Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, ngành du lịch Tiền Giang đang nỗ lực tận dụng tối đa các tiềm năng, lợi thế đặc trưng để phát triển thương hiệu du lịch địa phương một cách bền vững. Nội dung này được phản ánh qua hai bài viết với chủ đề: "Khám phá du lịch Tiền Giang".
Bài 1: Khai thác tiềm năng đa dạng
Với tiềm năng phong phú, đa dạng và lợi thế về tài nguyên thiên nhiên cùng bề dày lịch sử văn hóa, tỉnh Tiền Giang đang trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của du khách.
Việc khai thác hợp lý du lịch sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp tham quan di tích lịch sử văn hóa sẽ tạo điều kiện cho du lịch Tiền Giang phát triển một cách bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời kỳ hội nhập.
Điểm đến giàu tiềm năng
Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang Võ Phạm Tân, ưu thế có dòng sông Tiền mang đậm phù sa trải dài từ huyện Cái Bè đến thành phố Mỹ Tho, với hai nhánh sông Cửa Đại và Cửa Tiểu hợp lưu ở cửa biển Gò Công tạo thành 3 vùng sinh thái tự nhiên, rất thuận lợi để Tiền Giang phát triển du lịch gồm: vùng du lịch hệ sinh thái nước ngọt, vùng du lịch hệ sinh thái ngập mặn và vùng du lịch hệ sinh thái nước ngập phèn.
Mỗi vùng sinh thái đều có đặc điểm riêng biệt nên rất thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế. Do đó, lượng khách du lịch quốc tế đến Tiền Giang tăng nhanh. Cùng với đó, Tiền Giang còn có trên 2.100 di tích lịch sử – văn hóa, bao gồm các di tích khảo cổ, di tích lịch sử cách mạng, di tích tôn giáo, tín ngưỡng và di tích kiến trúc nghệ thuật.
Hầu hết, các di tích này đều là nơi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh, tôn vinh các giá trị văn hóa, đồng thời là nguồn tư liệu phong phú trong việc nghiên cứu văn hóa vùng và văn hóa dân tộc. Trong đó, tỉnh 20 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng cấp Quốc gia và 86 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tạo nên một bức tranh đa màu sắc về đất và người Tiền Giang với những nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời được kết tinh từ ngàn đời nay.
Một số di tích nổi tiếng thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước như: Di tích văn hóa Óc Eo, Gò Thành thế kỷ I đến thế kỷ VI (sau công nguyên) ở huyện Chợ Gạo; Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút ở huyện Châu Thành, Di tích Chiến thắng Ấp Bắc ở thị xã Cai Lậy; Lũy pháo đài ở huyện Tân Phú Đông…
Anh Nguyễn Ngọc Long (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đến Tiền Giang, ngoài các di tích lịch sử, anh còn có thể tìm hiểu và biết thêm về Thái hậu đức độ Từ Dũ khi tham quan di tích văn hóa lịch sử Lăng mộ Hoàng Gia ở thị xã Gò Công; tham quan khu di tích Lăng mộ Trương Định cùng đền thờ của ông để biết thêm về cuộc đời, sự nghiệp của một vị Anh hùng dân tộc, một nét son ngời sáng tô thắm thêm trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Không những thế, thị xã Gò Công còn lưu giữ hàng trăm ngôi nhà cổ trên 100 tuổi với kiến trúc phối hợp Đông - Tây độc đáo như: Nhà Đốc phủ Nguyễn Văn Hải được xây dựng năm 1860; Dinh Chánh Tham Biện tức Dinh Tỉnh trưởng - dinh thự lớn nhất trong tỉnh nằm trong một khuôn đất rất rộng, được xây cất từ năm 1904; Đình Trung được xây cuối thế kỷ 19…
Tại huyện Cái Bè, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Hòa Hiệp, ông Dương Văn Phương cho biết, Làng cổ Đông Hòa Hiệp thu hút du khách khám phá những nét kiến trúc cùng hoa văn cổ xưa của Nam Bộ được thể hiện qua những bức hoành, liễn gỗ, kèo cột được chạm khắc công phu mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam Bộ với niên đại trên 100 năm.
Nổi tiếng nhất là nhà cổ Ông Kiệt, nhà cổ Ba Đức... Các ngôi nhà cổ ở đây nằm đan xen với những vườn cây ăn trái sum sê tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng. Ước tính trung bình mỗi năm, làng cổ đón khoảng 100.000 lượt du khách đến tham quan, trong đó hơn 75% là khách quốc tế.
Tiền Giang còn có 46 khu, điểm du lịch, 90 hộ làm cốm, kẹo dừa, nuôi ong mật, bán hàng thủ công mỹ nghệ tập trung ở vùng trung tâm, vùng phía Đông và vùng phía Tây của tỉnh; 5 tuyến đò chèo; 9 hộ nhà vườn làm du lịch nhà cổ, có dịch vụ nghỉ đêm tại nhà; một hợp tác xã nông nghiệp với mô hình trang trại nuôi dê, kết hợp mua sắm sản phẩm làm từ sữa dê như bánh flan, yaout tươi và sấy khô phục vụ khách du lịch tham quan mua sắm.
Tiền Giang có 55 công ty lữ hành với 255 hướng dẫn viên du lịch; 19 cơ sở lưu trú đạt chuẩn 2 sao trở lên; trên 200 thuyền máy vận chuyển khách du lịch,… Các đơn vị đang không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế.
Với tiềm năng như vậy, Tiền Giang đang phấn đấu đến năm 2030 đón trên 3,1 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 1,3 triệu lượt khách quốc tế; phát triển khoảng 470 cơ sở lưu trú, với 12.500 phòng, ít nhất 41.800 lao động, trong đó khoảng 9.700 lao động trực tiếp. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13.000 tỷ đồng.
Định hình không gian và phân khúc thị trường du lịch
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định, trong tình hình mới, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách phát triển du lịch với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và các doanh nghiệp lữ hành trong, ngoài tỉnh. Điểm nhấn là xây dựng chương trình, kế hoạch phục hồi du lịch cụ thể, phù hợp, phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng, tăng cường xúc tiến thương mại trên lĩnh vực du lịch, hướng tới các thị trường du lịch và đối tượng du khách tiềm năng.
Tiền Giang đã phân chia 3 không gian phát triển du lịch, trong đó, không gian trung tâm có thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo.
Tại đây, tuyến du lịch bằng đường bộ chủ yếu theo Quốc lộ 1, Quốc lộ 50 và đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương và tuyến du lịch bằng đường thủy trên sông Tiền với điểm nhấn là cù lao Thới Sơn. Không gian này được nối tuyến với các khu, điểm du lịch trong tỉnh, liên kết tuyến với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tuyến hành trình đến Campuchia.
Không gian phía Đông gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và huyện Tân Phú Đông với điểm nhấn là khu du lịch biển Tân Thành và Cồn Ngang, cung cấp những sản phẩm du lịch đặc trưng biển của Tiền Giang. Tại đây có tuyến du lịch liên kết với các điểm du lịch của huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh và biển Vũng Tàu bằng đường biển.
Không gian phía Tây gồm huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè và huyện Tân Phước với điểm nhấn là khu vực chợ nổi Cái Bè, Làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp và Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Tại đây có tuyến du lịch liên kết với các điểm du lịch của tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ bằng đường bộ và đường thủy.
Từ 3 không gian này, Tiền Giang đã liên kết xây dựng tuyến du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Vĩnh Long - An Giang - Phnom Penh (Campuchia). Tuyến du lịch liên kết sản phẩm vùng Đồng bằng sông Cửu Long Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang; Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre; Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang.
Ở góc độ quản lý ngành, ông Võ Phạm Tân cho biết, ngành Du lịch Tiền Giang ngoài tập trung khai thác nhóm thị trường khách truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước Tây Âu, Bắc Mỹ như Anh, Pháp, Mỹ, tỉnh còn chú trọng khai thác các thị trường khách mới, nhiều tiềm năng như Trung Đông, Nam Âu, Nam Mỹ, Ấn Độ, các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong…
Đối với thị trường nội địa, Tiền Giang tập trung phát triển mạnh thị trường nội vùng, khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Hà Nội và một số tỉnh ở khu vực miền Trung.
Theo ông Võ Phạm Tân, cùng với việc nâng chất cơ sở vật chất và đầu tư khôi phục, phát triển các sản phẩm du lịch, ngành Du lịch tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng marketing điện tử, ứng dụng công nghệ 4.0 vào mời gọi nhà đầu tư để thu hút các dự án FDI và nguồn vốn đầu tư từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, xem đây là kênh vừa huy động nguồn vốn đầu tư, vừa tiếp thu công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong ứng dụng phát triển du lịch.
Tỉnh đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng thông qua: Cổng thông tin du lịch tỉnh Tiền Giang; Bản đồ du lịch điện tử; Ứng dụng TienGiang Tourism tra cứu thông tin du lịch trên thiết bị thông minh; kết nối các kênh truyền thông quốc tế có uy tín nhằm đón khách quốc tế.Tỉnh mời gọi nhà đầu tư xây dựng các khách sạn cao cấp, nâng cấp cải tạo các cơ sở lưu trú hiện có, phát triển mô hình du lịch nghỉ đêm tại nhà dân ở cù lao Thới Sơn, cù lao Ngũ Hiệp, cù lao Tân Phong, Khu Du lịch Cái Bè…
Bài cuối: Phát triển du lịch nông thôn, sinh thái miệt vườn