Các doanh nghiệp tiếp tục “ngủ đông”
Chị Phạm Thanh Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội), gia đình có kế hoạch đi du lịch Sa Pa (Lào Cai) sau tết kết hợp đi lễ. Nhưng do tình hình dịch COVID-19 nên cảm thấy không an tâm nên tạm dừng lùi chương trình đi chơi đến hè.
Đây cũng là tâm lý chung của nhiều khách hàng khi lựa chọn đi du lịch thời điểm này. Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng cho biết: Từ cuối tháng 1/2021 gần như tất cả các doanh nghiệp lữ hành không tổ chức tour để thực hiện phòng dịch. Một số nơi vẫn tổ chức đón khách là do khách tự đi theo nhóm nhỏ. Một số điểm điểm du lịch cộng đồng do Hội Du lịch cộng đồng hỗ trợ tại Sơn La, Quảng Ninh… cũng đã tạm dừng triển khai.
Còn ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện) Việt Nam, Giám đốc Công ty du lịch và sự kiện VPlus dự báo: Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát thì đến tháng 3 và tháng 4/2021, hoạt động du lịch sẽ khởi động lại. Khi khởi động lại hoạt động du lịch thì yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu.
Trong khi đó, theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tất cả các tour đón khách quốc tế tiếp tục hủy đến hết quý II năm nay. Tour cho quý III và quý IV đang trong tình trạng treo. Một số đơn vị đang dần phải trả lại tiền đặt cọc cho khách vì thời gian chờ quá lâu.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, đợt dịch COVID-19 lần thứ ba bùng phát từ cuối tháng 1/2021 khiến hàng loạt khách du lịch lại hủy tour dịp Tết Nguyên đán và sau Tết, có khách còn hủy cả tour khởi hành tháng 3, tháng 4 khiến doanh nghiệp du lịch khó khăn hơn.
Theo Trung tâm Thông tin Du lịch (Tổng cục Du lịch), Hội đồng chuyên gia của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vừa có đánh giá chỉ số lòng tin vào du lịch rất thấp. Dù vaccine phòng COVID-19 đã được đưa vào sử dụng ở một số nước nhưng tốc độ triển khai chậm hơn dự kiến. “Do đó, du lịch mảng du lịch quốc tế sẽ khó có thể khởi động vào cuối năm 2021. Năm nay, ngành du lịch sẽ chỉ trông chờ nhiều vào du lịch nội địa”, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên phong cho biết.
Chuẩn bị nền tảng số và khai thác thị trường nội địa
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Năm 2020, lượng khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch đến Hà Nội chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2019, nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành, lưu trú, vận chuyển bị thiệt hại phải tạm dừng hoặc không hoạt động.
Do đó, năm 2021, ngành Du lịch Hà Nội tiếp tục tập trung nguồn lực vào thúc đẩy thị trường nội địa; trong đó chú trọng tuyên truyền quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông; xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch mới kích cầu du lịch nội địa; tập trung xây dựng, triển khai các chuỗi sự kiện lễ hội du lịch đặc sắc, nổi bật về ẩm thực, lễ hội áo dài..
“Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tập trung chuyển đổi số, liên kết dữ liệu các điểm đến trên địa bàn để du khách cập nhật thông tin chi tiết và có hướng dẫn trải nghiệm”, bà Đặng Hương Giang cho biết.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Anh cho biết: Trong thời gian nghỉ dịch, đơn vị tập trung xây dựng nền tảng số phục vụ tạo dựng sản phẩm, quảng bá điểm đến như chương trình chạy trực tuyến Vrun với hơn 5.000 user (người đăng ký) và xây dựng nền tảng chợ vé đăng ký vé tham quan, vé sự kiện, voucher, combo tại Vticket.vn sẽ ra mắt trong thời gian tới.
Còn ông Phạm Hải Quỳnh cho biết: “Các đơn vị đều xác định công nghệ thông tin có vai trò quan trọng bởi liên quan đến dữ liệu khách hàng. Thực tế, các doanh nghiệp du lịch mới chỉ khai thác 30% tính năng của phần mềm đã được triển khai. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang rất cần dữ liệu quảng bá điểm đến và dịch vụ từ các địa phương. Để làm việc này cần có vai trò của “thuyền trưởng” là Tổng cục Du lịch”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới, thời gian tới, trong ngắn hạn, thị trường nội địa vẫn sẽ là hướng khai thác chủ đạo. Tổng cục Du lịch tập trung vào công tác chống dịch, đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch, đặt an toàn của du khách, người dân, người lao động du lịch lên trên hết. Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch các địa phương, khai thác hiệu quả thị trường nội địa, chú ý phát triển các điểm đến mới đang có dư địa phát triển, có sản phẩm du lịch hấp dẫn, từ đó làm động lực lan tỏa ra các khu vực, địa phương khác. Ngành du lịch đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh; Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch; Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để kịp thời khai thác có hiệu quả thị trường khách quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu….
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng chỉ đạo Tổng cục Du lịch triển khai lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và phát triển trong tình hình mới.