Ông Trương Tường Lân, Giám đốc Nam Cường Travel cho biết: Khi có thông tin mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế từ 15/3, đơn vị đã khởi động lại kế hoạch maketing, xây dựng lại sản phẩm để có thể đón khách quốc tế từ tháng 4. Thị trường khách mà đơn vị hướng đến là những khách đi lẻ từ Đức, Mỹ, Nam Phi, Tây Ban Nha. Trong 2 năm qua, đơn vị vẫn có những khách đặt chỗ và mong muốn đến Việt Nam. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là nhiều hãng hàng không quốc tế lớn chưa nối lại đường bay quốc tế đến Việt Nam nên sẽ khó khăn cho khách lẻ. Bên cạnh đó là thủ tục nhập cảnh vẫn chưa có quyết định chính thức.
Còn ông Nguyễn Ngọc Bích, Tổng Giám đốc Mekong Rustic cho biết: Sau khi nhận thông tin mở cửa lại đón khách quốc tế từ 15/3, đơn vị đang khảo sát lại sản phẩm trước khi thông báo cho đối tác nước ngoài hoặc chào bán trên sàn điện tử. Trong tuần tới, đơn vị sẽ làm việc lại các đối tác cung cấp dịch vụ trong nước để xem lại chất lượng dịch vụ bởi sau 2 năm “đắp chiếu” tình trạng cơ sở hạ tầng, nhân lực ra sao? Bên cạnh đó là thiết kế lại sản phẩm theo nhu cầu của khách.
“Trước đây, chúng tôi làm những đoàn từ 30-70 khách, nhưng nay theo nhóm nhỏ 10-15 khách. Cùng với đó là khảo sát lại nhu cầu của khách, đưa ra mức giá để báo qua hãng và bán trên sàn điện tử. Tuy nhiên, khi chào sản phẩm, chúng tôi cũng phải so sánh giá với các thị trường Singapore, Thái Lan để đánh giá. Việc này sẽ khá mất nhiều thời gian. Trước mắt, đơn vị chạy lại trang web giới thiệu điểm đến, tối ưu hóa sản phẩm hiện có”, ông Nguyễn Ngọc Bích cho biết.
Trong khi đó, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết: Các đơn vị lữ hành chuyên đón khách quốc tế vẫn còn hoạt động sau 2 năm không có khách cũng đang lên kế hoạch để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Sẽ có 2 dòng khách dựa trên theo thói quen đi du lịch: Với khách Âu – Mỹ thường lên kế hoạch dài hạn nên phải cuối năm mới có khách. Còn với dòng khách thị trường gần trong khu vực hoặc Đông Bắc Á có thể khởi động trong 1-2 tháng tới. Tuy nhiên số lượng sẽ không nhiều nhưng nhóm khách đầu tiên sẽ quan trọng bởi họ sẽ review (nhận xét) về sản phẩm, dịch vụ. Trong thời gian qua, dù dịch bệnh nhưng Việt Nam vẫn nhận được nhiều giải thưởng quốc tế về điểm đến nên đây là thời điểm để khẳng định chất lượng dịch vụ tại điểm đến nên các địa phương, doanh nghiệp quản lý điểm đến chú trọng tạo dựng hình ảnh.
“Để làm được việc này liên quan đến nhiều giải pháp về đầu tư lại hạ tầng dịch vụ, đào tạo nhân lực, xúc tiến điểm đến. Khách quốc tế lựa chọn điểm đến sẽ phụ thuộc vào các yếu tố: Thời gian, tài chính, điều kiện tiếp cận (hàng không, thủ tục nhập cảnh…), điểm đến an toàn. Do đó, thời gian đầu tập trung vào dòng khách nghỉ dưỡng, có khả năng chi trả cao”, ông Phùng Quang Thắng nhận xét.
Từ thực tế đón khách du lịch trong dịp Tết vừa qua, các đơn vị lữ hành đều chung nhận xét lo ngại nhất hiện nay là yếu tố chất lượng dịch vụ. Dù dịch bệnh nhưng trong dịp Tết vừa qua khách đi đông nhưng chủ yếu là khách đi lẻ. “Do lượng khách đông, dịch vụ hạn chế do thiếu nhân lực, nhiều dịch vụ chưa kịp khởi động lại nên khách phàn nàn nhiều. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh nguồn lực từ doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước và địa phương”, ông Phùng Quang Thắng cho biết.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất các biện pháp kiểm soát đi lại từ khi bùng dịch được dỡ bỏ, cùng với đó là thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là thực hiện 5K ở mọi nơi, mọi lúc, mọi khâu. Du khách quốc tế đến Việt Nam không cần đăng ký tour du lịch như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần chứng nhận tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 hoặc chứng nhận khỏi bệnh. Kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 là bắt buộc, song được phép xét nghiệm nhanh. Trẻ em trên 12 tuổi đến Việt Nam được yêu cầu tiêm 2 mũi vaccine.
Đối với khách quốc tế nhập cảnh qua đường hàng không, những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ phải xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay. Đối với khách quốc tế nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh. Du khách phải cài ứng dụng quản lý y tế theo quy định và bật liên tục trong thời gian đi du lịch. Đề xuất cũng yêu cầu có bảo hiểm chi trả COVID-19. Nếu khách dương tính được cách ly, quản lý và điều trị như người Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc cụ thể với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khẩn trương có báo cáo chi tiết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách thị thực áp dụng đối với khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.