Nhìn ở một khía cạnh khác, thì việc xây dựng bãi đỗ xe ĐX1 trong Công viên Thống Nhất của thành phố Hà Nội không chỉ đơn thuần là việc "xẻ thịt" công viên, hy sinh không gian xanh, hy sinh không gian công cộng vốn đã rất ít ỏi của Thủ đô; mà hơn thế, còn thể hiện sự mâu thuẫn của chính UBND thành phố trong chỉ đạo thực hiện quy hoạch đô thị.
Mớ bòng bong...
Với những con số đã đưa ra là 3,7 triệu xe máy và vạn ô tô (bằng 1/6 của cả nước; đó là còn chưa tính đến hơn 1.200 xe buýt, khoảng 100.000 taxi, xe con), và những con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, nếu không có biện pháp giảm thiểu... thì quả thật Hà Nội đang phải "cõng" một mật độ giao thông quá tải. Hệ thống giao thông Hà Nội lại chỉ chiếm dưới 10% diện tích đất, trong khi thông thường các đô thị phải giành 20 - 25% đất cho giao thông. Chính vì lý do này, thành phố Hà Nội đã đưa ra các giải pháp giãn dân, di dời các nhà máy, công sở, bệnh viện, trường đại học... ra khỏi nội đô.
Trung tâm thương mại Savico Megamall được xây dựng tại địa điểm dành cho dự án giao thông tĩnh của Hà Nội đã được quy hoạch. |
Thế nhưng thật lạ lùng khi song song với những chủ trương, phương án này, thì thành phố Hà Nội lại... sẵn sàng cho xây dựng bãi đỗ xe ở một địa điểm công cộng, với mật độ dân cư khá đông, cũng lại là những tuyến giao thông chính của thành phố. Trên thực tế, các con phố xung quanh công viên như Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu, nhất là Đại Cồ Việt và Lê Duẩn đều có mật độ giao thông rất cao, đặc biệt là tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra trên phố Lê Duẩn và Đại Cồ Việt.
"Xây bãi đỗ xe ở đây có nghĩa là tăng thêm mật độ giao thông, tạo thêm sự xung đột giao thông ở một địa điểm vốn đã rất đông đúc và cần sự yên tĩnh. Chưa kể tới việc những con phố xung quanh Công viên Thống Nhất đều là phố nhỏ, nên sẽ dễ xảy ra tình trạng ùn tắc xe ra, xe vào tại điểm đỗ xe này. Không biết khi ký dự án này, lãnh đạo Hà Nội đã tính tới vấn đề này chưa?", KTS Trần Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Xây dựng và Giao thông Vận tải, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ phân tích.
Theo con số thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thành phố hiện có hơn 1.178 điểm, bãi đỗ xe có phép, với tổng diện tích 42,92 ha, chiếm 56,94% diện tích đất dành cho giao thông tĩnh. Tuy nhiên, số điểm, bãi đỗ xe được cấp phép hiện có chỉ đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu. Vì vậy, hơn 90% phương tiện phải sử dụng điểm đỗ tại bất cứ nơi nào có thể như sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường...
Được biết, từ năm 2003, UBND TP Hà Nội đã có quyết định quy hoạch chi tiết 35 điểm, bãi đỗ xe phục vụ người dân 7 quận nội thành. Trong đó có một số dự án như điểm đỗ xe Hai Bà Trưng - Hàng Bài, Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm); Yên Phụ, vườn hoa Chi Lăng (quận Ba Đình); Minh Khai, Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng); Cát Linh, Quốc Tử Giám (quận Đống Đa)... Tuy nhiên, đến nay một số dự án đã bị thay đổi mục đích sử dụng. Cụ thể, khu đất rộng lớn tại phường Gia Thụy (quận Long Biên) đã biến thành Trung tâm thương mại Savico Megamall. Khu đất được quy hoạch làm dự án bãi đỗ xe Kim Ngưu thì thành đại lý buôn bán sắt thép và trạm trung chuyển nông sản của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Các điểm được quy hoạch làm điểm đỗ xe cao tầng, thay thế cho các điểm đỗ trên phố Hai Bà Trưng, Hàm Long, Lý Thường Kiệt, Hàng Trống cũng lần lượt bị biến dạng. Điểm đỗ xe tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội dự kiến thay thế cho điểm đỗ xe trên đường Nguyễn Du, Trần Quốc Toản và ga Hà Nội bị biến thành dãy cửa hàng ăn uống, quán cà phê. Dự án điểm đỗ xe Tràng Thi dự kiến được xây trên khu đất 2.000 m2 thì cũng đã bị dừng.
Thậm chí có nơi đã hình thành điểm đỗ xe nhưng lại bị chuyển đổi công năng như điểm đỗ xe tại số 17 phố Cát Linh (quận Đống Đa), vốn được TP Hà Nội đầu tư xây dựng thành điểm đỗ xe 7 tầng, phục vụ khu vực sân vận động Hàng Đẫy, nhưng sau đó đã biến thành trụ sở Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội. Nhà để xe 7 tầng sau trung tâm thương mại cao tầng (khu nhà máy Trần Hưng Đạo cũ) cũng được chuyển đổi để xây dựng nhà cao tầng trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp.
Đến năm 2010, UBND TP Hà Nội quyết định xây dựng ngay một số bãi đỗ xe công cộng, nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách về chỗ đỗ xe tại một số khu vực. Có 4 dự án đỗ xe cao tầng tại đường Trần Nhật Duật, Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm); đường Nguyễn Công Hoan (quận Ba Đình) và dọc bờ sông Tô Lịch (quận Hoàng Mai). Tuy nhiên, từ đó đến nay, mặt bằng để thực hiện các dự án này vẫn chưa được bàn giao, đơn vị đầu tư vẫn chưa làm xong thủ tục.
Phân tích từ quy hoạch và thực trạng điểm đỗ xe tại Hà Nội để thấy một điều: Rõ ràng Hà Nội không thiếu đất để xây dựng bãi đỗ xe. Thậm chí, như nhiều KTS đã phân tích, trong trường hợp sắp tới Hà Nội sẽ di dời các công sở, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô thì quỹ đất sẽ dôi ra và sẽ còn rất nhiều cơ hội để lựa chọn (nhưng tất nhiên cũng không khuyến khích biến cả những vùng đất "giãn dân" này thành bãi đỗ xe để lại tăng thêm mật độ giao thông cho Hà Nội). Thành phố Hà Nội cũng đã từng có quyết định "dũng cảm" là không xây dựng công trình văn phòng tại khu đất 3.000 m2 trước Nhà hát Lớn để xây dựng vườn hoa và chấp nhận đền bù cho chủ đầu tư diện tích ở nơi khác với quy mô lớn hơn nhiều. Dư luận đã đánh giá cao quyết định này và dự án còn được tặng giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" của Báo Thể thao &Văn hóa (TTXVN).
Thế nên, thật sự khó hiểu trong việc thành phố quyết định "xẻ thịt" Công viên Thống Nhất xây dựng bãi đỗ xe không chỉ ngầm mà còn cả nổi, trong khi bản thân rất nhiều dự án xây dựng bãi đỗ xe khác vẫn còn đang dang dở chưa triển khai, hoặc bị "biến dạng" mục đích sử dụng. "Phải chăng có khuất tất gì ở đây, có vấn đề gì về quyền lợi cá nhân mà bản thân các mảnh đất đã được phê duyệt cho dự án bãi đỗ xe mới thì bị chuyển đổi như vậy, còn một phần Công viên Thống Nhất thì lại có nguy cơ bị biến thành bãi đỗ xe" - KTS Trần Thanh bức xúc.
Sai thì phải sửa
Như đã đề cập ở những bài trước, có rất nhiều dự án tại Công viên Thống Nhất đã phải dừng lại, không được triển khai. "Đã từng có một dự án khách sạn mang tên SAS Royal Hotel, nằm ngay trong công viên, giáp đường Lê Duẩn đã được phê duyệt, thậm chí chủ đầu tư đã có cả quá trình chuẩn bị đầu tư, đã có thiết kế kỹ thuật, đã giải phóng mặt bằng, song do thay đổi chủ đầu tư, thay đổi chức năng sử dụng và khi có sự phản ứng dữ dội của dư luận, cũng như nhận thấy sự bất hợp lý, thành phố đã cho hủy bỏ và chấp nhận đền bù. Hay một doanh nghiệp tư nhân lập dự án khủng với vốn hàng chục triệu đô la để biến nơi đây thành khu vui chơi giải trí đẳng cấp cao, kiểu như Disneyland ở Mỹ hay ở Hồng Kông (Trung Quốc) nhưng cũng phải dừng khi mới manh nha trên giấy. Gần đây, tháng 4/2011, cũng một doanh nghiệp tư nhân được thành phố cho phép nghiên cứu lại phân khu chức năng trong công viên và có đề xuất xây dựng bãi đỗ xe ngầm. Nhưng khi xem xét cụ thể phương án cũng đã không được chấp thuận. Xét ở một khía cạnh nào đó, các dự án này cũng có những giá trị nhất định trong việc nâng cao giá trị không gian tổng thể của Công viên Thống Nhất mà còn bị hủy bỏ, còn bãi đỗ xe thì hoàn toàn trái ngược với tính chất của một công viên, thậm chí như một... tảng sạn nhưng lại được triển khai thì thật là hết sức khó hiểu", KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam bức xúc.
Theo TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong các vấn đề tác động đến không gian đô thị thì vấn đề không gian xanh công cộng, vấn đề cây xanh là rất quan trọng. Thủ tướng Chính phủ cũng có cả một nghị định riêng (tháng 6/2010) về quản lý cây xanh đô thị. Và lại có cả quyết định của Thủ tướng Chính phủ (tháng 4/2005) về quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng... Từ những ý kiến nêu trên, những người viết bài này và dư luận cho rằng, thành phố nên xem xét cả quá trình quản lý công viên, mục tiêu của quy hoạch Công viên Thống Nhất, tầm quan trọng của yếu tố không gian xanh công cộng để có tính liên tục, nhất quán trong chỉ đạo xây dựng bãi đỗ xe cả ngầm và nổi. Nên chăng để đừng tiêu phí 2,9 tỷ ngân sách, trước khi cho phép chuẩn bị đầu tư dự án bãi đỗ xe ĐX1, Hà Nội nên lấy ý kiến của cộng đồng, ý kiến của các chuyên gia, và nhất là cân nhắc, thận trọng để nhất quán trong chỉ đạo. Đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, đang có chủ trương giảm đầu tư công, chỉ tiêu ngân sách tiết kiệm thì lại càng cần xem xét lại quyết định này.
Tuyết Anh
Bài cuối: Hãy giữ lấy một biểu tượng của Hà Nội