn ngủ, nghỉ ngơi không theo quy luật nào hết. Làm thủ công vất vả, phức tạp và tốn nhiều công sức, nên lượng hàng làm ra cũng ít hơn so với làm bằng máy.


"Những ngày 23 tháng Chạp trước đây, để chạy đơn đặt hàng phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, thành phố Hà Nội và ở cả một số địa bàn lân cận như Hà Nam, Hưng Yên thì chúng tôi phải lo cả tháng trước đó, mọi người phải dồn sức làm việc. Công việc gấp gáp đến nỗi mỗi nhà, mỗi xưởng đều phải huy động sức người phụ giúp. Nào là chị gái đến giúp em, con giúp mẹ, anh em trong họ hỗ trợ nhau, việc không lúc nào ngơi", chị Cúc kể.


Miệt mài ngồi cắt dán giấy lên hình nhân tướng quân, Khắc Bảo Anh Tuấn, 14 tuổi, một thợ "làm thêm" phụ giúp xưởng sản xuất vàng mã của gia đình cho biết, năm nay Tuấn học lớp 8, ngoài giờ học em tranh thủ giúp đỡ cơ sở sản xuất truyền thống đã 3 đời nay của gia đình. "Làng nghề vàng mã bây giờ không còn làm ăn sôi động như mấy năm về trước. Trong làng, chỉ một số nhà làm nghề truyền thống thì còn bám trụ chứ đa phần đã chuyển làm nghề khác có thu nhập cao và ổn định hơn", Tuấn thổ lộ.


Ghé thăm làng Phúc Am, chúng tôi cũng nhận thấy không khí trầm khắp các hộ gia đình sản xuất, tiêu thụ vàng mã. Năm 2012, làng này có khoảng 250 hộ với trên 1000 nhân khẩu tham gia sản xuất, kinh doanh vàng mã, trong đó có khoảng 20 chủ cơ sở mở xưởng sản xuất với quy mô lớn. Tuy nhiên, vào thời điểm áp Tết Nguyên đán 2016, số lượng này đã giảm đi nhiều.


Trò chuyện với chúng tôi, không ít chủ cơ sở sản xuất hàng phục vụ "người âm" bộc bạch: Trong quan niệm của người Việt, ở thế giới bên kia, người âm vẫn sống cuộc sống như ở trần gian. Họ cũng cần vật dụng, cần tiền... và người dương có nghĩa vụ và trách nhiệm cung cấp. Nghề vàng mã tồn tại như để đáp ứng nhu cầu này của con người.


Nhưng nay, phần vì giai đoạn kinh tế khó khăn, phần vì người ta đã nhận thức rằng đốt vàng mã là mê tín, tốn tiền của mà không giải quyết được gì, trong khi đó nhiều gia đình thì nghèo đói, của ăn còn không có nói gì đến đem tiền của đốt đi. Cũng vì thế mà mà lượng hàng giảm đáng kể, nhiều hộ chuyển nghề. Chỉ có một số vì muốn giữ lấy cái nghề xưa cũ, cái nghề truyền thống của quê hương mà vẫn kiên trì theo.


Rời hai làng Duyên Trường, Phúc Am, chúng tôi cảm nhận đã, đang có sự chuyển đổi rất đáng mừng trong cả nhận thức và tư duy về nghề truyền thống của những người quanh năn chuyên phục vụ đồ cho "người cõi âm". Đúng như nhận định của Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam: Ngày lễ ông Công ông Táo là một tục đẹp có từ lâu đời trong dân gian của Việt Nam. Nó có ý nghĩ giáo dục và khuyến khích các gia đình tin tưởng vào một cuộc sống tốt hơn. Họ tin rằng, các ông Táo sẽ lên thiên đình bẩm báo việc dưới trần gian, Ngọc Hoàng sẽ giúp đỡ họ vượt qua khó khăn. Đốt vàng mã trong ngày lễ 23 tháng Chạp là tục lệ quen thuộc đối với nhân dân.


Tuy nhiên, đốt vàng mã quá nhiều, tiêu tốn quá nhiều tiền sẽ gây lãng phí tiền của, công sức và gây thêm ô nhiễm môi sinh, nhiều khi bất cẩn có thể sẽ gây ra tai nạn, hỏa hoạn. Cần có văn hóa trong việc đốt vàng mã. "Cùng với người dân hai làng Duyên Trường, Phúc Am, thời gian gần đây đã có khá nhiều gia đình thay đổi tư duy. Họ không đốt vàng mã nhiều như trước, họ chỉ đốt phù hợp với ngày lễ và điều kiện kinh tế", giáo sư Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh.


Hà An - Trần Thu
Chợ phiên ẩm thực Tết xưa
Chợ phiên ẩm thực Tết xưa

Chợ phiên ẩm thực Tết xưa tái hiện không gian Tết xưa như nặn tò he, viết chữ thư pháp, đồ thủ công mỹ nghệ, các gian thực phẩm sạch ngày Tết...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN