Nông dân bắt nhịp
Ông Lý Văn Bon (thường gọi là Bảy Bon, ở cồn Sơn, quận Bình Thủy, Cần Thơ) là người đã thành công với mô hình nuôi cá bè kết hợp làm du lịch. Ông cho biết: Là nông dân, tập trung sản xuất nông nghiệp, ban đầu, ông chỉ nuôi cá đơn thuần. Sau đó, ông đã kết hợp nuôi cá với làm du lịch. Với lợi thế các bè cá nằm trên dòng sông Hậu, điều kiện thời tiết mát mẻ, sông nước nên thơ, du khách tìm đến cồn Sơn, đến tham quan bè cá của ông Bảy Bon ngày càng nhiều. Đến đây, họ được chiêm ngưỡng rất nhiều loại cá, trong đó có những loại cá lạ từ tên gọi cho đến hình dáng như cá cóc, cá hô, cá bắn nước, cá tra dầu, cá tra cờ, cá hú, cá chốt chuột, cá trà sóc… Để đa dạng trải nghiệm cho du khách, ông Bảy Bon còn thiết kế bè cá kết hợp với các tiểu cảnh chậu hoa, mái che lá dừa, thuyền làm từ vỏ chai nhựa tạo cảnh quan, thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh.
Ông Bảy Bon chia sẻ, trước đây, nhiều nông dân ở cồn Sơn chưa hiểu nên lo lắng việc đưa khách đến tham quan, chụp hình sẽ dễ làm cá chết, cây chết, không đậu quả. Suy nghĩ đó giờ đây không còn nữa. Gia đình ông trước chỉ nuôi cá để bán chứ chưa kết hợp làm du lịch, khâu tiêu thụ có những lúc gặp khó khăn do chưa có nhiều thị trường, phụ thuộc vào thương lái. Bây giờ, nhờ kết hợp với phát triển du lịch, nhiều du khách sau khi tham quan, chứng kiến cách trồng cây ăn trái, nuôi cá đã tự tìm đến mua sản phẩm nông nghiệp của người dân ngay tại vườn, bè cá. Nông dân không tốn thêm chi phí vận chuyển, không phải thông qua thương lái dễ bị “ép giá” mà còn có thêm thu nhập từ các dịch vụ, sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Nuôi cá kết hợp làm du lịch, mỗi năm, ông Bảy Bon đón khoảng 7.000 lượt khách đến tham quan, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động địa phương.
Từ Cà Mau - địa đầu cực Nam trên đất liền Tổ quốc, ông Trần Thanh Liêm, chủ Vườn sinh thái Ba Liêm (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) cho biết: Gia đình ông trồng trên 100 gốc dâu Cái Tàu (đặc sản của vùng đất U Minh) và dâu xanh. Khi chín, những chùm quả dâu có màu vàng, bề mặt quả mịn bóng trông rất “bắt mắt”, thu hút du khách đến tham quan, chụp hình và thưởng thức trái cây. Đa dạng sản phẩm, ông Liêm còn trồng hàng trăm cây ăn quả các loại khác như sầu riêng, đu đủ, chôm chôm, măng cụt, mít Thái, vú sữa. Nhờ vậy, thời điểm nào trong năm, du khách đến cũng thể thưởng thức những trái cây chín đúng vụ thu hoạch.
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Vườn sinh thái Ba Liêm đón gần 2.000 du khách tới tham quan, thưởng thức vị ngọt xen lẫn chua thanh của trái dâu Cái Tàu, ghi lại những hình ảnh đẹp trên con đường trong khu vườn ngập tràn sắc vàng của những chùm dâu chín, nếm thử trái dâu Cái Tàu vị ngọt xen lẫn chua thanh, câu cá, thưởng thức những món ăn đặc sản từ vùng rừng U Minh, mang đậm nét văn hóa ẩm thực dân dã, sáng tạo của người dân đất rừng phương Nam như cá nướng trui, bánh xèo cuốn rau rừng...
Một số chuyên gia đã nêu kết quả khảo sát, hiện nay, trong tổng thu nhập của người dân nông thôn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm trên 70%. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, biến động thị trường, biến đổi khí hậu, cần đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trong đó phát triển du lịch là hướng đi giúp nhiều vùng nông thôn “thay áo mới”, rút ngắn khoảng cách với thành thị. Khi kết hợp sản xuất với điểm tham quan, du lịch, trải nghiệm, chủ các nhà vườn có thể tăng lợi nhuận lên gấp 2 - 3 lần so với chỉ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định: Du lịch nông nghiệp, nông thôn đang góp phần chuyển dịch cơ cấu nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững, từng bước nâng cao đời sống người dân nông thôn, thiết thực xây dựng nông thôn nới. Hiện nay, cả nước có trên 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn hoạt động hiệu quả, trong đó có nhiều mô hình ở Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Bà Đào Thị Thanh Thúy Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ cho biết: Tại thành phố, du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển đã tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời cải thiện hạ tầng nông thôn, đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới và đóng góp vào tổng doanh thu của ngành Du lịch thành phố. Riêng trong quý 1/2023, du lịch Cần Thơ đón trên 1,5 triệu lượt du khách tăng 76% so cùng kỳ năm 2022. Hầu hết du khách đều chọn đến trải nghiệm tại các điểm du lịch sinh thái, nông nghiệp, chợ nổi…
Quảng bá, mở rộng tiêu thụ đặc sản
Phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn tạo ra những lợi ích “kép” cho cả ngành Nông nghiệp và Du lịch, đem lại giá trị gia tăng cho nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Một mặt, du lịch phát triển tạo điều kiện để hình thành nhiều sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp, đời sống nông thôn. Mặt khác, du lịch góp phần quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ nông sản, đặc sản.
Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn nhận định, nhiều đặc sản hay sản phẩm từ chương trình OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đã tạo được lợi thế so sánh, phát huy giá trị văn hóa vùng, miền để tích hợp “đa giá trị”, tạo sự gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng, tỉnh có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trên 20 điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đang khai thác nhiều sản phẩm du lịch gắn với đời sống người dân, những nét văn hóa làng quê với nghề truyền thống đặc trưng, đồng thời giới thiệu nhiều đặc sản từ hoạt động sản xuất nông nghiệp dựa trên hệ sinh thái đất ngập ngọt, ngập mặn mặn đang là điểm nhấn, thế mạnh của du lịch Cà Mau.
“Cà Mau đã có 128 sản phẩm của được công nhận là sản phẩm OCOP. Tỉnh xây dựng nhiều điểm dừng chân, điểm giới thiệu, bán các đặc sản sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, quà lưu niệm, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm và mua sắm đặc sản của du khách. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, tăng cường quảng bá đến du khách, giá trị sản phẩm và doanh thu của nhiều cơ sở bán đặc sản khô cá, bánh phồng tôm, bánh phồng sò huyết, tôm khô…tăng khoảng trên 30% so với trước khi được công nhận là sản phẩm OCOP” - đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, thành phố có 92 sản phẩm, đặc sản được gắn sao OCOP. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn liền với nét văn hóa đặc trưng vùng sông nước đang góp phần tạo dựng hình ảnh du lịch Cần Thơ hấp dẫn hơn. Thông qua các hoạt động du lịch, giới thiệu đến du khách các đặc sản, sản phẩm OCOP từ các quận, huyện là một trong những con đường tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đang được Cần Thơ đẩy mạnh thực hiện.
Ông Lý Tiền Nghĩa, đại diện chủ thể sản phẩm trà 5 thứ đậu Thuận Hòa, ngũ cốc Thuận Hòa… đã được gắn sao OCOP cho biết: các sản phẩm này đang được giới thiệu, bày bán tại Hợp tác xã du lịch nông nghiệp cồn Sơn (quận Bình Thủy, Cần Thơ). Du khách đến cồn Sơn tham quan, được tìm hiểu nguồn nguyên liệu, cách chế biến, công dụng và có thể nếm thử sản phẩm nên rất tin tưởng. Theo ông Nghĩa, tiếp cận thị trường từ các điểm du lịch là một trong những kênh quảng bá khá hiệu quả. Sắp tới, ông tiếp tục đưa sản phẩm đến trưng bày tại Làng Du lịch Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, Cần Thơ), góp phần giới thiệu đến du khách thêm nhiều đặc sản của vùng đất Tây Đô.
Bài cuối: Xây dựng, khẳng định thương hiệu