Khai thác du lịch bốn mùa xứ Thanh để xoá bỏ dần tính mùa vụ

Thanh Hóa có nhiều tiềm năng phát triển du lịch bốn mùa quanh năm, với các dòng khách nội địa và quốc tế, tạo dựng sản phẩm mới. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này.

Du lịch Thanh Hoá được biết đến là điểm du lịch nội địa, nhưng chỉ tập trung vào dịp hè. Để hạn chế tình trạng này, ngành du lịch tỉnh khai thác tiềm năng sẵn có như thế nào, thưa ông?

Thanh Hóa là tỉnh có sự đa dạng vùng sinh thái, gồm: Trung du, miền núi, đồng bằng và ven biển. Với hệ thống giao thông thuận lợi, có Cảng Hàng không Thọ Xuân, cửa khẩu quốc tế Na Mèo và cảng biển Nghi Sơn.

Chú thích ảnh
Ông Lê Xuân Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Từ lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cùng với các giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh đã phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch như: Du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cộng đồng, văn hóa lịch sử - tâm linh, thể thao mạo hiểm, nông trại... thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào du lịch... Đến nay, cơ sở vật chất du lịch của tỉnh tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đa dạng phân khúc khách hàng.

Để tổ chức thu hút du khách, Hiệp hội đã liên kết tổ chức các đoàn famtrip kết nối các công ty lữ hành, các đơn vị truyền thông trong nước giới thiệu quảng bá du lịch xứ Thanh, thu hút nhiều khách du lịch hơn, không chỉ tập trung vào mùa Hè, mà cả 4 mùa trong năm. Mong muốn của những người tổ chức du lịch Việt Nam và đặc biệt là Thanh Hóa, làm sao cả nước và thế giới biết đến tiềm năng du lịch địa phương.

Từ đầu năm, ngành du lịch tỉnh đã tổ chức famtrip dành cho các đơn vị đến từ miền Trung, miền Nam và mới đây là với Hiệp hội du lịch Việt Nam: đồng thời, kết nối, ký các biên bản hợp tác với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng... để gắn kết du lịch miền Trung, Tây Nguyên với Thanh Hóa.

Thời gian tới, Thanh Hóa cũng sẽ đẩy mạnh thu hút khách quốc tế tại các thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Pháp… tập trung vào quảng bá những sản phẩm du lịch cao cấp, chất lượng như: Nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, văn hóa lịch sử, chăm sóc sức khỏe, sinh thái cộng đồng, MICE... Tỉnh cũng hướng đến thực hiện xúc tiến, quảng bá trên các nền tảng số, tăng cường phối hợp, hợp tác với các kênh truyền hình quốc tế CNN, BBC... để tạo hiệu quả lớn hơn trong việc thu hút khách quốc tế.

Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Thanh Hóa hiện có những thuận lợi và khó khăn như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi hoạt động chủ yếu từ xã hội hóa, có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng chưa nhiều. Năm 2025, tỉnh sẽ tham gia các hội chợ xúc tiến du lịch ở Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ để quảng bá du lịch Thanh Hóa.

Chú thích ảnh
Người dân làm du lịch cộng đồng tại điểm du lịch Pù Luông (Thanh Hoá).

Việc tổ chức những đoàn famtrip thời gian vừa qua thành công, đem lại những hiệu quả tích cực. Đợt famtrip mới đây, tỉnh đón đoàn từ miền Trung, Tây Nguyên, Đà Nẵng đưa 2 đoàn khảo sát ra Lù Luông... Qua đó, chứng tỏ sức hút của Pù Luông lớn, nhưng chưa được khai thông.

Vì vậy, các đơn vị du lịch trong tỉnh cần mạnh dạn đầu tư, chỉnh trang cơ sở vật chất, phát triển các dịch vụ du lịch cao cấp để mở rộng thị trường khách quốc tế theo hướng bốn mùa. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế thời gian tới.

Pù Luông là điểm du lịch thu hút khách quốc tế, nhưng chưa định vị gắn với du lịch Thanh Hóa. Vậy thời gian tới, Hiệp hội có tính liên kết nào để mở rộng thu hút khách quốc tế đến các vùng xung quanh của Thanh Hoá?

Pù Luông đón khách quốc tế từ khoảng 20 năm trước, sau đó qua truyền miệng, các khách du lịch quốc tế ưa khám phá, mạo hiểm đã tìm đến đây và dần thành điểm du lịch.

Các bạn trẻ hiện làm khá tốt việc quảng bá truyền thông cho Pù Luông và thu hút các đoàn khách quốc tế. Các đơn vị kinh doanh khai thác du lịch, nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc, giữ sự nguyên sơ của thiên nhiên để du khách đến cảm thấy vẻ thơ mộng của thiên nhiên.

Khu vực này hiện nay đã có cơ sở hạ tầng khá tốt để đón khách phổ thông. Trong đó có thể liên kết các điểm đến mới như Thác Ma Hao nằm dưới chân núi Chí Linh, thuộc xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa... Tuy nhiên để đón nhiều khách quốc tế, Thanh Hóa cần tổ chức các chương trình quảng bá quy mô lớn hơn nữa.

Trong năm 2025, kế hoạch liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch Thanh Hoá sẽ được Hiệp hội triển khai như thế nào, thưa ông?

Hiệp hội sẽ tiếp tục kết nối các địa phương ở các miền Bắc, Trung, Nam để thu hút thêm khách du lịch trong nước và quốc tế.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp trao đổi thông tin về dịch vụ du lịch trong quá trình khảo sát tuyến điểm.

Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ thiết kế lại trang web, kết nối điện tử, cập nhật thường xuyên các thông tin về du lịch, văn hóa, sự kiện của tỉnh; hoàn thiện bản đồ du lịch Thanh Hóa bằng công nghệ thực tế ảo, để du khách đến với Thanh Hóa dễ dàng tiếp cận và khám phá các điểm check in thú vị…

Du lịch năm 2024 có số lượng khách tăng 30%, doanh thu tăng 19% so với năm 2023. Tuy nhiên, khách du lịch đến với Thanh Hóa vẫn bị lệch mùa, chỉ đông vào mùa Hè. Ngành đang tìm cách khắc phục điều này để du khách có nhiều lựa chọn hơn và đến Thanh Hóa du lịch cả bốn mùa tromg năm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

XM/Báo Tin tức
Tìm hiểu văn hóa xứ Thanh qua chương trình ‘Ngược xuôi sông Mã’
Tìm hiểu văn hóa xứ Thanh qua chương trình ‘Ngược xuôi sông Mã’

Chương trình du lịch “Ngược xuôi sông Mã” là tour du lịch đường thủy đầu tiên tại Thanh Hóa được khai thác từ năm 2015. Chương trình có nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn, mang tới những trải nghiệm văn hóa xứ Thanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN