Sau một năm thực hiện, việc thí điểm đưa đồng bào 8 dân tộc đến sinh sống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tạo bước chuyển biến tích cực trong tổ chức, khai thác, vận hành và hoạt động du lịch. Tại các không gian nhà ở của một số dân tộc đã có đồng bào hoạt động thường xuyên, góp phần tạo sức sống cho “Ngôi nhà chung”. Đặc biệt, cùng với các biện pháp khác, cách làm mới này đã góp phần tích cực thu hút đông đảo khách tham quan, lượng khách du lịch trong một năm qua đã tăng đáng kể. Nếu trong 3 năm gần đây, lượng khách du lịch đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam khoảng 200.000 - 250.000 lượt khách/năm thì năm 2016 ước đạt 450.000 lượt khách.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện hoạt động thí điểm này còn bộc lộ một số tồn tại khó khăn cần được nghiên cứu, phân tích để từng bước khắc phục, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã ghi nhận và hoan nghênh đồng bào 8 dân tộc đến sinh sống tại không gian Làng văn hóa, đã đưa hồn dân tộc mình đến với thủ đô Hà Nội và khách quốc tế.
Thứ trưởng khẳng định: "Đảng và Nhà nước chủ trương xây làng văn hóa gần Thủ đô để tái hiện một góc nào đó của 53 dân tộc Việt Nam, thời gian vừa qua mới xây dựng được một phần, cố gắng đến năm 2020 sẽ xây dựng hoàn chỉnh về cơ bản Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là nguyện vọng của cả nước".
Ngoài đồng bào 8 dân tộc đang sinh sống, năm 2017, BQL Làng Văn hóa - Du lịch đề nghị tăng thêm 7 dân tộc nữa. Thông qua hội nghị này, BQL Làng cũng đề xuất phương thức hoạt động, cơ chế, chính sách tài chính để huy động nhóm nghệ nhân dân tộc ở các địa phương tham gia hoạt động hằng ngày tại “Ngôi nhà chung” trong thời gian tới.