Giải thưởng Cánh diều là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, nhằm tôn vinh những tác phẩm xuất sắc nhất trong năm tại các thể loại dành cho phim điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học, phim truyện truyền hình, phim hoạt hình... cũng như các cá nhân nổi trội.
Năm nay, bộ phim truyện điện ảnh “Hạnh phúc của mẹ” do Đạo diễn Phạm Huỳnh Đông thực hiện đã vượt qua 15 bộ phim khác để giành giải Cánh diều Vàng ở hạng mục Phim truyện điện ảnh - hạng mục phim được quan tâm nhất. Giải Cánh diều Bạc được trao cho bộ phim “Hai Phượng” của Đạo diễn Lê Văn Kiệt và “Truyền thuyết về Quán Tiên” của Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ.
Ban tổ chức cũng trao nhiều giải cá nhân cho hạng mục Phim truyện điện ảnh; trong đó, bộ phim “Hạnh phúc của mẹ” giành được nhiều giải thưởng nhất, bao gồm: Giải Biên kịch xuất sắc thuộc về biên kịch Nguyễn Thị Ngọc Bích; giải Đạo diễn xuất sắc thuộc về Đạo diễn Phạm Huỳnh Đông; giải Quay phim xuất sắc thuộc về Võ Thanh Tiền; giải Nữ diễn viên chính xuất sắc được trao cho diễn viên Cát Phượng, vai Mẹ Tuệ trong phim…
Giải Nam diễn viên chính xuất sắc được trao cho diễn viên Kiều Minh Tuấn trong vai Phong ở phim "Anh trai yêu quái" và vai bác sỹ Tùng Sơn ở phim “Nắng 3". Giải Nam diễn viên phụ xuất sắc thuộc về Isaac trong vai Lâm ở phim "Anh trai yêu quái". Giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc được trao cho Nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân trong vai Mệ nội ở phim "Gái già lắm chiêu".
Ban tổ chức cũng trao giải Thiết kế mỹ thuật xuất sắc cho Nguyễn Minh Đương trong phim “Hai Phượng"; giải Âm nhạc xuất sắc cho nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng trong phim "Truyền thuyết về Quán Tiên"; giải Âm thanh xuất sắc cho Vũ Thành Long trong phim "Hạnh phúc của mẹ" và "Mắt biếc"; giải Diễn viên triển vọng được trao cho diễn viên Oanh Kiều trong vai Thùy Linh ở phim “Nắng 3" và diễn viên Huy Khang trong vai Tim ở phim "Hạnh phúc của mẹ".
Ở hạng mục Phim truyện truyền hình, bộ phim “Về nhà đi con” của Đạo diễn - Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Danh Dũng giành Cánh diều Vàng. Cánh diều Bạc được trao cho bộ phim “Hoa hồng trên ngực trái” của Đạo diễn - Nghệ sỹ ưu tú Vũ Trường Khoa và phim “Lời nguyền Domino” của Đạo diễn - Nghệ sỹ ưu tú Nhâm Minh Hiền.
Ban tổ chức cũng trao nhiều giải cá nhân xuất sắc cho hạng mục Phim truyện truyền hình. Cụ thể, giải Nam diễn viên chính xuất sắc được trao cho diễn viên Ngọc Quỳnh trong vai Thái ở phim "Hoa hồng trên ngực trái"; giải Nữ diễn viên chính xuất sắc được trao cho diễn viên Hồng Diễm trong vai Khuê ở phim "Hoa hồng trên ngực trái"; giải Nam diễn viên phụ xuất sắc thuộc về diễn viên Doãn Quốc Đam trong vai Fedora ở phim “Mê cung"; giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc thuộc về diễn diên Cao Thái Hà trong vai Diệu Ngọc ở phim "Bán chồng"; giải Diễn viên triển vọng được trao cho diễn viên Bảo Hân trong vai Ánh Dương ở phim “Về nhà đi con"; giải Biên kịch xuất sắc thuộc về biên kịch Khánh Bùi và Nghệ sỹ ưu tú Nhâm Minh Hiền trong phim "Lời nguyền Domino"; giải Đạo diễn xuất sắc được trao cho Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Danh Dũng trong phim "Về nhà đi con"; giải Quay phim xuất sắc thuộc về Dương Tuấn Anh và Nguyễn Mạnh Hùng trong phim "Mê cung".
Ở hạng mục Phim ngắn, không có giải Cánh diều Vàng, hai giải Cánh diều Bạc được trao cho phim “Mộng tưởng đen” của Đạo diễn Dương Phước Trung và phim “Hết hồn” của Đạo diễn Nguyễn Thị Thu Hằng.
Hạng mục Phim Khoa học, giải thưởng Cánh diều Vàng được trao cho phim “Cuộc chiến chống SARS” của Đạo diễn Lưu Ngọc Ánh” và phim “Lò đốt rác thải sinh hoạt” của Đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Lê Văn - Nguyễn Hồng Việt. Cánh diều Bạc được trao cho phim “Một giải pháp mềm” của Đạo diễn Nguyễn Sỹ Bằng, phim “Ghép tạng” của Đạo diễn Phạm Hồng Thắng và phim “Ma túy không dược chất” của Đạo diễn Vũ Hoài Nam.
Hạng mục Phim tài liệu, giải Cánh diều Vàng được trao cho phim “Chư Tan Kra” của đạo diễn Vũ Minh Phương. Cánh diều Bạc được trao cho phim “Hành trình một thương hiệu” của Đạo diễn Trần Ngọc Thuyết” và phim “Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Hoàng Thủy Nguyên - Nhà virus học và chế tạo vacxin hàng đầu Việt Nam” của Đạo diễn Trịnh Quang Tùng - Vũ Thị Thu Hiền. Giải Quay phim tài liệu xuất sắc nhất được trao cho Trần Xuân Chung - quay phim “Hành trình thư pháp Việt”.
Hạng mục Phim hoạt hình, giải Cánh diều Vàng được trao cho phim “Con chim gỗ” của Đạo diễn Trần Khánh Duyên. Giải Cánh diều Bạc được trao cho phim “Sơn Tinh - Thủy Tinh” của đạo diễn - Nghệ sỹ ưu tú Lê Bình và phim “Tàn thể tiền truyện” của đạo diễn Đặng Hải Quang. Giải Đạo diễn xuất sắc được trao cho đạo diễn Trần Khánh Duyên trong phim “Con chim gỗ”, giải Họa sỹ chính xuất sắc được trao cho họa sỹ Hà Huy Hoàng và Đoàn Anh Kiệt trong phim “Tàn thể tiền truyện”.
Giải thưởng Cánh diều cho các công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình điện ảnh năm nay không có giải Vàng, hai giải thưởng Cánh diều Bạc được trao cho giáo trình lý thuyết và thực hành “Thiết kế mỹ thuật phim truyện điện ảnh” của tác giả - Tiến sỹ Trần Quang Minh - Nhà xuất bản Mỹ thuật xuất bản và tập tiểu luận “Những dấu vết trên mặt đất” của tác giả - Tiến sỹ Vũ Ngọc Thanh - Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản.
Phát biểu tại lễ trao giải, Nghệ sỹ nhân dân Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đánh giá: Nhìn lại hoạt động điện ảnh năm 2019, chúng ta thấy đã có bước phát triển rất đáng khích lệ. Trên 40 đơn vị sản xuất đã vượt qua khó khăn, huy động nguồn vốn và tổ chức sản xuất để cho ra đời 113 tác phẩm tiêu biểu gửi về tham dự Cánh diều 2019. Trong đó có 16 phim truyện điện ảnh, 13 phim truyện truyền hình, 34 phim tài liệu, 12 phim khoa học, 15 phim hoạt hình 17 phim ngắn và 6 công trình nghiên cứu lý luận phê bình.
Theo ông Đặng Xuân Hải, các phim tham dự giải Cánh diều năm nay đa dạng về đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác được mở rộng, tạo nên bức tranh đa dạng, phong phú, giàu sức sống. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu vắng những tác phẩm phản ánh sinh động, sâu sắc, xứng tầm với những thành tựu to lớn trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Sự thiếu vắng đó đã gợi nhiều suy nghĩ về công tác chỉ đạo, đầu tư cho sáng tác điện ảnh.
Nghệ sỹ nhân dân Đặng Xuân Hải cho rằng, nhận rõ trách nhiệm trước đất nước, trước sự nghiệp điện ảnh nước nhà, đòi hỏi mỗi hội viên những người làm công tác điện ảnh và truyền hình cần đổi mới từ nhận thức, tư duy và sáng tạo để phản ánh hiện thực một cách sâu sắc, khám phá chiều sâu tinh thần của con người Việt Nam đang vươn lên để đồng hành cùng dân tộc, quốc gia khác, đồng thời luôn gắn bó bền chặt với những giá trị văn hóa nguồn cội của dân tộc, góp phần làm nên tính đặc thù, truyền thống tốt đẹp và diện mạo của nền điện ảnh, truyền hình nước nhà.