Mùa lễ hội 2018 kiên quyết xử lý vấn đề nổi cộm, bức xúc

Ngày 2/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy chủ trì hội nghị triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2018 trên tinh thần đi thẳng vào những vấn đề trọng tâm cần chính chỉnh để mùa lễ hội diễn ra an toàn, nghiêm túc, hạn chế thấp nhất việc xảy ra các hình ảnh phản cảm, hiện tượng gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao, du lịch một số tỉnh, thành phố phía Bắc – nơi có nhiều lễ hội thu hút đông đảo người dân tham gia mỗi dịp Xuân về.

Kiên quyết không cho phép tổ chức chọi trâu

Lễ hội chọi trâu được coi là vấn đề “nóng”. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Một trong những vấn đề được quan tâm đề cập tại hội nghị là việc tổ chức lễ hội chọi trâu ở một số địa phương. Bởi trong mùa lễ hội 2017, một số địa phương còn chưa quan tâm đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, vi phạm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội như: Hội thi chọi trâu ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang và Hội chọi trâu huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái…

Tại hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định: Câu chuyện về chọi trâu đã là vấn đề “nóng” từ năm 2014. Bộ  Văn hóa, Thể thao và Du lịch những  năm qua đã yêu cầu các địa phương có biện pháp tuyên truyền vận động, đồng thời có quan điểm rõ ràng là không tiếp tục tổ chức các lễ hội có hình thức như vậy, chỉ trừ một lễ hội duy nhất được công nhận là Di sản cấp quốc gia là Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ: Lễ hội chọi trâu được coi là vấn đề “nóng” bởi thực tế cho thấy ở một số nơi việc tổ chức lễ hội không gắn với bất cứ di sản văn hóa cụ thể nào. Việc tổ chức lễ hội thường được giao cho doanh nghiệp như một hình thức kinh doanh.

Ở một số nơi, Lễ hội chọi trâu gây phản cảm ở chỗ là ngay sau sới trọi trâu là cảnh bán thịt trâu, thậm chí biến cả thư viện, trường học, thậm chí trụ sở chính quyền địa phương làm nơi xẻ thịt trâu để bán. Đó là hiện tượng, hình thức phản cảm nhất mà loại hình lễ hội này thể hiện.

Mặt khác, lễ hội chọi trâu ở nhiều nơi đều có bán vé thu tiền, tức là vi phạm quy định tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, lễ hội chọi trâu cũng làm nảy sinh  một số hiện tượng tiêu cực, biến tướng như cá cược, gây bất ổn trên địa bàn...

Nhiều khi địa phương, ban tổ chức chọi trâu chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà không thấy tác động mặt trái của loại hình lễ hội này. Do đó, trong mùa lễ hội năm 2018, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng yêu cầu các địa phương cần kiên quyết xử lý, không để tái diễn loại hình lễ hội này ở địa phương.

Cũng liên quan đến lễ hội chọi trâu, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Xuân Phúc đề nghị Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy giao cho Cục Văn hóa cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng xem xét nguyên nhân nhiều doanh nghiệp, đơn vị đua nhau xin cấp phép tổ chức chọi trâu, không cho chọi trâu thì chuyển sang chọi dê, đua ngựa.

Trên thực tế, những đơn vị, doanh nghiệp đứng ra tổ chức các hoạt động này thường đặt lợi nhuận lên trên hết. Thêm vào đó, việc nghiên cứu cũng là căn cứ để giải thích cho nhân dân các địa phương hiểu, đồng thuận với việc không nên tổ chức các loại hình lễ hội có yếu tố kích động bạo lực, đầy tính thương mại hóa như chọi trâu…

Nhiều chuyển biến tích cực

Hình ảnh chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội). Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Năm 2017, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp.

Phần lớn các lễ hội diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh đồng thời thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Các văn bản chỉ đạo đã góp phần điều chỉnh kịp thời các vấn đề hạn chế từ mùa lễ hội năm 2016 như: Công tác an ninh trật tự; các hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội; đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định, khấn thuê, chèo kéo khách, rút quẻ thẻ... tăng cường công tác thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội.

Các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm như: lễ hội đền Trần Thái Bình không tổ chức lễ phát ấn như mùa lễ hội trước; tỉnh Sơn La, Lào Cai năm đầu tiên không cấp phép và không có lễ hội chọi trâu tổ chức trên địa bàn tỉnh...

Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ hai không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ.


Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi đảm bảo cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn.

Lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha (Phú Thọ) đã không tổ chức nghi thức đập đầu trâu mà thay bằng nghi thức thực hành trình diễn; lễ hội Đông Cuông (xã Thanh Khương, Văn Yên, Yên Bái) bỏ tục treo cổ trâu; 90 làng Cơ Tu huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam bỏ tục đâm trâu...

Tuy nhiên, mùa lễ hội 2017 vẫn xảy ra một số hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội mà các địa phương phải kiên quyết có phương án giải quyết, không để tái diễn ở mùa lễ hội năm 2018.

Đó là hình ảnh chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại Hội Phết xã Hiền Quan (Phú Thọ), lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc tại hội Lim (Bắc Ninh).

Tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã để xảy ra tai nạn chết người khi tổ chức tại vòng đấu loại. Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như: Đền Cái Lân (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh); đền Sòng Sơn (Bỉm Sơn), Đền Cô Bơ (Hà Trung), tỉnh Thanh Hóa; Đền Bảo Hà (Lào Cai); Đền Sượt (Hải Dương)...

Một số di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; Nâng vé gửi xe không đúng quy định, còn hoạt động xóc thẻ, tán thẻ (Lễ hội đền Bia, Cẩm Giàng, Hải Dương).

Công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa kịp thời, hàng quán kinh doanh có nơi còn lộn xộn, tình trạng kinh doanh trò chơi có thưởng có tính cờ bạc còn diễn ra ở nhiều lễ hội...

Thanh Giang (TTXVN)
Năm nay sẽ thay đổi cách thức cướp lộc tại lễ hội Gióng đền Sóc
Năm nay sẽ thay đổi cách thức cướp lộc tại lễ hội Gióng đền Sóc

Những năm gần đây, tại lễ hội Gióng đền Sóc (Hà Nội) tục cướp lộc hoa tre gây phản cảm khi nhiều người xô đẩy, giẫm đạp thậm chí đánh nhau để tranh cướp lộc. Năm nay, lễ hội Gióng sẽ có những thay đổi trong hình thức cướp lộc sau khi đã xong lễ nhằm hạn chế tối đa việc tranh cướp lộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN