Lẽ tất yếu, ngành du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng, nhiều đoàn khách hủy tour, hoãn chuyến, song các doanh nghiệp kinh doanh du lịch bĩnh tĩnh ứng phó, tìm nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho khách và vượt qua khó khăn.
Nhiều đoàn khách hủy hoãn tour
Thời điểm này, đa phần khách đi du lịch dịp Tết Nguyên đán và sau Tết đã hoàn tất việc đặt tour, chỉ chờ ngày lên đường. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình du lịch có nhiều biến động và đã khởi sắc trở lại vào dịp cuối năm. Theo đánh giá của các công ty du lịch, dịp này lượng khách đã tăng trở lại, thậm chí thị trường khách nội địa còn cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, ngay khi có thông tin dịch COVID-19 bùng phát ở Hải Dương, Quảng Ninh và tiếp tục lan rộng ra các tỉnh, thành khác, trong đó có Hà Nội, ngành du lịch bị tác động ngay tức khắc. Nhiều đoàn khách đã hủy tour, hoãn chuyến, tập trung chủ yếu ở các đoàn từ miền Nam ra phía Bắc.
Bà Dương Mai Lan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành và Sự kiện Thuận An - Ascend Travel and Media cho biết, Tết năm nay lượng khách đăng ký các tour trong nước tăng 30% so với Tết năm ngoái. Khi dịch COVID-19 bùng phát, ngay lập tức các đoàn khách từ miền Nam ra Bắc đã hủy gần hết, riêng đối với các đoàn đi Hạ Long đã hủy 100%. Còn đối với các đoàn khách từ Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đi Sài Gòn, Phú Quốc, Côn Đảo và một số tỉnh thành khác trong miền Nam thì vẫn trong tâm thế chờ đợi diễn biến tình hình dịch bệnh. Dù bị tác động bởi dịch COVID-19, song bà Dương Mai Lan cũng cho biết, do đây là đợt bùng phát dịch thứ ba kể từ đầu năm ngoái đến nay, nên khách không hủy ồ ạt như các lần trước.
Còn tại Công ty Cổ phần GoldenTour, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc công ty cho biết, trong dịp Tết nguyên đán có tới 15 đoàn khách đã đăng ký qua công ty hủy, hoãn tour. Còn với các đoàn đi sau dịp Tết nguyên đán cũng bị ảnh hưởng lớn. Cụ thể, 100% các đoàn từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội và Quảng Ninh bị hủy; với các đoàn từ Hà Nội đi vào miền Trung và miền Nam, khách vẫn đang cân nhắc nhưng khả năng hoãn hủy rất cao. Ông Phạm Tiến Dũng cũng cho biết, có những đoàn đi theo diện du lịch mice (tour hội nghị, hội thảo) phải hoãn đến lần thứ ba từ năm ngoái đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và chưa thể tính được thời điểm khống chế, kiểm soát được dịch bệnh. Vì vậy, ngành du lịch vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn và hơn lúc nào hết phải tìm cách vượt qua tình trạng này.
Bình tĩnh ứng phó, đảm bảo an toàn cho khách
Ngành du lịch vốn nhạy cảm cao, nhưng với việc bùng phát dịch COVID-19 lần này, các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cũng chủ động hơn. Bởi trong cả năm vừa qua liên tiếp đối mặt với dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng có những kinh nghiệm ứng phó nhất định và luôn chuẩn bị tinh thần ứng phó bất cứ lúc nào. Hơn nữa, không chỉ ở Việt Nam mà tình hình dịch bệnh thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Điều này, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours cũng khẳng định, đây là lần thứ ba dịch COVID-19 tác động đến du lịch, nhưng lần này khách khá bình tĩnh, họ thường cập nhật thông tin và nắm rõ quy định hoãn, đổi chương trình tour. Còn các doanh nghiệp cũng bình tĩnh, chủ động trong việc ứng phó.
Trong khi đang cập nhật tình hình, chờ đợi dịch bệnh lắng xuống, các doanh nghiệp lữ hành vẫn tiếp tục phục vụ các đoàn khách tham quan các điểm đến an toàn. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang chuẩn bị sản phẩm mới, trước mắt là sản phẩm du lịch mùa Xuân để sẵn sàng phục vụ khách khi có điều kiện đón khách trở lại.
Trước tình hình dịch bệnh quay trở lại, Sở Du lịch Hà Nội có công văn gửi các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố yêu cầu các đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch COVID-19, chủ động các phương án tổ chức hoạt động phục vụ khách du lịch, xây dựng bảo đảm các phương án về an ninh, an toàn cho người lao động và khách du lịch. Các đơn vị lữ hành, vận chuyển khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch cần thông báo kịp thời những trường hợp khách có biểu hiện mắc COVID-19 và hành trình di chuyển của các đoàn khách đi, về từ vùng có dịch với cơ sở y tế địa phương.
Sở Du lịch Hà Nội cũng yêu cầu hoạt động vận chuyển khách du lịch phải thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định, như: Đo thân nhiệt, khai báo y tế, sử dụng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang... Đối với các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19, tuân thủ đo thân nhiệt cho du khách, bố trí chỗ ngồi giãn cách, thường xuyên vệ sinh môi trường…
Chưa khi nào ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như thời gian vừa qua và hiện nay. Nhưng trong khó khăn luôn mở ra cơ hội, vấn đề doanh nghiệp cần thích ứng với mọi hoàn cảnh và luôn tìm cho mình những giải pháp phù hợp. Việc cơ cấu lại sản phẩm du lịch, thị trường, đào tạo lại nhân lực… mà các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội thực hiện thời gian qua đã khẳng định được bản lĩnh, năng lực của họ và sẽ tiếp tục phát huy trong thời điểm hiện nay.