Thanh bình Cố đô Luang Prabang
Từ thủ đô Vientiane, xe chúng tôi vượt hơn 300km tới cố đô nước Lào vào chập tối sau một hành trình 8 tiếng vừa đi vừa nghỉ ngơi vãn cảnh ở Vang Vieng. Đi đường bộ tuy lâu nhưng thú vị hơn đi máy bay.
Phong cảnh rừng núi, sông suối thật hữu tình ở Vang Vieng, khu du lịch thuộc tỉnh Vientiane, cách thủ đô Vientiane chừng 150km về phía bắc. Những cây cầu và cáp treo nho nhỏ bắc qua hai bờ sông Nam Song để du khách khám phá thiên nhiên và thưởng thức những món ăn Lào trong những hàng quán dọc hai bờ. Từng nhóm du khách Lào và ngoại quốc chèo thuyền Kayak hoặc nằm trên phao thả trôi theo dòng nước. Báo chí Lào dịp này đưa tin các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu làm đường cao tốc tới Vang Vieng trong dự án biến nơi đây thành khu du lịch, nghỉ dưỡng rất lớn.
Đường từ Vang Vieng tới cố đô Luang Prabang gợi nhớ phong cảnh vùng Tây Bắc Việt Nam. Quốc lộ AH12 được trải nhựa khá tốt nhưng quanh co với nhiều dốc cao, vực sâu và cua tay áo. Có tuyến đường khác ngắn hơn nhưng khá nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa như thế này thường xảy ra sạt lở. Nguy hiểm nhưng chỉ cần vững tay lái là chuyến đi suôn sẻ vì các tài xế Lào rất tuân thủ luật lệ, luôn nhường nhịn nhau. Họ sẵn sàng nháy đèn báo hiệu và nhường đường cho xe bạn vượt lên khi thấy phía trước đã an toàn.
Thiên nhiên Lào hung vĩ và phong phú. Những rừng gỗ quý không còn nhiều nhưng hai bên đường là rừng cây tự nhiên và rừng gỗ tếch trồng từ nhiều năm nay, sắp cho thu hoạch. Chốc chốc xe lại qua những bản làng ven đường với những nhà gỗ mái ngói, những chòi bán các loại trái cây và phẩm vật địa phương.
Luang Prabang hiện ra mờ ảo trong sương và ánh đèn, xa xa là những dãy núi nhấp nhô. Thành phố Luang Prabang được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 1995 nhờ những công trình kiến trúc, tôn giáo và văn hóa được bảo toàn khá nguyên vẹn qua hàng thế kỷ.
Phố phường Luang Prabang đẹp và thanh bình với những ngôi nhà gỗ hai tầng, mái ngói được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Tôi chợt có cảm giác như đang đi giữa Hội An phố cổ. Du khách có thể tản bộ trên những con phố rộng rãi, những ngõ hẻm được lát bằng gạch hay ngồi nhâm nhi li cà phê Lào; thưởng thức những món bánh, những thực đơn đủ loại trong các nhà hàng ven sông lúc hoàng hôn buông xuống.
Núi Phousi sát ngay thành phố là nơi lí tưởng để ngắm bình minh hoặc hoàng hôn. Từ đỉnh núi Phousi chỉ cao khoảng 150 mét nhưng có thể quan sát bao quát thành phố nho nhỏ này với những mái nhà ngói đỏ ẩn hiện bên những lùm cây. Khi chúng tôi đến đây, hàng trăm du khách đã leo 300 bậc lên đỉnh núi có ngọn tháp để chụp ảnh thành phố và đón cảnh mặt trời đang lặn phía dãy núi xa xa bên kia bờ Mekong. Cũng ở khu vực núi Phousi, du khách có thể thăm chùa Wat Chomsi và những cơ sở thờ tự khác.
Xuống núi khi mặt trời đã lặn cũng là lúc để tham quan, mua sắm đồ lưu niệm và nhiều mặt hàng phong phú trong khu chợ được mở cửa từ chiều muộn đến đêm. Nhìn từ chân núi Phousi, chợ đêm với những lều bạt nhiều mầu sắc trông thật đẹp mắt.
Tất nhiên, du khách cũng nên tìm hiểu giờ mở cửa để vào thăm Cung điện Hoàng gia Lào, được xây dựng từ năm 1904 dưới thời thực dân Pháp, dành cho vua Sisavang Vong và gia đình hoàng tộc. Từ năm 1975, khi nước Lào được giải phóng và thủ đô chính thức chuyển về Vientiane, cung điện trở thành Bảo tàng cung điện Hoàng gia. Những hiện vật như giường, tủ, bàn ghế, đồ nội thất… tái hiện cuộc sống của vua và hoàng gia trong cung điện một thời. Đáng chú ý là những bức tranh phỏng theo những chuyện cổ tích Lào được các nghệ nhân tài hoa sáng tác bằng những mảnh sứ Nhật Bản thay cho gạch ốp tường trong một phòng cung điện. Bảo tàng cũng trưng bày quà của nhiều nước tặng vua Lào, trong đó có lá cờ thêu chữ vàng về tình đoàn kết Việt-Lào do Ủy ban hành chính Hà Nội tặng. Vào bảo tàng, du khách không được phép chụp ảnh và phải gửi túi xách bên ngoài.
Bảo tàng cung điện nằm trong một khuôn viên rộng lớn có nhiều cây cổ thụ và những công trình kiến trúc tiêu biểu, trong đó có ngôi chùa nhiều mái đặc trưng ở Lào.
Gần thành phố Luang Prabang có hàng chục địa điểm đáng để tham quan, nhưng với hai ngày ở đây chúng tôi chỉ có thể đến thăm Hang Pak Ou và Thác Kuang Si.
Du khách có thể đi đường bộ hoặc ngược dòng Mekong trên tầu thủy để thăm Hang Pak Ou cách thành phố Luang Prabang gần 30km về phía bắc.
Chúng tôi theo đường bộ, mua vé xuồng qua sông. Thực ra có hai hang: Hang Tham Ting (Hang Dưới) có cửa hang nhìn ra sông Mekong và Hang Tham Theung (Hang Trên) ngay bên trên Hang Dưới vài trăm bậc. Ước tính cả hai hang đến nay có khoảng 4.000 tượng Phật nho nhỏ bằng nhiều chất liệu, được người Lào cung tiến qua hàng nghìn năm để thờ thần núi rừng, thần sông. Hang Pak Ou là địa danh linh thiêng của Phật giáo. Xưa kia, nhà vua thường đến đây làm lễ mỗi dịp Năm Mới của Lào.
Xuôi xuống phía nam, cách thành phố Luang Prabang 30km là thác nước Kuang Si. Đường tới thác cũng là dịp được ngắm phong cảnh nông thôn Lào thật đẹp và thanh bình. Du khách thập phương đến Kuang Si không chỉ để chiêm ngưỡng ba bậc thác mà còn để thả bộ trong rừng cây mát mẻ, sạch sẽ và thăm khu nuôi dưỡng gấu. Thường thì du khách được phép tắm ở một số đoạn của thác nhưng hôm chúng tôi đến đây, người ta cấm xuống nước vì mùa mưa nên thác khá dữ.
Đến cố đô Lào, du khách có thể thuê những phòng khách sạn hoặc nhà nghỉ luôn sạch sẽ với giá khá rẻ. Là điểm du lịch nên ẩm thực ở Luang Prabang rất phong phú cho mọi sở thích. Nhiều nhà hàng của Việt kiều ở đây thu hút không chỉ thực khách người Việt Nam nhờ những món ăn truyền thống của quê hương. Bạn cũng không nên ngạc nhiên nếu trong những quán ăn, trong chợ đêm hay trên đường phố Luang Prabang thỉnh thoảng lại nghe ai đó nói với nhau bằng tiếng Việt!...