Xây bãi đỗ xe tại Công viên Thống Nhất - Bài 2: Hy sinh công viên?

Khá khó hiểu về quyết định của thành phố Hà Nội cho phép chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng bãi đỗ xe trong công viên Thống Nhất. Tuy nhiên, theo nhiều KTS, cũng nên xem xét kỹ "nguyên nhân" dẫn tới quyết định này. Phải chăng Hà Nội đã chưa giải đúng bài toán giữa phát triển giao thông và phát triển không gian xanh?

 

Thiếu chỗ đỗ xe...


Theo các KTS, trong những năm qua, Hà Nội đã rất chú trọng tới quy hoạch chung, nhưng cũng rất quan tâm tới các quy hoạch chuyên ngành nhằm cụ thể quy hoạch chung, trong đó có quy hoạch bãi đỗ xe. Năm 1994, Hà Nội đã có quy hoạch về các bãi đỗ xe, trong đó có đưa ra giải pháp “cho đỗ xe ở các tuyến phố” và đến giờ chúng ta đang chịu hậu quả của giải pháp quá độ này và đang từng bước xử.

 

Một góc Công viên Thống Nhất.

 

Đến năm 2003, cũng lại một lần nữa Hà Nội đề cập tới quy hoạch giao thông tĩnh (bến, bãi đỗ xe), với đề xuất các dự án cụ thể, nhưng về sau chính thành phố lại cho điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng, chính vì vậy mà dẫn tới tình trạng thiếu bãi đỗ xe như hiện nay. Gần đây nhất, sau khi Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt, Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu quy hoạch giao thông vận tải của Thủ đô, với những nội dung cụ thể, trong đó riêng về giao thông tĩnh trong nội đô đã đề xuất xây dựng 39 bãi đỗ xe, trong đó chủ yếu là bãi đỗ xe ngầm ở quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình và một phần ở quận Đống Đa. Ngoài ra là các bãi đỗ xe ngầm tại Cổ Tân, vườn hoa Lý Thái Tổ, vườn hoa Hàng Đậu, trong đó có bãi đỗ xe ngầm (lưu ý không có phần nổi) trong Công viên Thống Nhất với quy mô gần 2.000 m2.


Trên thực tế, rõ ràng nhu cầu về chỗ đỗ xe của Hà Nội đã trở thành một nhu cầu rất bức thiết, nhất là trong hoàn cảnh như hiện nay, khi số lượng xe máy cá nhân tại Hà Nội đã gia tăng lên con số 4 triệu và ô tô là 36 vạn, chưa kể tới lượng xe ngoại tỉnh cũng như xe của các cơ quan nhà nước. "Áp lực này thật sự lớn trên đôi vai của Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay Hà Nội mới chỉ giải quyết được 10% các nhu cầu đỗ xe; hay nói cách khác, trong quy hoạch bình thường phải dành 3% diện tích đất tự nhiên cho đỗ xe thì Hà Nội mới chỉ có 0,3%. Như vậy, chúng ta phải nhìn nhận rằng đây là yêu cầu bức xúc, đòi hỏi Hà Nội phải xem xét để giải quyết nhu cầu này", một KTS cho biết.

 

Nhưng không thể hy sinh công viên


Tuy nhiên, đó là xét trên bình diện "giao thông". Còn ở cán cân thứ hai là đảm bảo kiến trúc xanh của Thủ đô, thì rõ ràng không thể vì "bài toán giao thông" mà hy sinh kiến trúc xanh, mà cụ thể là “xẻ thịt” công viên.


 

TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm trao đổi về nội dung dự án.

 

Theo TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong Quy hoạch chung của Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, đã chỉ rõ: Khu nội đô lịch sử phải tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong quy hoạch này cũng đã có chỉ đạo cụ thể về hệ thống công viên của Hà Nội: Nâng cấp không gian xanh hiện có, bổ sung quỹ đất cây xanh sau khi di dời các công sở, cơ sở công nghiệp, cũng như "ưu tiên xây dựng và hoàn thiện các công viên, như công viên Thống Nhất, Yên Sở".


"Như vậy trong quyết định của Thủ tướng, trong quy hoạch chuyên ngành của Hà Nội đều khẳng định phải tăng cường diện tích cây xanh và các không gian xanh công cộng. Gần đây nhất, trong quy hoạch về công viên, vườn hoa, hồ của Hà Nội đang xem xét, cũng khẳng định thành phố hiện có 67 công viên vườn hoa, trong đó tại khu vực nội đô mới chỉ có 42 công viên, và sẽ phải xây dựng thêm 18 công viên nữa, nhằm đưa diện tích từ 300 ha hiện nay lên 900 ha, và đạt 3,9 m2 công viên/người", TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.


Cũng theo TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, dù con số 3,9 m2 công viên/người của Hà Nội hiện còn kém xa chỉ tiêu cây xanh được xác định trong quy hoạch chung vừa duyệt là 11 - 13 m2 công viên/người; nhưng để đạt được con số khiêm tốn này cũng là một khó khăn không nhỏ với Thủ đô, trong bối cảnh hiện nay cây xanh ở nội đô Hà Nội mới đạt 1,2 m2/người, và thậm chí có những quận như quận Hai Bà Trưng thì mới chỉ đạt 1,09 m2/người.


Có đưa ra những con số mới thấy giật mình vì sự “ngột ngạt” của Hà Nội. Có lẽ, so với những Thủ đô khác trên thế giới, Hà Nội là thành phố "thấp kỷ lục" về môi trường, về không gian giao tiếp của cộng đồng, khu thể dục, vui chơi giải trí của thanh thiếu nhi, và đặc biệt là về tỷ lệ cây xanh. Theo KTS Trần Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Xây dựng và Giao thông vận tải, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, diện tích bình quân đầu người ở các thủ đô trên thế giới là rất lớn. Tại Paris (Pháp) con số này là 11 m2, còn tại New York (Mỹ), thành phố của những ngôi nhà chọc trời san sát nhau, nhưng con số này cũng là 15 m2/người. Thậm chí có những thành phố trên thế giới con số này lên đến 30 m2. "Trong khi diện tích cây xanh của Hà Nội; nhất là khu vực nội đô cũ đã thấp tới mức... cùng cực chỉ có hơn 1 m2/người thì người ta lại còn định xẻ thịt công viên để làm bãi đỗ xe", KTS Trần Thanh chua xót.


Được biết, dịp đầu tháng 11 vừa qua, ngay sau khi dự án bãi đỗ xe trong Công viên Thống Nhất được ký cho phép nghiên cứu, thì lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã có cuộc họp bàn về "Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".


Cũng trong cuộc họp bàn này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu, trong Quy hoạch phải tuân thủ quy hoạch chung, ưu tiên nguồn lực, tăng cường quản lý, kết hợp bảo tồn, cải tạo, nâng cấp, phát triển. Tất cả hướng vào thực hiện được quy hoạch chung là đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.


Sở Xây dựng Hà Nội cũng nhấn mạnh, trong 3 năm tới sẽ tập trung vào các dự án, công trình cấp thiết về công viên, vườn hoa, cây xanh và hồ nước, như đầu tư xây dựng 6 công viên gồm Yên Sở, Đống Đa, Nam Nghĩa trang Mai Dịch, Nhân Chính, Hữu Nghị, Tuổi Trẻ.


Vậy thì liệu có sự mâu thuẫn nào trong chỉ đạo của chính lãnh đạo thành phố Hà Nội trong những quyết định có vẻ "trái chiều" này không, khi một mặt thì đưa ra quyết tâm "xanh hóa" thành phố, nâng tỷ lệ cây xanh, tăng cường diện tích công viên (thậm chí là xây mới); trong khi mặt khác lại sẵn sàng thu hẹp diện tích một công viên đã có sẵn, hơn thế đây còn là biểu tượng văn hóa, biểu tượng về lao động xã hội chủ nghĩa với mong muốn về sự thống nhất đất nước ngay giữa lòng Thủ đô, phá bỏ những cây xanh đã nhiều năm tuổi tại Công viên Thống Nhất để làm bãi đỗ xe?



Tuyết Anh

 

Bài 3: Đừng tự mâu thuẫn với chính mình

Hồi âm loạt bài "Xây bãi đỗ xe tại Công viên Thống Nhất" (tiếp)
Hồi âm loạt bài "Xây bãi đỗ xe tại Công viên Thống Nhất" (tiếp)

Tôi xin đề xuất một số nội dung nên đầu tư để xây dựng Công viên Thống Nhất thành một biểu tượng của sự thống nhất dân tộc. Thứ nhất, trên trục đường chính từ cổng phía đường Trần Nhân Tông vào nên xây dựng một tượng đài Thống Nhất...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN