Từ nhỏ tôi đã ao ước được đến thăm Xieng Khouang (Xiêng Khoảng) khi đọc một cuốn tiểu thuyết viết về cuộc chiến đấu ngoan cường của bộ đội tình nguyện Việt Nam và các chiến sỹ Phathet Lào chống quân thù trong thập niên 1960.
Và chúng tôi đã tới Xieng Khouang sau hơn 6 giờ đồng hồ di chuyển từ cố đô Luang Prabang, xuôi về hướng đông-nam.
Một nửa chặng đường vẫn là những khúc cua tay áo, vực sâu nhưng vắng xe hơn đường từ thủ đô Vientiane lên Luang Prabang. Cũng cảnh núi non hung vĩ, đường đi cheo leo như những tuyến đường Tây Bắc Việt Nam. Chỉ khác là thiên nhiên Lào nhiều màu xanh của rừng và đồng cỏ. Một đất nước rộng rãi, thưa dân.
Thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp những tốp thanh niên đi “phượt” bằng xe máy và cũng dừng lại ít phút cùng họ ngắm cảnh núi rừng và “săn” mây trắng lơ lửng trên những ngọn núi hay sà xuống những thung lũng, làng bản.
Tỉnh Xieng Khouang nằm trên cao nguyên cùng tên, có biên giới với tỉnh Nghệ An của Việt Nam. Địa danh nổi tiếng nhất của Xieng Khouang chính là di tích Cánh đồng Chum, vừa được UNESCO công nhận hôm 6/7/2019 là Di sản Thế giới.
Cánh đồng Chum cách thành phố Xieng Khouang không xa. Tới nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 90 địa điểm có chum ở tỉnh Xieng Khouang. Mỗi nơi có từ một đến hàng trăm chiếc với tổng cộng vài nghìn chum bằng đá có niên đại từ Thời kỳ đồ Sắt (năm 500 trước Công nguyên đến năm 500 sau CN). Mỗi chum có kích thước đường kính từ vài chục cem đến hơn 1 mét và dài nhất tới hơn 2 mét với những hình dạng khác nhau, hầu như không được trang trí.
Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc và mục đích của chum. Có người cho rằng những chum này do người tiền sử dùng để đựng nước mưa, thậm chí là đựng rượu! Nhưng ý kiến chung khẳng định chum thực chất là những quan tài.
Các cuộc khảo cổ đã phát hiện xương, răng người và những vật dụng bằng kim loại hoặc bằng đá được chôn quanh những vị trí có chum trong cùng thời kì. Cách chế tác chum và vận chuyển những chiếc chum nặng hàng tấn đến những địa điểm như thế này cũng là những chủ đề nghiên cứu của các nhà khảo cổ học.
Những hố bom đường kính hàng chục mét, sâu 3-4 mét và những hào giao thông xen kẽ những cụm chum là minh chứng cho thấy cao nguyên Xieng Khouang, đặc biệt là vùng Cánh đồng Chum, từng là địa điểm chiến lược diễn ra nhiều trận đánh ác liệt trong chiến tranh chống Mỹ.
Hàng nghìn quả bom, mìn chưa nổ là lí do khiến du khách chỉ được khám phá ba địa điểm của Cánh đồng Chum. Bom mìn chưa nổ cũng đang cản trở việc mở rộng nghiên cứu và khảo cổ ở di sản này.
Chúng tôi đến thăm Điểm 1 và Điểm 2, là những nơi gần nhau và tiêu biểu nhất của khu di sản. Hàng trăm chiếc chum nằm tập trung hoặc rải rác ở Điểm 1. Mưa gió hàng nghìn năm và bom đạn đã để lại nhiều vết tích, cái còn nguyên vẹn, cái sứt mẻ, có những cái đang được đục đẽo dở dang.
Tại Điểm 1 có một chiếc chum còn nắp đậy, cũng bằng đá nhưng đã sứt một góc. Phần lớn các chum đều có miệng nhỏ, thân to nên người ta cho rằng ngày xưa chum đều có nắp đậy bằng gỗ hoặc tre. Điểm 2 có ít chum hơn, nằm rải rác trên hai ngọn đồi cây cối um tùm. Tại đây có những chum dài hơn hai mét, không biết người xưa dùng làm gì?
Tại Điểm 1 có một hang đá khá rộng, miệng hang sát mặt đất. Bên trong hang có những chỗ cắm hương và những cột đá nho nhỏ giống như những cột đá mà người Hàn Quốc thường xếp ở những nơi linh thiêng để tưởng nhớ những người đã khuất. Bất giác, tôi nghĩ tới những người tiền sử, nghĩ tới những chiến sỹ tình nguyện Việt Nam và quân đội Phathet Lào đã hy sinh trên Cánh đồng Chum này.
Những điểm tham quan ở Cánh đồng Chum đều nằm trên vùng bình nguyên với những đồi cỏ mênh mông. Từ Điểm 2 có thể thấy những trang trại nuôi bò sữa. Nghe nói, một số doanh nghiệp Việt Nam có những dự án nông nghiệp tại đây.
Xieng Khouang nằm trên cao nguyên nên khí hậu quanh năm mát mẻ. Nhiều khách sạn và nhà nghỉ ở đây thậm chí không lắp máy điều hòa nhiệt độ. Thành phố Xieng Khouang cách cửa khẩu sang Việt Nam không xa. Sự hiện diện của Việt Nam khá rõ qua những chi nhánh ngân hàng, các trạm xăng dầu, nhà hàng và Việt kiều.
Nếu có thời gian, bạn nên ra ngoại thành cách Xieng Khouang vài chục km để tắm nước nóng. Tuy không có nhiều khoáng chất nhưng được ngâm trong bồn nước nóng thiên nhiên sau những chuyến cuốc bộ và di chuyển đường dài cũng thấy thật sảng khoái. Đặc biệt là giá rất rẻ, chỉ tương đương vài chục ngàn đồng Việt Nam một lần tắm.
Xieng Khouang có nhiều nơi để khám phá, nhưng tôi thích đến các chợ, để qua những mặt hàng tươi sống được bày bán có thể hiểu thêm về thiên nhiên, đời sống và văn hóa Lào. Ấn tượng nhất ở các chợ Lào là những tổ ong rừng đầy những con nhộng to như nhộng ong vò vẽ; những con chim, con thú nho nhỏ như dũi, sóc, chuột rừng… đã được làm thịt sẵn và bày bán khá nhiều.
Tuy nhiên, những người sống lâu năm ở Lào khuyên không nên ăn thịt thú rừng ở các nhà hàng nếu không phải là những con thú còn sống, vì cánh thợ săn thường tiêm hóa chất để giữ con thú được tươi rồi gom lại đem về khi hết chuyến đi săn dài ngày.
Các chợ ở Lào bày bán nhiều trái cây và rau quả mà ở Việt Nam hiếm gặp. Chúng tôi mua một bó quả núc nác và trên đường về Vientiane đã nướng nhờ trên bếp than hoa của một nhà hàng. Sau nửa thế kỉ mới được thưởng thức lại món núc nác nướng chấm với nước mắm tỏi ớt!
Không biết do ngày xưa kham khổ nên ăn gì cũng thấy ngon, hay núc nác Lào nó đắng như vậy? Nhưng cố thưởng thức rồi cũng cảm nhận được dư vị ngòn ngọt của món ăn dân dã và sạch sẽ này. Ngày nay, quả núc nác vừa là rau vừa là nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm.
Xieng Khouang là nơi sản xuất những loại gạo nếp và nếp cẩm ngon nổi tiếng của Lào. Chúng tôi đã được thưởng thức món xôi từ gạo nếp Xieng Khouang khi đến thăm mấy gia đình bạn Lào ở Vientiane.
Nếu không ngại mang nặng thì gạo nếp Xieng Khouang và cà phê Lào là những đặc sản bạn có thể mua về làm quà như kỷ niệm của một chuyến đi vô cùng thú vị!