Ngày Xuân đọc câu đối Tết của tiền nhân

Từ xưa, cứ mỗi dịp Tết đến Ông cha ta, ngoài việc kiếm một cành Đào thật đẹp để đón Xuân, còn kiếm cơi trầu thật ngon, tìm đến các cụ Đồ, các bậc danh nho trân trọng xin cho được đôi câu đối về dán hai bên bàn thờ Tổ tiên. Ngày nay phong tục văn hoá rất giàu chất thơ ấy của dân tộc ta vẫn được gìn giữ mỗi độ Xuân về.

Nhân dịp Xuân Ất Mùi, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại mấy câu đối vui Xuân của các bậc danh sĩ thời xưa.

***
Cụ Tam nguyên Yên Đổ - Nhà thơ Nguyễn Khuyến, khi tuổi đã cao, mắt cụ bị lòa, không trông thấy được mọi vật quanh mình, cụ chỉ còn trông cậy vào hai cơ quan xúc giác và thính giác còn tinh nhạy của mình để nhận biết thế giới xung quanh.
“Cành Nêu” & “Tiếng pháo” là 2 tín hiệu đặc trưng thông báo về Tết & Xuân, nên khi “chạm” vào “cành Nêu”, cụ biết “Tết” đến, “nghe” “tiếng pháo” nổ “đùng”, cụ biết “Xuân” về:

“Tối ba mươi ra chạm cành Nêu, ấy Tết
Sáng mồng một, nghe đùng tiếng pháo, à Xuân”


Và cụ ngạc nhiên, thích thú, cái ngạc nhiên thích thú của ông già lòa gặp Tết, gặp Xuân. Thế rồi nhà thơ cười hài hước, hóm hỉnh: “Ấy Tết”, “À Xuân”!

Nhưng những tiếng cười ấy chưa hết! Tiếp theo là những tiếng cười giễu đời; cụ Yên Đổ bảo người đời “dại”, đốt pháo, pháo nổ, chó sợ chạy trốn, có khi trốn mất không về. Với cái giọng kẻ cả khinh đời, cụ bảo:

“Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó
Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo”

“Chúng nó dại” nhưng “ông” thì ông chẳng dại như “chúng nó” mà “ông” “khôn” mà là “khôn bất trị”. Cụ mừng Xuân bằng chén rượu. Uống đến say mềm. Rồi cụ nằm khoèo ngủ như chú mèo lười.

***
Nhà thơ Tú Xương - Ông Tú Vị Xuyên nghe tiếng pháo nổ ngày Tết mà thêm ngao ngán trước việc đời thuở ấy đã đầy rẫy rối ren, thế mà người đời lại không biết cái nhục, còn “đốt pháo” làm gì cho cái cảnh đời vốn đã tan như “xác” pháo càng thêm xơ xác!

Và ông thấy thiên hạ vẽ hình này nọ bằng vôi trắng lốp trên sân nhà trong ngày Tết mà ngán ngẩm: Tình đời đã “bạc” lắm rồi còn “bôi vôi” làm chi cho thêm “bạc” ?!:

“Thế sự xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình bạc thế lại bôi vôi”


Với lối chơi chữ rất Tú Xương, ông Tú Vị Xuyên đã cười cợt đấy mà cũng thật chua cay!


Ông Tú lại nghĩ Xuân đến với mọi nhà thì cũng đến với nhà mình. Ngạn ngữ đã chẳng nói “Trời không đóng cửa ai” đó sao?! Nhà thơ hy vọng rằng đầu Xuân trời mở cửa cho mình một điều may mắn để bù lại bao điều bất như ý mà mình đã phải trải qua. Đây là nụ cười lạc quan của một nhà thơ có nụ cười nhiều cay đắng:

“Không dưng xuân đến chi nhà tớ
Có nhẽ trời mà đóng cửa ai”


***
Bà chúa thơ Nôm - Nữ sỹ Hồ Xuân Hương đã có đôi câu đối Tết tặng người đời, tràn đầy Xuân tứ, còn truyền tụng đến ngày nay, chúng ta không ai không biết:

“Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo
ma vương đưa quỷ tới
Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho
thiếu nữ đón xuân vào”


Lời văn tinh nghịch, đâu có dừng lại ở nghĩa đen, câu chuyện đóng chặt cửa lại để tránh cái xấu, “mở toang” cửa ra, đón cái tốt vào lúc “Tống cựu nghênh tân” (Tiễn năm cũ đón năm mới) mà còn là một tiếng cười hóm hỉnh, đa tình, đong đưa, vui đời, tươi trẻ và khao khát yêu đương rất Xuân Hương!


Nguyễn Chu Công

Ngày xuân tưởng nhớ “nhà câu đối” xứ Nghệ
Ngày xuân tưởng nhớ “nhà câu đối” xứ Nghệ

Những bài thơ và câu đối của thầy thiên về suy ngẫm nhân tình, thế thái ở đời đậm triết lý phương đông, vừa có chất hóm hỉnh của cụ đồ Nghệ, vừa nhạy cảm, tinh tế, thấm đẫm tình người của tâm hồn một nhà giáo yêu đời, yêu dân, yêu nghề, luôn tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN