Ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai cho biết: Du lịch cộng đồng đã có từ cách đây hơn chục năm nhưng chỉ thực sự sôi động vài năm lại đây với chương trình biến “Di sản thành tài sản” và “mỗi cộng đồng, mỗi làng bản có một sản phẩm mang tính đặc sản giúp người dân xóa đói giảm nghèo”.
Với phương châm “Lấy văn hóa dân tộc là nền tảng và kim chỉ nam cho việc tạo ra các thế mạnh, các sản phẩm du lịch, đồng thời gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số để thu hút khách du lịch”, từ năm 2005, Lào Cai đã triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng tại một số làng như: Xã Bản Hồ (tiêu điểm là thôn Bản Dền), xã San Sả Hồ (tiêu điểm là thôn Cát Cát), huyện Sa Pa. Tại đây, bên cạnh dịch vụ nhà nghỉ (homestay) tại bản, người dân còn phát triển các dịch vụ khác như: Nấu ăn cho khách, bán đồ uống, hướng dẫn khách, mang vác đồ, xe ôm, biểu diễn ca múa dân tộc, bán các đồ lưu niệm… Từ khi du lịch cộng đồng phát triển ở hai xã, đời sống người dân nâng lên đáng kể, họ đã ý thức được tầm quan trọng của vốn di sản văn hóa bản địa trong tiến trình phát triển du lịch tại bản làng. Chương trình: “Biến di sản thành tài sản” hay nói cách khác là: “Khai thác các giá trị văn hóa, di tích, di sản thành sản phẩm du lịch” đã đạt được thành công và hiệu quả nhất định. Nhiều điểm du lịch cộng đồng mới được xây dựng đã có hiệu quả cao như ở Tả Van Chư (Bắc Hà), Cát Cát (Sa Pa), Cao Sơn (Mường Khương).
Thông qua việc bảo tồn, khai thác, phát triển văn hóa dân tộc đã tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù. Trước tiên là sản phẩm Du lịch cộng đồng với dịch vụ chủ yếu là lưu trú tại gia (homestay). Tại Sa Pa, Lào Cai, mỗi bản làng, mỗi dân tộc đều khai thác và phát huy bản sắc văn hóa riêng để phát triển du lịch. Dân tộc Dao Đỏ (xã Tả Phìn) đã biết khai thác vốn tri thức dân gian trong việc chữa bệnh và đã phát triển thành thương hiệu “tắm lá thuốc dân tộc Dao Đỏ - Tả Phìn”; biết cách khai thác văn hóa vật chất trên trang phục của mình tạo thành sản phẩm thủ công thêu tay rất độc đáo. Người dân tộc Tày (xã Bản Hồ) biết khai thác văn hóa vật chất nhà cửa với kiến trúc nhà sàn phát triển thành dịch vụ nhà nghỉ. Người dân nơi đây đã phục dựng nhiều tiết mục văn hóa văn nghệ phục vụ du khách, lưu diễn trong và ngoài nước. Một số hộ như gia đình ông Đào A Son, bản Dền còn phát triển thêm dịch vụ du khách trực tiếp câu cá tại ao cá của gia đình và tự xuống bếp chế biến món ăn.
Tiếp đó, các đơn vị lữ hành tổ chức các tuyến, điểm du lịch cộng đồng tạo ra các sản phẩm: Tuyến đi bộ hấp dẫn ở Sa Pa (Trekking tours) với 8 điểm và 12 tuyến du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch chợ văn hóa dân tộc đã làm phong phú sinh hoạt văn hóa chợ và trở thành các sản phẩm du lịch. Phiên chợ vùng cao ngoài mục đích mua bán hàng hóa, còn là ngày hội văn hóa rất đặc sắc, sản phẩm du lịch ruộng bậc thang với các tour tham quan ruộng bậc thang, chương trình tour cho du khách tham gia trải nghiệm hoạt động nông nghiệp trên các thửa ruộng bậc thang... Sản phẩm du lịch làng nghề chủ yếu tại Sa Pa và Bắc Hà có nhiều tiềm năng để phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch như sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc, mây tre đan, rèn đúc, nấu rượu… được nhiều du khách tìm đến chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn.
Thực tế cho thấy, hơn 70% số du khách quốc tế đến Lào Cai (đặc biệt là Sa Pa) có nhu cầu đi du lịch các bản, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ khi áp dụng chương trình “Biến di sản thành tài sản” để phát triển du lịch, các điểm du lịch cộng đồng đã có sức thu hút khách khá đông. Lượng khách du lịch đến Lào Cai năm 2010 tăng gấp 1,7 lần so với năm 2005.
“Mỗi cộng đồng, mỗi làng bản đều có bản sắc văn hóa dân tộc, đều có đặc sản, cái chính là chúng ta phải đánh thức để trở thành hàng hóa, xóa đói giảm nghèo. Trước đây, chúng ta quan niệm muốn xóa đói giảm nghèo cho người dân phải đưa giống cây mới, lúa mới, giống con mới vào sản xuất. Đấy cũng là một xu hướng và đã thành hiện thực vì hiện nay ở vùng cao, giảm được nghèo là nhờ giống mới. Nhưng muốn làm giàu phải phát huy cây con đặc sản. Ví như khi 26 hộ người Dao bảo tồn được rượu Sán Lùng ở thôn Sán Lùng thì tất cả 26 hộ đều rất giàu. Hoặc người dân ở 4 xã của Mường Khương họ trồng đặc sản gạo Xén Cù thì mỗi một cân gạo Xén Cù đắt gấp 3- 4 lần gạo thường. Hoặc như rượu Bắc Hà, thổ cẩm đồng bào dệt, hoặc món ăn, những loại rau do đồng bào trồng như cải người Mông, gà đen, thịt trâu khô, thắng cố rất được du khách ưa chuộng. Nên tìm bản sắc các dân tộc, khơi dậy lên thành hàng hóa là hướng phát triển”, ông Sơn cho biết.
Xuân Cường