Đây là chương trình "vừa học vừa làm" hữu ích cho sinh viên các trường đại học có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam sang tìm hiểu về nền nông nghiệp công nghệ hiện đại của Israel.
Cuộc sống của các TNS nông nghiệp Việt Nam, những cơ hội và thách thức, niềm khát khao được học hỏi những kiến thức nông nghiệp quý từ Israel để phục vụ nền nông nghiệp đất nước sau này..., tất cả được phản ánh trong chùm bài "Tu nghiệp sinh nông nghiệp Việt Nam tại Israel" của phóng viên TTXVN tại Israel.
Israel với 70% diện tích đất là sa mạc và điều kiện khí hậu khắc nhiệt, chênh lệch lớn giữa ngày và đêm với lượng mưa bình quân của khu vực này chỉ từ 20 - 50 mm/năm. Tuy nhiên, Israel vẫn vươn lên mạnh mẽ trở thành một quốc gia hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Israel cũng có hàng nghìn trang trại sản xuất nông nghiệp. Đó cũng là lý do ngày càng nhiều sinh viên ngành nông nghiệp muốn được tham gia chương trình TNS nông nghiệp tại Israel.
Mỗi năm, Israel tiếp nhận vài nghìn TNS tới từ các quốc gia ở khu vực châu Phi và Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam. Nhờ sự quan tâm của các cơ quan hữu quan phía Việt Nam cũng như Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, chỉ tiêu hằng năm cấp cho sinh viên Việt Nam có cơ hội sang học tập tại Israel đều tăng, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn.
Tại khu vực Arava, là phần khô hạn nhất của sa mạc Negev, sa mạc chiếm trên một nửa diện tích Israel ở phía Nam Israel, quanh năm chỉ toàn nắng và cát. Cũng chính từ đây, kỳ tích thần kỳ về nông nghiệp của Israel được tạo ra. Ít ai biết rằng, những sản phẩm rau quả từ Arava - một trong những nơi khô cằn nhất thế giới - lại chiếm tới trên 60% tổng sản lượng xuất khẩu rau của Israel và 10% tổng sản lượng hoa quả xuất khẩu. Tại đây, Ein Yahav là một trong những Moshav (gồm nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp với nhiều chủ khác nhau, hoạt động theo kiểu tư bản: làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu) đầu tiên được thành lập từ năm 1959.
Anh Amir Oren, chủ nông trại Oren thuộc Moshav Ein Yahav, cho biết nông trại của anh hiện trồng 5 hecta chà là, 5 hecta nhocvà 10 hecta ha ớt ngọt phục vụ cho xuất khẩu. Chỉ có nho được tiêu thụ trong thị trường nội địa. Hiện tại trang trại sản xuất nông nghiệp của anh có 7 sinh viên Việt Nam, 4 người Myanmar và 15 lao động chuyên nghiệp người Thái đang làm việc.
Tại trang trại này, các TNS Việt Nam có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, như canh tác cây nho. Điều tạo nên sự khác biệt của nông trại Oren là nho được trồng bằng đất lấy từ những núi lửa, chứ không trồng trực tiếp xuống đất, điều đó hạn chế được sâu bệnh gây hại cho cây. Hệ thống tưới tiêu hiện đại với dàn máy lọc nước ngọt hiện đại (do cây nho chỉ dùng nước ngọt để tưới) sau khi máy lọc nước ra nước ngọt sẽ được pha thêm phân bón và tưới cho nho, phần nước thừa của nho vẫn còn dưỡng chất sẽ đi qua một cống thông chảy về tưới cho cây chà là ở khu vực gần đó. Tất cả đều trong quy trình kép kín và lấy tiêu chuẩn tái sử dụng làm đầu. Bên cạnh đó, hệ thống còn có máy sưởi dành cho mùa Đông dưới 0 độ, nước được đun ấm lên thông qua hệ thống tưới bằng sắt tỏa nhiệt quanh gốc cây nho và ấm đất.
Bà Hanni Arnon, Giám đốc Trung tâm đào tạo nông nghiệp quốc tế (AICAT) ở sa mạc Negev, chia sẻ bà đã sống và làm việc tại Arava hơn 32 năm qua. Trong hơn 17 năm qua, trung tâm của bà đã hợp tác với phía Việt Nam để tuyển sinh các sinh viên trong các lĩnh vực nông lâm và các ngành liên quan sang Israel học tập và làm việc. Bà cho biết năm 2019 trung tâm AICAT tiếp nhận 1.200 học viên, trong đó có 330 sinh viên Việt Nam đang học tập và làm việc. Điều này cho thấy hai bên đã có sự hợp tác chặt chẽ và tích cực trong việc tuyển dụng các sinh viên Việt Nam.
Theo bà, các giáo viên của trung tâm cũng như những người làm nông trại ở Arava rất quý các sinh viên Việt Nam bởi các em rất thông minh và chịu khó học hỏi từ đồng nghiệp và thầy cô. Bà tin rằng các sinh viên Việt Nam sẽ thu được những kết quả tốt từ khóa học ở đây để trở về phục vụ cho Việt Nam sau này. Bà cũng nhấn mạnh rằng "thành công của các bạn là thành công của chính chúng tôi”.
Phát biểu trong chuyến tham quan trung tâm AICAT, Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng cũng cho biết ban giám đốc trung tâm đánh giá rất tốt về các học viên Việt Nam - chăm chỉ, sáng dạ và đoàn kết.
Theo Đại sứ, chương trình tu nghiệp sinh nông nghiệp đã được hai nước triển khai trong vòng hơn 10 năm qua. Đây có thể coi là một điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai bên. Hằng năm có khoảng trên dưới 600 học viên của các trường đại học nông lâm trong nước sang học tập và làm việc tại các trung tâm đào tạo nông nghiệp của Israel.
Ông cho biết thêm hiện Đại sứ quán Việt Nam cũng đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Israel và các bộ ngành trong nước để tiếp tục duy trì và thúc đẩy chương trình này trong tương lai. Đại sứ quán Việt Nam tại Israel vẫn duy trì các mối quan hệ và làm việc với các trung tâm nơi đang tiếp nhận các tu nghiệp sinh và với cộng đồng sinh viên. Bất cứ trường hợp nào có khó khăn gì đối với các bạn sinh viên, đại sứ quán sẵn sàng hỗ trợ hết sức để các sinh viên có thể hoàn thành tốt công việc trong thời gian học tập và làm việc tại Israel.
Bài 2: Học hỏi và khám phá