Theo đó, 12 tuyến du lịch đi bộ trong rừng này sẽ nằm chủ yếu tại 3 huyện Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân. Trong đó tại địa bàn huyện Bá Thước có 4 tuyến gồm: Tuyến trekking đỉnh Pù Luông (1.700m); Tuyến trekking mạo hiểm Hòn Con Sói; Tuyến trekking đỉnh Pù Luông - Hòn Con Sói; Tuyến trekking cung đường di sản Pù Luông (Tuyến liên huyện Bá Thước - Quan Hóa).
Huyện Quan Hóa có 3 tuyến: Tuyến trekking đỉnh Pù Hu (1.440m); Tuyến trekking Cây di sản Chò Xanh; Tuyến trekking đỉnh Pù Hu - Cây di sản Chò xanh.
Huyện Thường Xuân có 5 tuyến: Tuyến trekking đỉnh Pù Gió (1.600m); Tuyến trekking thăm cây di sản Pơmu, Sa mu; Tuyến trekking ngắm Voọc xám và Vượn đen má trắng; Tuyến trekking ngắm Voọc xám, Vượn đen mà trắng và thăm cây di sản Pơ mu, Sa mu; Tuyến trekking Đỉnh Pù Xèo - Thác 7 tầng - Di tích lịch sử Hội thề Lũng Nhai.
Ngoài các tuyến du lịch trên, các tour trekking còn được thiết kế dựa trên nhu cầu, sở thích của khách du lịch.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các địa phương tiếp tục chủ động tổ chức các hoạt động khảo sát, thiết kế, xây dựng thêm các tuyến trekking mới trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh. Trong đó cần tập trung tăng tính trải nghiệm, sự mạo hiểm, khám phá trong mỗi cung đường trekking, song cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.
Từ đó tăng cường quảng bá, xúc tiến, liên kết tour, tuyến du lịch, đưa khách du lịch về với các huyện miền núi; hỗ trợ bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ hướng dẫn du lịch, đặc biệt là kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng sinh tồn... đối với hướng dẫn viên của các tour du lịch mạo hiểm, tour đi bộ trong rừng.
Đặc biệt, cần chú trọng làm tốt công tác quản lý, giám sát và bảo vệ tài nguyên rừng và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Khẩn trương rà soát, bổ sung các biển hướng dẫn nội quy, quy chế trong rừng, đặc biệt trên các cung đường trekking; truyền tải thông điệp của du lịch Thanh Hóa đến du khách: "Không mang gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”.
Khu vực các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng, cảnh quan thiên nhiên đẹp. Với những dòng suối trong veo, thác nước hùng vĩ nằm ẩn mình giữa các khu bảo tồn thiên nhiên, rất phù hợp để hình thành những cung đường trải nghiệm từ ngắn ngày, dễ đi, đến những cung đường dài ngày, nhiều thử thách.
Bên cạnh đó, miền núi Thanh Hóa là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú, Thổ. Từ tiềm năng to lớn đó, cùng với thành công của các giải chạy Marathon xuyên rừng Pù Luông và hiệu ứng du lịch cộng đồng miền Tây thời gian qua, là những điều kiện lý tưởng để tỉnh Thanh Hóa phát triển loại hình du lịch đi bộ trong rừng - trekking tour.
Trong khuôn khổ lễ công bố, các đại biểu cùng đại diện doanh nghiệp lữ hành và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch sẽ có hoạt động khảo sát thực tế, trải nghiệm tuyến trekking chinh phục đỉnh Mũi Giáo (Bá Thước) trong chiều 7/12.