Du lịch cộng đồng đang được nhìn nhận như là một trong những động lực góp phần phục hồi yếu tố văn hóa dân tộc tại nhiều bản làng cũng như cách xóa đói nghèo hiệu quả. Tuy nhiên, để phát triển du lịch cộng đồng theo đúng nghĩa đang cần sự vào cuộc của các cấp quản lý, doanh nghiệp và người dân.
Cần lựa chọn những bản làng đặc sắc
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 3/4 diện tích cả nước, dân số khoảng 20 triệu người sống xen kẽ, mỗi dân tộc có phong tục tập quán riêng, bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa đậm đà bản sắc, tạo sức hút với du khách. Mọi người đều nhìn thấy tiềm năng này, nhưng để biến nó thành hiện thực là cả một quá trình.
Bản Lác - Bản làm du lịch cộng đồng có thương hiệu tại Mai Châu (Hòa Bình). |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), cho biết: Dễ nhận thấy các điểm du lịch cộng đồng đều nằm ở các vùng đi lại còn khó khăn; nên muốn phát triển thì phải có quy hoạch để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Tiếp đến là nâng cấp hệ thống hạ tầng và có hướng đào tạo nguồn nhân lực để nắm bắt nhu cầu phục vụ khách. Để làm được điều này, Nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và sự tham gia của người dân.
Hiện nay, nước ta vẫn chưa có quy định thống nhất về loại du lịch nên việc thống kê hiện trạng phát triển và đánh giá rút kinh nghiệm chưa thực hiện thống nhất. Ở các địa phương, loại hình du lịch này đang phát triển dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoặc do cộng đồng dân cư tự tổ chức trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng: Muốn phát triển du lịch thì phải kết nối được doanh nghiệp lữ hành từ Hà Nội, vì họ mới là đơn vị trực tiếp đưa khách đến với cộng đồng. Nhà nước chỉ là đơn vị quản lý, hỗ trợ về mặt chính sách, thu hút đầu tư và đảm bảo lợi ích cộng đồng. Khi phát triển loại hình này cần có sự phân chia hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và cộng đồng. Có một thực tế là du lịch cộng đồng không hướng vào số đông mà hướng đến nét đặc thù của từng dân tộc theo hướng bảo tồn tính nguyên vẹn.
Đại diện Sở VH,TT&DL Hòa Bình cũng thẳng thắn cho rằng: Không phải bản làng nào cũng phát triển được du lịch cộng đồng. Nó gồm nhiều yếu tố tổng hòa từ môi trường cảnh quan, bề dày lịch sử và có những nét đặc sắc riêng. Miền Bắc có du lịch cộng đồng Sa Pa (Lào Cai) phát triển khá mạnh và được coi là tiêu biểu. Nhưng trước khi nhắc về du lịch cộng đồng thì người ta biết đến Sa Pa là điểm nghỉ dưỡng có khí hậu ôn đới. Du lịch cộng đồng chỉ là nhánh mới phát triển nhưng khai thác khá hiệu quả.
Để người dân là chủ thể
Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Tầm nhìn Việt: Du lịch cộng đồng chủ yếu hấp dẫn khách phương Tây với mong muốn trải nghiệm sự khác biệt văn hóa. Họ rất thích được giao tiếp với người bản xứ và ở cùng với người dân. Để làm du lịch cộng đồng trước tiên phải có hệ thống vệ sinh sạch sẽ, còn bảo lưu những yếu tố gốc của bản sắc văn hóa, luôn mỉm cười thân thiện với du khách... Việc hình thành các kỹ năng phục vụ du lịch không thể một sớm một chiều nhưng các doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ, cùng làm với người dân để nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Dương Xuân Tráng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Mai Phượng Vy: Các doanh nghiệp lữ hành rất mong cùng địa phương phát triển du lịch cộng đồng. Trước tiên là cần có quy hoạch và công khai điểm nào phát triển du lịch cộng đồng. Vì trên thực tế có một số bản làng ở Tây Bắc có giới thiệu phát triển du lịch cộng đồng nhưng khi khách tới thì bị lực lượng chức năng ở địa phương kiểm tra giấy tờ không cho vào. Cho nên trước tiên cần có quy hoạch và tạo điều kiện thủ tục để khách đến, sau đó là cả chuỗi vấn đề liên quan đến hợp tác, đào tạo, phát triển sản phẩm. |
Muốn phát triển du lịch cộng đồng, người dân phải đóng vai trò là chủ thể của sản phẩm du lịch. “Trên thực tế, khi triển khai dự án điểm du lịch cộng đồng thì khó khăn nhất chính là ý thức của người dân”, đại diện Sở VH,TT&DL Lạng Sơn và Hà Giang cùng chung nhận xét. Ngay như Hà Giang sau khi được công nhận là thành viên Công viên Địa chất toàn cầu đã thu hút khá đông khách du lịch và có quy hoạch 75 làng bản phát triển du lịch cộng đồng nhưng thực tế những bản làng này chưa phát triển du lịch cộng đồng theo đúng nghĩa. Khách chỉ ghé vào tham quan rồi lại đi nên hiệu quả về kinh tế du lịch chưa cao.
Ông Mai Tư, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tỉnh cũng có quy hoạch 10 làng bản phát triển du lịch cộng đồng, nhưng trên thực tế có bản cả năm chỉ có 1-2 đoàn khách đến. Do đó, vấn đề quan trọng khi quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng là phải có khách đến thường xuyên. Muốn vậy, cần có sự vào cuộc của doanh nghiệp và tạo thành điểm nhấn thu hút khách. Cho nên khi chọn bản làng phát triển du lịch cộng đồng không nhất thiết chọn số lượng, bởi tuy ít nhưng dễ tập trung nguồn lực đầu tư. Trên thực tế điểm du lịch cộng đồng thực sự là điểm nhấn khi gắn với môi trường, lịch sử và người dân có ý thức làm du lịch sẽ dễ hút khách hơn. Chính vì vậy, trong chiến lược quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, thời gian tới Thanh Hóa sẽ gắn địa danh có sẵn như thành nhà Hồ, thành Lam Kinh, suối cá Cẩm Lương.
Đại diện Sở VH,TT&DL Hòa Bình cũng thừa nhận, hiện tỉnh có 2 điểm du lịch cộng đồng là Bản Lác (Mai Châu) và bản Giang Mỗ (TP Hòa Bình) phát triển hơn chục năm nay bắt nguồn từ chính việc người dân và doanh nghiệp lữ hành “bắt tay nhau” làm du lịch. Kiểu làm du lịch từ “dưới lên”, ban đầu là tự phát, nên họ dần tích luỹ kinh nghiệm và có những thay đổi hợp với nhu cầu của khách như cùng góp công tu sửa hệ thống hạ tầng trong thôn bản; xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ, đầu tư khung dệt để khôi phục nghề thủ công truyền thống. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang triển khai điểm du lịch cộng đồng tại xã Phong Phú (huyện Tân Lạc) nhưng làm theo kiểu “từ trên xuống” thì việc đầu tiên là phải tạo cho dân có ý thức về làm du lịch. Cấp ủy, chính quyền họp dân để thay đổi nhận thức, từ vệ sinh môi trường, bảo tồn giá trị truyền thống, có sự hỗ trợ Nhà nước về hạ tầng, sự tham gia của doanh nghiệp, đến nay, các đoàn khách quốc tế đã đến đều đặn hơn.
Vai trò người dân trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng cần được tôn trọng vì họ chính là chủ thể thu hút khách đến và nếu có được kỹ năng làm du lịch thì chính họ sẽ tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc.
Xuân Cường