Đánh giá của các nhà khoa học UNESCO, Phú Yên có tiềm năng triển vọng để trở thành Công viên địa chất, hướng đến danh hiệu của UNESCO. Tỉnh hội tụ ba giá trị di sản chính để tạo thành công viên địa chất tiềm năng đó là di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học. Đặc biệt, Phú Yên có đặc trưng đá biến chất cổ khoảng 2,5 tỷ đến 542 triệu năm trước, các công trình kiến trúc thể hiện giao thoa văn hóa Chăm - Việt - Hoa - châu Âu, các hệ sinh thái cát ven biển, đầm phá, rạng san hô phong phú. Song song với kế hoạch phát triển kinh tế, tỉnh cũng đã quan tâm phát huy giá trị di sản công viên địa chất, hướng đến danh hiệu của UNESCO.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Đào Mỹ, cho biết tỉnh xác định mục tiêu xây dựng Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản; phát triển kinh tế - xã hội bền vững, dựa trên danh hiệu Công viên địa chất quốc gia và toàn cầu; góp phần tạo bước đột phá cho công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, kết nối Phú Yên với các đối tác trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO là một công việc công phu, vì vậy thông qua Hội nghị hợp tác quốc tế phát huy giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu và du lịch bền vững, là dịp để tỉnh lắng nghe các ý kiến, kinh nghiệm quý báu của đại biểu đến từ các cơ quan chuyên môn, địa phương thuộc mạng lưới Công viên địa chất quốc gia, các chuyên gia, nhà khoa học nhiều lĩnh vực.
Tại Hội nghị các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm địa phương, quốc tế để Phú Yên sớm xây dựng Đề án công viên địa chất Phú Yên. Giáo sư Guy Martini, Tổng thư ký mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đánh giá, Công viên địa chất tiềm năng Phú Yên có tầm quan trọng đặc biệt về di sản địa chất. Ở đây có sự đa dạng tuyệt vời của đá granit hình thành từ 250 triệu năm trước. Nổi bật là Gành đá đĩa, Hòn Yến, Bãi Môn – Mũi Điện, tháp Nhạn…Về mặt giá trị di sản, bao gồm di sản địa chất, tự nhiên, văn hóa, phi vật thể, Phú Yên có đầy đủ tiềm năng để phát triển một đề án Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Chỉ rõ hơn về đặc điểm di sản địa chất Phú Yên, Giám đốc Bảo tàng địa chất Trương Quang Qúy, cho biết khu vực dự kiến thành lập Công viên địa chất Phú Yên có diện tích 1.575 km2 bao gồm thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An và một phần các huyện Phú Hòa và Sơn Hòa. Qua khảo sát, Phú Yên có 60 di sản địa chất, thuộc 9 kiểu (Cổ sinh; Địa mạo, cảnh quan; Cổ môi trường; Đá; Địa tầng; Khoáng sản; Kinh tế địa chất; Cấu trúc kiến tạo, lịch sử tiến hóa địa chất và Địa chất Đệ tứ, địa chất biển và Tương tác lục địa đại dương). Giá trị về di sản địa chất ở Phú Yên là cơ sở khoa học để xây dựng Công viên địa chất Phú Yên và cao hơn nữa.
Về giải pháp phát triển bền vững phát huy giá trị di sản địa chất ở khu vực dự kiến thành lập Công viên địa chất Phú Yên, Tiến sỹ Nguyễn Văn Toàn, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch Nông nghiệp Nông thôn cho rằng, xây dựng Công viên địa chất toàn cầu sẽ đáp ứng được hai mục tiêu lớn vừa bảo tồn và phát huy giá trị của của di sản địa chất. Trong đó, tỉnh Phú Yên phải xem phát triển du lịch có vai trò quan trọng trong việc phát huy di sản, phát triển Công viên địa chất. Tỉnh cần tận dụng lợi thế đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch biển, sinh thái ở cao nguyên, đồng bằng, ven biển, đảo, phát triển rừng, cây trồng lương thực phù hợp, đảm bảo môi trường, phát triển bền vững khu vực dự kiến thành lập Công viên địa chất. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, đội ngũ quản lý về giá trị của Công viên địa chất.
Đánh giá tác động của Công viên địa chất toàn cầu đối với phát triển du lịch bền vững tại Phú Yên. Tiến sỹ Bùi Việt Hưng, Viện nghiên cứu châu Âu khẳng định, Công viên địa chất toàn cầu là chất xúc tác để phát triển du lịch bền vững. Theo Tiến sỹ Hưng, đóng góp của du lịch hiện rất quan trọng tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng. Khi được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu Phú Yên sẽ định vị được thương hiệu uy tín tầm cỡ quốc tế để bảo tồn di sản, thu hút khách du lịch, giúp cộng đồng dân cư gắn kết hơn, tạo được công ăn việc làm cho người dân. Trước mắt, tỉnh cần cần làm tốt công tác lập quy hoạch chi tiết, đầu tư hạ tầng thiết yếu để hình thành các khu du lịch ẩm thực mang thương hiệu, đặc trưng Phú Yên trên địa bàn thành phố Tuy Hòa, Đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông, Vũng Rô. Bên cạnh đó, phải đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, áp dụng chuyển đổi số đáp ứng lượng khách gia tăng khi Phú Yên được phê duyệt là Công viên địa chất toàn cầu.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, thiên nhiên và lịch sử hình thành đã ban tặng cho tỉnh Phú Yên những tài nguyên địa chất độc đáo, những di sản văn hóa lịch sử đậm đà bản sắc và hệ sinh thái có ý nghĩa nhân loại. Những gì mà tỉnh Phú Yên cần làm sẽ là phát huy đúng hướng các giá trị này một cách toàn diện, có hiệu quả kinh tế cao với tầm nhìn dài hạn và bền vững, thông qua việc lựa chọn các mô hình và chiến lược phát triển phù hợp. Hiện nay, Phú Yên đang thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 đây là điều kiện thuận lợi để Phú Yên quy hoạch chi tiết, xây dựng Đề án Công viên địa chất Phú Yên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế giao các sở, ban, ngành liên quan chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, tổ chức quốc tế sớm hoàn thiện nội dung và các thủ tục kỹ thuật để xây dựng Đề án phát triển Công viên địa chất Phú Yên hướng đến Công viên địa chất toàn cầu nhằm bảo tồn tốt giá trị di sản địa chất, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng địa chất.