Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh chịu thiệt hại rất nặng nề. Theo thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, lượng khách quốc tế đến TP trong 10 tháng qua chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm 81% so với cùng kỳ; khách trong nước cũng giảm mạnh nên doanh thu du lịch chỉ được hơn 66.000 tỉ đồng, giảm hơn 45% so với cùng kỳ.
Cho đến thời điểm này, rất nhiều công ty lữ hành, khách sạn, gồm cả những nơi có quy mô lớn, vẫn đang hoạt động cầm chừng và thiếu vốn; nhưng để tiếp cận các gói vay ưu đãi lại gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết, các quy định để vay vốn, nhận hỗ trợ khó khăn do COVID-19 chưa phù hợp với thực tế là nguyên nhân của tình trạng này. Cụ thể, một trong những điều kiện doanh nghiệp được vay để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động là phải chứng minh đã cho ít nhất 50% nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp chỉ cho người lao động tạm nghỉ việc không hưởng lương chứ không cắt hợp đồng và bảo hiểm để giữ nguồn lực cũng như quyền lợi cho người lao động. Ngoài ra, các quy định để nhân viên ngành du lịch nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội cũng rườm rà; có những người phải làm rất nhiều thủ tục để chứng minh không có thu nhập tại TP Hồ Chí Minh và không nhận trợ cấp tại địa phương thì mới nhận được hỗ trợ...
"Trong đợt 1, có chưa đến 20 doanh nghiệp lữ hành được hưởng chính sách từ Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước về gói hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19. Đối với lao động là hướng dẫn viên du lịch, chỉ có 436 người được nhận hỗ trợ. Từ những khó khăn trên, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh để cơ quan này chuyển ý kiến lên các cấp cao hơn và đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ mới cho doanh nghiệp cùng người lao động du lịch ở thành phố trong mùa dịch bệnh", bà Ánh Hoa cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Sở cũng đang trình gói hỗ trợ lần 2 cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch của TP Hồ Chí Minh nói riêng. Ngoài ra, Sở cũng đề nghị cho doanh nghiệp lữ hành được vay 50% tiền ký quỹ để có thêm vốn xoay xở lúc khó khăn. "Theo Luật Du lịch, doanh nghiệp lữ hành đưa khách Việt Nam đi nước ngoài phải ký quỹ 500 triệu đồng, đưa khách quốc tế đến Việt Nam phải ký quỹ 250 triệu đồng và tổ chức tour cho khách Việt đi trong nước phải ký quỹ 100 triệu đồng. Nếu kinh doanh cả ba mảng, tiền ký quỹ cũng là 500 triệu đồng. Vì vậy, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tính toán các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có chính sách giảm 80% tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành mới", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết.