Thị xã Sơn Tây đang triển khai đồng bộ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm như thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích đình, miếu, điếm, giếng, nhà cổ, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cấp đất giãn dân và các dự án dân sinh bức xúc khác trong khu vực làng cổ, với tổng số tiền gần 200 tỷ đồng.
Để bảo tồn làng cổ Đường Lâm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho hay, nhà ở là nguyên nhân chính dẫn đến những bức xúc. Mâu thuẫn chủ yếu xảy ra giữa việc gìn giữ được giá trị của nhà cổ với việc làm sao để đảm bảo sinh hoạt khi dân số gia tăng. Do đó, thị xã đã quy hoạch khu đất giãn dân phục vụ di dời các hộ dân tại các nhà cổ truyền thống, qua đó tháo gỡ bức xúc về chỗ ở.
Để hài hoà lợi ích của người dân và bảo tồn làng cổ, thành phố, Sở Văn hóa – Thể thao và Sở Du lịch Hà Nội đã có những hướng dẫn, thiết kế về mô hình mẫu, đảm bảo xây dựng, sửa chữa phù hợp với những nét truyền thống, không ảnh hưởng đến không gian của làng cổ Đường Lâm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch để người dân cùng tham gia vào việc phát triển du lịch, qua đó mới bảo tồn làng cổ bền vững.
Với những nỗ lực của chính quyền thành phố và thị xã Sơn Tây, bức xúc của người dân đang từng bước được giải tỏa, trước hết là đảm bảo nơi sinh sống, người dân không phải ở trong những căn nhà xuống cấp. UBND TP Hà Nội đã công nhận Đường Lâm là điểm du lịch làng cổ truyền thống và đón nhận bằng công nhận vào trung tuần tháng 11/2019. Đây chính là cơ sở để tiếp tục phát triển bền vững và hiệu quả làng cổ trong tương lai.
Tuy nhiên, tại làng cổ Đường Lâm vẫn còn những trường hợp người dân tự ý xây dựng, sửa chữa không thông qua cơ quan chức năng hoặc đã xin phép, nhưng không tuân thủ đúng quy định. Thị xã Sơn Tây đã lập danh sách những trường hợp vi phạm. Trước mắt, địa phương tuyên truyền, vận động những hộ gia đình sai phạm tháo dỡ, đối với những trường hợp không hợp tác sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.