Giải pháp để phát triển du lịch ĐBSCL - Bài 1

Trong Chiến lược phát triển du lịch và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của đất nước, tuy nhiên cho đến nay, du lịch ĐBSCL vẫn chưa phát huy được thế mạnh hiện có.

 

Bài 1: Chưa khai thác được thế mạnh


Với lợi thế là phần châu thổ sông Mê Công rộng lớn và trù phú, nằm liền kề với TP Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế, văn hóa, chính trị đặc biệt quan trọng của khu vực phía Nam và là cửa ngõ thuận tiện giao thương với các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, do khai thác du lịch kiểu “chắp vá” và “tay ngang” nên sản phẩm du lịch trở nên đơn điệu, na ná nhau giữa các tỉnh trong vùng, chưa tương xứng với tiềm năng thiên nhiên sẵn có.

 

Tiềm năng lớn


Ông Lê Văn Hùng, Phó Vụ trưởng - quyền Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM, cho biết: ĐBSCL là khu vực có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Nơi đây có nhiều nền văn hóa đặc trưng và độc đáo của các dân tộc như Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Đồng thời, có cảnh quan thiên nhiên sông nước hữu tình, trái cây bốn mùa trĩu quả, môi trường trong lành, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Con người nơi đây rất hiền hòa, bình dị, hiếu khách… tất cả đều có thể trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước.


 

Mô hình du lịch “tát mương bắt cá nướng ăn tại chỗ” được khai thác “trùng lặp” ở nhiều nhà vườn du lịch ĐBSCL.

Nhiều địa phương trong vùng đã bước đầu khai thác những địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách như rừng dừa Bến Tre, tràm chim Tam Nông, làng nghề hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp), chợ nổi Cần Thơ, Tiền Giang, biển đảo Hà Tiên và Phú Quốc (Kiên Giang) với hàng trăm đảo lớn nhỏ, phong cảnh Thất sơn (Bảy núi) ở An Giang, rừng đước Năm Căn, đất mũi Cà Mau, những cánh đồng lúa chín vàng mênh mông bên cạnh những thôn xóm ấm áp, hiền hòa...


Những tuyến đường giao thông về các vùng, điểm du lịch đã thông suốt và tiện lợi hơn, chẳng hạn như tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, hay những cây cầu nối các vùng du lịch như Cần Thơ, Rạch Miễu, Mỹ Thuận và nhiều sân bay quốc tế được đưa vào khai thác như Cần Thơ, Phú Quốc… Bên cạnh đó, vùng cũng đã tổ chức thành công các sự kiện du lịch, lễ hội Văn hóa thể thao mang tầm khu vực và quốc gia như: Liên hoan Du lịch ĐBSCL, lễ hội Nguyễn Trung Trực, lễ hội vía bà Chúa Xứ, lễ hội Okombok và đua ghe ngo, đua bò Bảy Núi… góp phần tạo nên thương hiệu để du lịch ĐBSCL tiếp tục phát triển hơn nữa.

 

Sản phẩm trùng lặp


Tiềm năng du lịch ĐBSCL là rất lớn và có khả năng phát triển đa dạng, phong phú hơn nữa; tuy nhiên, du lịch vùng ĐBSCL đang khai thác sản phẩm du lịch trùng lặp, đơn điệu, mang tính chắp vá, do thiếu sự hợp tác liên kết giữa các địa phương, cũng như giữa các công ty du lịch. Sự liên kết hiện nay chỉ dừng ở việc tổ chức sự kiện, hoạt động cụ thể, chứ chưa có liên kết mang tính chiến lược cho cả vùng.


Theo ông Ngô Quang Láng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang: Cách tổ chức du lịch ở các tỉnh miền Tây phần lớn giống nhau về diện mạo, chưa có sự đột phá về hình thức, quy mô, chưa phát huy được tính đặc thù, sắc thái chung của toàn vùng và nét riêng độc đáo của từng tỉnh, thành. Các tỉnh vẫn khai thác du lịch theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, “có gì dùng nấy” thiếu chiều sâu. Sản phẩm du lịch nơi nào cũng na ná nhau, tạo cảm giác nhàm chán cho du khách. Các địa phương chỉ tập trung khai thác những gì có sẵn từ thiên nhiên, thiếu đầu tư để tạo những sản phẩm du lịch mới, mang đặc trưng vùng, miền.


Đúng như nhận định của Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh: Tới Tiền Giang có tour "Về với ĐBSCL"; sang Bến Tre lại có "Du thuyền trên sông Mê Công"; qua Vĩnh Long thì có "Về cùng văn minh sông nước miệt vườn"... Nơi nào cũng điệp khúc “lên xuồng, xuống ghe, vô vườn, nghe đờn ca Tài tử” nên “đi một nơi biết cả vùng”. Tình trạng này dẫn đến sự nhàm chán cho du khách. Cụ thể là số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch ở ĐBSCL chỉ bằng 30 - 35% so với bình quân cả nước.


Theo tính toán của Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch, đến năm 2015 nhu cầu nhân lực để phát triển du lịch cần 128.000 và đến năm 2020 cần 208.000 người. Tuy nhiên, thực tế trong năm 2012 - 2013 toàn vùng chỉ có 23.509 người hoạt động trong lĩnh vực này.


Ông Lê Văn Hùng cho rằng: Hạn chế trong phát triển du lịch ĐBSCL là do thiếu nguồn nhân lực. Người làm du lịch ở ĐBSCL hiện nay chủ yếu là “tay ngang”, không có nghề, người được xem là có nghề thì cũng được đào tạo rất ít, hoặc trưng dụng chính con em của mình phục vụ khách du lịch.


Số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực từ các cơ sở đào tạo du lịch tại chỗ hiện có khoảng cách khá xa so với yêu cầu thực tế. Sự liên kết đào tạo với các trường du lịch tại TP Hồ Chí Minh chưa mang lại kết quả và lợi ích thực sự cho ĐBSCL, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tại TP Hồ Chí Minh trở về tìm việc làm trong ngành du lịch tại ĐBSCL cũng rất thấp.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

 

Bài cuối: Những giải pháp đồng bộ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN