Theo đó, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long được định hướng phát triển trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu.
Từ lợi thế, để du lịch nông nghiệp, nông thôn của vùng phát triển hiệu quả hơn, luôn “níu chân” du khách, cần đánh giá đúng những sản phẩm đang tạo sức hút, những tồn tại và có các giải pháp phát triển toàn diện, khả thi. Nhóm phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này qua ba bài viết chủ đề: Để du lịch nông nghiệp, nông thôn “níu chân” du khách.
Bài 1: Sức hút riêng
Nằm ở phía Nam đất nước, Đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh là vựa lúa, vựa trái cây, thủy sản của cả nước. Nắm bắt lợi thế, từ các mô hình sản xuất nông nghiệp, hoạt động sản xuất làng nghề, nét văn hóa, đời sống cộng đồng người dân nơi miệt vườn, sông nước đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc.
Nhiều mô hình, điểm đến trải nghiệm
Du lịch nông nghiệp, nông thôn được hiểu là các hoạt động tham quan, trải nghiệm diễn ra vùng nông thôn, nơi có các hình thức sản xuất nông nghiệp như: trồng tỉa, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, chế biến thực phẩm hay làm nghề truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa ở làng quê, những nét văn hóa đặc trưng, đời sống cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Minh Tâm (thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, Hà Nội) có dịp đến Đồng Tháp, dự Lễ hội Xoài diễn ra vào cuối tháng 4. Chị chia sẻ, không thể quên cảm giác thú vị, thoải mái khi bước vào những vườn xoài trĩu quả, rợp mát. Chị được hướng dẫn cách chọn, hái trái xoài chín thơm, nghe người nông dân kể chuyện cây xoài cổ gắn bó với nhiều thế hệ trong gia đình, trải bao mùa mưa nắng vẫn cho trái sai, vị ngọt, nghe điệu hò Đồng Tháp thiết tha từ em gái miền Tây trong không gian làng quê thanh bình. Sau đó, đón làn gió mát ven sông Tiền, chị và mọi người cùng thưởng thức “chuyên đề” ẩm thực với loạt món ăn, đồ uống được chế biến từ trái xoài. Ấn tượng và rất hài lòng với những trải nghiệm, chị cùng nhiều người bạn đã hẹn dịp trở lại để trải nghiệm, khám phá nhiều hơn về vùng quê hiền hòa với những con người thân thiện, nhiệt tình.
Xuất phát từ những ngành hàng chủ lực của địa phương trong phát triển kinh tế nông nghiệp như ngành hàng xoài, hoa kiểng, sen, Đồng Tháp đã có nhiều điểm đến du lịch đặc sắc, đó là: Happyland Hùng Thy, Vườn kiểng Ngọc Lan, Khu Du lịch hoa kiểng Sa Đéc, cánh đồng hoa Hồng Sa Đéc, Ngôi nhà Hoa và Ếch ở thành phố Sa Đéc, những vườn xoài ở thành phố Cao Lãnh, vườn cam, quýt ở huyện Lai Vung nhãn ở huyện Châu Thành, cánh đồng sen hồng ở huyện Tháp Mười…Phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch gắn với giữ gìn tài nguyên bản địa, phát huy giá trị văn hóa của quê hương, tỉnh hiện có 65 điểm tham quan, du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, trải nghiệm làng nghề. Nhiều doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong tỉnh phối hợp với các công ty lữ hành, dịch vụ xây dựng, khai thác các chương trình tour hấp dẫn về thăm những làng quê yên bình Đồng Tháp. Đó là các chương trình: Trải nghiệm một ngày làm nông dân, trải nghiệm mùa nước nổi cùng ngư dân Đồng Tháp Mười, đi trong màu xanh của vườn cây trái, sắc xuân Đồng Tháp…
Cùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng đang phát triển một số sản phẩm du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn từ lợi thế 50km chiều dài sông Hậu và trên 70km bờ biển, các cù lao, vườn cây ăn trái, bãi bồi, hệ thực vật rừng ngập mặn ven biển. Ông Phạm Văn Đâu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin, tỉnh bước đầu hình thành các điểm tham quan tại một số nhà vườn ở các huyện Kế sách, Mỹ Tú, Cù Lao Dung. Du khách đến đây tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức đặc sản miền quê, cùng người dân giăng lưới, tát ao bắt cá, đến các bãi bồi, tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển.
Với Cần Thơ, thành phố trung tâm vùng, các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn được hình thành từ lợi thế hơn 60% diện tích là vùng nông thôn, bao quanh bởi những sông rạch rất đặc trưng, được mệnh danh là “đô thị sông nước”.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đào Thị Thanh Thúy cho biết, hiện nay, nhiều nhà vườn ở huyện Phong Điền và các quận Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt kết hợp sản xuất nông nghiệp và làm du lịch, đón du khách đến tham quan, trải nghiệm. Cần Thơ có trên 30 khu, điểm du lịch, khoảng 30 homestay và hai điểm du lịch cộng đồng là cồn Sơn, cù lao Tân Lộc, khai thác các sản phẩm, dịch vụ từ sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân. Thành phố có điểm đặc biệt là đô thị sông nước, hệ thống sông, rạch lớn nhỏ có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước ngọt, phù sa, cải tạo đất, điều hòa nhiệt độ lại vừa tạo nét đặc trưng cho cảnh quan.
Do đó, du khách đến Cần Thơ là đến với những trải nghiệm về các hoạt động sản xuất nông nghiệp như: nuôi cá, trồng cây ăn trái ở những nhà vườn, trên những cù lao giữa vùng sông nước, tìm hiểu văn hóa ẩm thực, các lễ hội truyền thống ở vùng đất Tây Đô. Chính sự đan xen giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa đô thị, trung tâm thương mại với những vùng sản xuất nông nghiệp (cánh đồng, vườn cây) được kết nối bằng những sông, rạch đang tạo nên nét riêng cho du lịch Cần Thơ.
Nét văn hóa sông nước, miệt vườn
Đề cập về sức hút và sự gắn kết giữa các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn với văn hóa bản địa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: làm du lịch không chỉ tạo ra sản phẩm để bán mà để “níu chân” du khách. Mỗi sản phẩm phải có cái hồn và cảm xúc, tạo sự khác biệt để du khách cảm nhận được những điều đặc biệt. Tức là, những sản phẩm nông nghiệp như cây sen, hoa kiểng, hạt lúa, hạt gạo, trái cây được nâng giá trị nhờ gắn kết với vốn văn hóa và lịch sử từng vùng quê.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy sản, trái cây lớn nhất của cả nước. Từ lợi thế này, nhiều sản phẩm du lịch được giới thiệu, mời gọi du khách trải nghiệm trong không gian làng quê, thể hiện bản sắc văn hóa người dân nơi sông nước, miệt vườn phương Nam qua thói quen canh tác, cách trang trí trong từng ngôi nhà, các vật dụng trong đời sống được làm từ những cây, quả quen thuộc, những loại hình nghệ thuật hay các đặc sản ẩm thực đậm dấu ấn văn hóa, sinh thái vùng miền.
Sinh sống tại thành phố Alkmaar (Hà Lan), có dịp trở về Việt Nam đi du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long, chị Nguyễn Kim Nga cho biết: Gia đình chồng của chị là người Hà Lan. Lần đầu tiên về Việt Nam, đến Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, thưởng thức những trái cây từ xứ sở nhiệt đới như sầu riêng, quýt đường, măng cụt, cả nhà đều khen ngon. Trên sông nước mênh mang hay khi về các miệt vườn, trong ngôi nhà giản dị của người dân được nghe đờn ca tài tử, những câu hò, điệu lý, dù không hiểu hết ý nghĩa lời ca nhưng chỉ qua giai điệu, cách trình diễn, mọi người đều tỏ ra rất thích thú, được khám phá về văn hóa, đời sống người dân Nam Bộ.
Phó Giáo sư Đào Ngọc Cảnh (Trường Đại học Cần Thơ) phân tích, sự phát triển mạnh của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa thúc đẩy du khách tìm về những khung cảnh hoang sơ với vẻ dẹp bình dị, không khí trong làn và giá trị văn hóa truyền thống vùng nông thôn. Từ các vườn cây ăn trái trù phú, nhiều hộ dân miệt vườn đồng bằng đã bắt tay làm du lịch với các sản phẩm du lịch như tham quan, thưởng thức trái cây tại vườn, mua trái cây và các sản phẩm từ trái cây, thưởng thức món ăn miệt vườn, tìm hiểu các giá trị văn hóa bản địa như nghe đờn ca tài tử, cải lương, tham quan di tích, lễ hội, tìm hiểu phong tục, tập quán. Đây là cách làm cần được phát huy.
Từ góc độ doanh nghiệp trực tiếp khảo sát, khai thác nhiều chương trình tour, trong đó có các hành trình về nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho hay: Những điểm đến thể hiện bản sắc văn hóa miệt vườn, sông nước của người dân Nam Bộ luôn được du khách trong nước và quốc tế hào hứng chào đón. Doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các dòng tour xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như: tour Sắc màu Khmer đi tuyến Trà Vinh - Vĩnh Long với các điểm quan quan vựa bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, chợ ở Vĩnh Long, Ao Bà Om, chùa Âng, Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer ở tỉnh Trà Vinh; tour Bến Tre - Trà Vinh đậm sắc màu làng quê Nam Bộ như thăm nhà cổ, bếp xưa Nam Bộ, trải nghiệm câu cua, học làm bánh xèo, đi xe lôi xe đạp trên đường làng trong vườn dừa hay hành trình đến các điểm tại tỉnh Đồng Tháp, tham quan vườn xoài Cao Lãnh, làng hoa Sa Đéc...
Bài 2: Tạo giá trị gia tăng