Khách tham quan Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN |
Sau rất nhiều năm, lần đầu tiên tất cả các khách sạn cao cấp của Hà Nội đã kín phòng đến quý I/2018. Đây là tín hiệu đáng mừng khi thành phố Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp đầu tư, tạo đột phá trong phát triển du lịch.
Thành phố hiện có gần 600 cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, với lượng khách tăng trưởng như hiện nay, nhất là khách quốc tế, ngành Du lịch Thủ đô có phần “lúng túng” về cơ sở lưu trú cao cấp.
Từ tháng 4/2011 đến nay, Hà Nội có thêm 4 khách sạn 4 - 5 sao gồm: Khách sạn Marriott, Apricot, khách sạn và căn hộ khu vực Landmark - Keang Nam và khách sạn căn hộ khu vực Lotte với tổng số 1.200 phòng. Thành phố đã quy hoạch một số địa điểm để xây dựng khách sạn cao cấp đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch.
Du khách quốc tế tham quan hồ Hoàn Kiếm vào buổi tối rất đông. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN |
Trong 5 năm tới, thành phố sẽ xây thêm 20 khách sạn cao cấp, tương đương khoảng 20.000 phòng lưu trú, gần bằng tổng số phòng khách sạn cao cấp của Hà Nội hiện nay. Các địa điểm dự kiến xây dựng khách sạn tại khu vực quận Hoàn Kiếm (gần Hồ Gươm) như: 22-32 Lý Thái Tổ, 22-24 Hàng Bài, 39 Hai Bà Trưng.
Tổng Công ty Du lịch Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng khách sạn tại số 1 Bà Triệu, cải tạo lại Khách sạn Hòa Bình…Thành phố dự kiến xây khách sạn quy mô trên 300 phòng tại khu vực đầu phố Thái Hà (quận Đống Đa), khách sạn 500 phòng tại Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), khách sạn hơn 300 phòng tại Thụy Khuê (quận Ba Đình), khách sạn 600 phòng (huyện Đông Anh)...
Cùng với phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, thành phố tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác lợi thế của Thủ đô; quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội đến bạn bè trong, ngoài nước; liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trên cả nước và quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực du lịch...
Năm 2017, ngành Du lịch Thủ đô phấn đấu đón 23,61 triệu lượt khách, tăng 8% so với năm 2016, trong đó khách quốc tế là 4,3 triệu lượt.