Khảo sát sản phẩm đặc thù
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Hanoitourist cho biết: Trong ngày 29/9, đơn vị đã tiến hành khảo sát tuyến điểm tại Đường Lâm và trình bày phương án, cách thức tổ chức tour với yêu cầu an toàn phòng chống dịch để từ đó xây dựng mô hình báo cáo Sở Du lịch.
“Mô hình du lịch này sẽ khác hẳn trước kia với các yếu tố phòng dịch theo tiêu chí của ngành y tế và công ty phải kiểm soát mọi khâu trong tổ chức. Trong giai đoạn này thì việc tổ chức là nhóm nhỏ. Về giá thành tổ chức cũng đắt hơn trước bởi phải đáp ứng các yêu cầu phòng dịch”.
Còn ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel, Phó Chủ tịch CLB Thủ đô cho biết: Giai đoạn đầu bình thường mới, đơn vị sẽ tiến hành các chương trình du lịch nghỉ dưỡng tại homstay, villa khu vực ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây với chủ trương ít tiếp xúc để phòng dịch. Tiếp đến, khi đã ổn định, đơn vị sẽ triển khai tour đến Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam bởi khu này biệt lập; giai đoạn khi ổn định công ty mới triển khai tour đến các điểm du lịch như Đường Lâm, các di tích khi được phép mở cửa. Nhìn chung, đây là giai đoạn thí điểm vừa làm, vừa thăm dò và hoản chỉnh quy trình tour trong trạng thái bình thường mới.
“Giai đoạn phục hồi du lịch lần này cũng khác với 3 giai đoạn trước kia là khống chế được dịch, mọi người đi du lịch đông vui, nhưng nay xác định sống chung với dịch nên hoạt động du lịch sẽ khôi phục từ từ, không ồ ạt như trước và kèm theo nhiều yếu tố, yêu cầu về phòng dịch từ cả cơ quan quản lý địa phương, du khách, lẫn đơn vị dịch vụ. Trước mắt, đối tượng khách sẽ chủ yếu trong nội thành, còn liên tỉnh giai đoạn đầu sẽ khó tưhcj hiện. Đơn cử như khảo sát điều kiện đưa khách đến các homestay tại Hòa Bình, nhưng điều kiện đầu tiên phải có xét nghiệm PCR âm tính trong 72 tiếng, khiến nhiều khách hàng hiện chỉ hỏi chương trình du lịch mang tính tham khảo”, ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.
Trong khi đó, từ các điểm di tích cũng đang có sự chuẩn bị các điều kiện đón khách khi Thành phố cho phép, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: "Trong tuần này, Trung tâm tiến hành tổng vệ sinh, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch. Do thời gian đầu chỉ áp dụng đón khách trong thành phố nên lượng khách sẽ không nhiều".
Sẵn sàng điều kiện hoạt động trở lại
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, các đơn vị hoạt động du lịch từ lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến đều cho thấy một tâm thế luôn sẵn sàng và có sẵn sản phẩm chất lượng, an toàn, phục vụ du khách khi TP Hà Nội cho phép hoạt động trở lại.
Thực hiện nội dung chỉ đạo của Chính phủ, của UBND TP Hà Nội về xây dựng các phương án phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong đó phải sớm có các phương án, kế hoạch du lịch an toàn nhằm khôi phục lại hoạt động du lịch Thủ đô trong giai đoạn tới, Sở Du lịch Hà Nội đang chủ động tham mưu với UBND Thành phố xây dựng chi tiết Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội gắn với phòng, chống dịch COVID-19 từ nay đến cuối năm.
Các giai đoạn khôi phục hoạt động du lịch bám sát kịch bản diễn biến dịch của Bộ Y tế đang xây dựng để thống nhất ban hành; dựa trên hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” gắn với 4 giai đoạn.
Dự kiến, trong tháng 10, với sự cho phép của UBND Thành phố, ngành Du lịch Hà Nội có thể sẽ triển khai hoạt động theo giai đoạn 3, cho phép các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển đủ điều kiện, hoạt động trở lại. Tuy nhiên, một số dịch vụ đi kèm như spa, phòng gym, karaoke… vẫn bị hạn chế. Giai đoạn này chủ yếu phục vụ khách du lịch trên địa bàn Thành phố.
Sau khi TP Hà Nội chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đánh giá tình hình và kiến nghị tiếp tục mở cửa du lịch theo giai đoạn 04, cho phép các doanh nghiệp du lịch hoạt động lại bình thường, được đón khách du lịch tại các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị chủ động nắm bắt tình hình, hỗ trợ các đơn vị tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.
“Để cụ thể hóa nội dung kế hoạch, chúng tôi sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp, gồm: Xây dựng điểm đến an toàn và sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin làm đa dạng các sản phẩm mới phục vụ thu hút khách du lịch nội địa; tổ chức các hoạt động, sự kiện, chuyển đổi số ngành Du lịch; tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn cho du khách và cơ sở du lịch”, ông Trần Trung Hiếu cho biết.
Việc đảm bảo an toàn cho cộng đòng, du khách và các cơ sở du lịch là ưu tiên hàng đầu của ngành Du lịch Thủ đô. Hiện, 100% đơn vị cơ sở lưu trú, điểm đến được yêu cầu đăng ký và đánh giá an toàn trên hệ thống safe.tourism.com.vn. Đồng thời, Sở Du lịch thường xuyên tuyên truyền, thông báo, cập nhật về các chính sách, quy định phòng chống dịch đối với các sở dịch vụ, lưu trú, điểm đến trên địa bàn Thành phố.
Do yếu tố phòng dịch lên hàng đầu khi hoạt động du lịch được phục hồi, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND Thành phố xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn an toàn đối với các đơn vị cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, lữ hành, vận chuyển, dịch vụ du lịch. Bộ tiêu chí sẽ quy định chi tiết các tiêu chí, quy trình an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới đối với các đơn vị. Qua đó, xây dựng các điểm du lịch xanh, cơ sở lưu trú xanh, dịch vụ xanh đảm bảo sức khỏe, an toàn cao nhất cho cộng đồng, du khách và các đơn vị du lịch.
Ngoài ra, ngành Du lịch Thủ đô phối hợp với ngành Y tế, chính quyền các quận, huyện thị xã tăng cường tập huấn, hướng dẫn lực lượng lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đảm bảo cán bộ, nhân viên các đơn vị nắm vững, chắc quy trình phòng chống dịch, có các phương án xử lý kịp thời trong trường hợp phát hiện các ca nghi nhiễm; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện, công tác đảm bảo an toàn cho khách du lịch của các đơn vị. Tiếp tục đề nghị các cơ quan có thẩm quyền triển khai tiêm chủng đầy đủ, kịp thời cho đối tượng ưu tiên là lao động ngành du lịch.
"Trong tuần qua, nhiều hiệp hội, câu lạc bộ và doanh nghiệp du lịch lớn trên địa bàn đã hình thành và chuẩn bị các sản phẩm du lịch an toàn cho giai đoạn sau dịch. Trong quá trình phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục cùng hiệp hội và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các địa phương; chú trọng tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch và điểm đến Hà Nội trong thời gian tới" ông Trần Trung Hiếu cho biết.