Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng và phát triển du lịch nhanh nhất thế giới. Thế nhưng, mức chi tiêu của du khách quốc tế khi đi du lịch ở nước ta còn thấp. Điều này đã đặt ra bài toán cho ngành Du lịch và các địa phương. Sản phẩm du lịch về ban đêm chính là câu trả lời cho vấn đề này.
Sản phẩm đêm còn đơn điệu, thiếu đặc sắc
Nhiều chuyên gia kinh tế, du lịch đều khẳng định rằng, để thu hút khách quốc tế chi tiêu nhiều hơn, không thể bỏ qua câu chuyện sản phẩm du lịch ban đêm. Phải có sản phẩm phục vụ du khách ban đêm và phải triển khai để du khách có thêm trải nghiệm mới có thể có thêm nguồn thu.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu chia sẻ: Đại dịch COVID-19 đã gây tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế, đẩy ngành Du lịch rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Trong bối cảnh du lịch Việt Nam mở cửa trở lại hoàn toàn du lịch, việc phát triển sản phẩm du lịch đêm là một giải pháp nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch Việt Nam, thúc đẩy khả năng chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa...
Ở nước ngoài, văn hóa giải trí về ban đêm phát triển rất đa dạng. Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Thái Lan… đã thu hút khách bằng những hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm, trải nghiệm về đêm.
Bangkok của Thái Lan vốn được mệnh danh là "thành phố không ngủ" bởi họ tạo ra vô số địa điểm vui chơi, giải trí và hoạt động về đêm thú vị, hấp dẫn nhằm thu hút du khách. Có thể kể đến sản phẩm du ngoạn bằng thuyền trên sông Chao Phraya chiêm ngưỡng hàng loạt các danh thắng nổi tiếng như: chùa Wat Arun, Wat Pho, Wat Phra Kaew, pháo đài Wichai Prasit, nhà thờ Santan Cruz, cung điện hoàng gia và thưởng thức ẩm thực trên thuyền.
Các chương trình biểu diễn nghệ thuật đầy công phu, đậm chất văn hóa bản địa cũng là một điểm nhấn thu hút du khách muốn trải nghiệm văn hóa Thái Lan. Các khu chợ đêm náo nhiệt với đủ thứ hàng hóa cũng là nơi hấp dẫn du khách về đêm như: Chatuchak, Rot Fai, Talad Neon, Khao San Road…khi du lịch tới Thái Lan.
Theo thống kê, mức chi tiêu bình quân của du khách quốc tế tại Thái Lan vào khoảng 173 USD/ngày đêm. Còn tại Việt Nam, con số này ở mức “khiêm tốn” là dưới 100 USD/ngày đêm. Không có dịch vụ bổ trợ ban đêm hoặc có nhưng chưa thực sự hấp dẫn cũng là một trong những nguyên nhân làm cho lượng khách du lịch quay trở lại Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Thái Lan.
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cùng với các hoạt động du lịch ban ngày, hoạt động du lịch ban đêm và sản phẩm du lịch đêm ở nước ta khá sôi động tại một số đô thị và trung tâm du lịch như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Sapa, Huế… Các loại hình, sản phẩm du lịch đêm diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, khu mua sắm, ẩm thực đêm, chợ đêm, quán bar, cafe, rạp chiếu phim, vũ trường, một số hoạt động nghệ thuật, giải trí trong và ngoài đường phố...
Mặc dù có được kết quả bước đầu nhưng nhìn chung sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam còn đơn điệu, nghèo nàn, thiếu tính đặc sắc, chưa phát triển như mong muốn. Nguyên nhân là do bất cập về thời gian hoạt động của các dịch vụ vui chơi giải trí đêm, thiếu quy hoạch không gian riêng, thiếu các cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đêm, nhận thức tư duy về phát triển sản phẩm du lịch đêm cũng còn hạn chế.
Việc tăng cường sản phẩm du lịch vào ban đêm sẽ khuyến khích du khách ở lại Việt Nam lâu hơn, kích thích nhu cầu tiêu dùng, từ đó sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm… Các đơn vị lữ hành sẽ có phương án kéo dài thời gian lưu trú cho du khách, các tour dài ngày hơn, du khách ở lại dài hơn sẽ chi tiêu nhiều hơn.
Hướng tới tăng chi tiêu bình quân của du khách từ 5-6%
Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 nhằm hướng tới thúc đẩy tiêu dùng trong nước, phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm, du lịch, diễn ra từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau…; góp phần thay đổi cơ cấu chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút khách nội địa và quốc tế du lịch Việt Nam.
Cụ thể đến năm 2025, nước ta hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm đô thị lớn đông khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh. Trong đó có tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, thu hút sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân, các tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam.
Từ đó, tăng chi tiêu bình quân của khách du lịch 5-6%; tăng tỷ trọng chi tiêu của khách du lịch dành cho sản phẩm du lịch đêm trong cơ cấu chi tiêu của khách 30%; tăng tỷ lệ chi tiêu ngoài chương trình du lịch trong cơ cấu chi tiêu của khách du lịch thêm 5-6% đồng thời tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch thêm 1/2 ngày.
Hiện nay, nhiều địa phương đã bắt tay xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch ban đêm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Quảng Bình đang xây dựng hai sản phẩm du lịch ban đêm là: Khám phá thành phố Đồng Hới ban đêm bằng xe điện; phố chợ đêm (thành phố Đồng Hới) và dịch vụ vui chơi giải trí ban đêm (khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng). Các hoạt động này đã tạo cho du khách có không gian vui chơi, giao lưu văn hóa, thưởng thức ẩm thực, mua sắm quà lưu niệm, tham gia các trò chơi dân gian ban đêm; kích thích nhu cầu tiêu dùng của du khách và phát triển các sản phẩm du lịch.
Cố đô Huế đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tổ chức phố đi bộ đêm khu vực hoàng thành. Theo UBND thành phố Huế, phố đêm quanh di tích hoàng thành trong giai đoạn 1 sẽ tập trung vào việc xây dựng tuyến phố đi bộ về đêm ở hai đường Lê Huân và 23/8, thuộc khu vực Kinh thành Huế. Phố đêm khu vực Hoàng thành sẽ mang đặc trưng văn hóa, điểm nhấn là nghệ thuật cung đình Huế. Du khách và người dân được tìm hiểu văn hóa Huế thông qua hoạt động mô phỏng lễ hội triều Nguyễn, nghệ thuật dân gian, lễ hội đường phố.
Thành phố Huế kỳ vọng phố đi bộ sẽ trở thành sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, làm Huế thi vị, nâng tầm hình ảnh và vị thế của Huế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đáp ứng các nhu cầu của nhân dân, du khách. Vào năm 2017, Huế đã tổ chức phố Tây ở đường Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, chủ yếu phục vụ du khách ăn uống về đêm.
Tỉnh Quảng Nam xác định hoạt động dịch vụ du lịch về đêm sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch bền vững; tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần tạo diện mạo mới cho nông thôn, đô thị và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Quảng Nam đã chú trọng đầu tư và hình thành một số sản phẩm du lịch về đêm như:
Đêm phố cổ Hội An, các chương trình nghệ thuật đêm tại Khu vui chơi Vinpearl Land Nam Hội An, Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An, Hoi An Lune Center… mang lại những tín hiệu tích cực trong việc phát triển du lịch đêm. Việc này góp phần tạo điều kiện thuận lợi để một số ngành nghề truyền thống như may mặc, lồng đèn, tranh tre, dừa nước, dệt thổ cẩm có thêm cơ hội phát triển…
Nhiều chuyên gia kinh tế và du lịch đều cho rằng cần phải khuyến khích phát triển hoạt động kinh tế ban đêm tập trung tại một khu vực riêng của các địa phương để cơ quan nhà nước dễ dàng kiểm soát về an ninh và không làm ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của người dân (ô nhiễm tiếng ồn, rác thải sinh hoạt...). Tuy nhiên, các địa phương cần đảm bảo thuận lợi về giao thông, trong phạm vi trung tâm du lịch. Các mô hình trung tâm kinh tế ban đêm khi triển khai cần có sự kết nối với các điểm mua sắm, ẩm thực, chương trình vui chơi giải trí khác để du khách có thể sử dụng được nhiều loại hình dịch vụ...
Vui chơi, giải trí về đêm là nhu cầu chính đáng của khách du lịch, nhất là với khách quốc tế. Việc đảm bảo để các hình thức này phát triển an toàn, có hiệu quả cao chính là góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo văn hóa Việt Nam, tạo cơ sở xây dựng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách, tăng khả năng cạnh tranh của du lịch nước ta trong tương lai.