Làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) là một trong hai điểm du lịch cộng đồng đạt OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Ngãi. Làng nằm trên núi đá ven biển với diện tích khoảng 105 ha với 83 hộ dân sinh sống. Đến Gò Cỏ, du khách không chỉ được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa bản địa, hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, bình yên, mà còn có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống và phong tục của người dân bản địa như: trải nghiệm làm gốm, trồng lúa, làm muối, đánh bắt cá.
“Đến Gò Cỏ, tôi không chỉ được tận hưởng không gian bình yên, mộc mạc của làng quê vùng biển mà còn khám phá, tìm hiểu về nền văn hóa Champa cổ xưa. Ngoài ra, trong quá trình tham quan, trải nghiệm nghề của người dân nơi đây như làm muối, làm gốm thì tôi cũng mua được những sản phẩm độc đáo như bộ bình trà bằng đất sét nung và những hũ muối đạt OCOP của địa phương”. Chị Thới Thị Huệ, đến từ thành phố Đà Nẵng, cho hay.
Chị Bùi Thị Ánh, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, cho biết, làng Gò Cỏ thường xuyên đón tiếp du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ngoài giới thiệu đến du khách những nét đẹp văn hóa truyền thống của làng, hợp tác xã cũng chú trọng giới thiệu thế mạnh của làng về ẩm thực sản phẩm OCOP đặc trưng như muối, nước mắm, tinh bột nghệ,...có tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong, cho biết: Hợp tác xã có 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; trong đó, có 1 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm 3 sao. Trước đây, các sản phẩm do Hợp tác xã làm ra chủ yếu bán tại địa phương. Nhưng từ ngày Hợp tác xã đăng ký trở thành điểm tham quan cho du khách thì các sản phẩm được nhiều người biết đến và đặt mua hơn, đặc biệt là những khách hàng ngoài tỉnh. Người dân và du khách khi đến thăm quan Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận du khách không chỉ được trải nghiệm quá trình sản xuất, chế biến các loại nấm mà còn được tự tay hái nấm, thưởng thức các món ăn, thức uống từ nấm.
Ông Võ Việt Cường, Trưởng phòng Văn Hóa – Thông Tin huyện Mộ Đức, cho biết, để tăng cường kết nối việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, huyện Mộ Đức đã hướng dẫn các chủ thể OCOP đăng ký trở thành điểm đến thăm quan cho du khách; huyện cũng chú trọng tập huấn cho các chủ thể cách đón tiếp, giao tiếp cùng du khách, xây dựng gian hàng OCOP và khuyến khích các chủ thể đưa sản phẩm nông sản đặc trưng và sản phẩm có tiềm năng của địa phương trưng bày tại các điểm du lịch.
Tính đến tháng 12/2024, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 213 sản phẩm đạt OCOP; trong đó, có 17 sản phẩm đạt 4 sao và 196 sản phẩm đạt 3 sao. Có 130/213 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh; 13 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, cho biết, việc lồng ghép phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân và cộng đồng như khai thác, bảo tồn bản sắc văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân và gắn với phát triển du lịch bền vững.
“Thời gian đến, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục tạo sự gắn kết giữa sản phẩm OCOP với du lịch nông thôn. Tổ chức các lớp đào tạo cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, các chủ thể OCOP nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo. Đồng thời, xây dựng câu chuyện, thương hiệu cho từng điểm đến để tránh trùng lặp, tạo sự hấp dẫn cho du khách”, ông Dũng, nhấn mạnh.