Dự Hội thảo có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á, châu Âu, châu Mỹ - La tinh, châu Phi và Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao Nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Krông Nô (Đắk Nông), Lý Sơn- Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) và Gia Lai…
Hội thảo tập trung đánh giá vai trò danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO trong việc thúc đẩy phát triển du lịch trên nền tảng bảo tồn và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, di sản địa phương; Bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, lịch sử, danh lam thắng cảnh để khai thác du lịch bền vững.
Tại hội thảo, hơn 20 khoa học, tiến sỹ, diễn giả, chuyên gia có uy tín trong nước và quốc tế đã tham luận về các vấn đề phát triển du lịch bền vững; giá trị của địa chất đối với du lịch và giáo dục; khai thác yếu tố bản địa để phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân địa phương; phát triển thương hiệu du lịch Cao Bằng trên nền tảng Công viên địa chất toàn cầu,...
Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng Cục Du lịch cho rằng Việc UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu UNSECO Non nước Cao Bằng không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Cao Bằng mà còn là vinh dự, tự hào lớn cho đất nước Việt Nam. Sự kiện này cũng góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch cả nước. Để phát triển du lịch dựa trên tiềm năng và lợi thế đặc sắc của Công viên địa chất toàn cầu, Cao Bằng cần tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác trong nước, quốc tế, đưa Cao Bằng trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Tiến sỹ Jutta Weber, Giám đốc khoa học Ban quản lý công viên địa chất toàn cầu UNESCO Bergstrasse đến từ Đức cho rằng cần làm cho người dân hiểu thiên nhiên và địa chất là nguồn gốc của sự sống và cần gìn giữ, bảo vệ. Cần học cách khai thác du lịch, phát triển kinh tế mà không cần làm ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường; học cách sống chung với trái đất, kết nối giữa con người và thiên nhiên, địa chất với văn hóa, lịch sử; kết nối người dân bản địa và khách du lịch để tạo ra giá trị kinh tế bền vững lâu dài.
Giáo sư Ibrahim Komoo, Phó Chủ tịch, điều phối viên Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO cho rằng du lịch địa chất đang là xu thế mới của ngành du lịch thế giới. Nhiều du khách muốn học hỏi, tìm hiểu, khám phá về địa chất, thiên nhiên thông qua các hoạt động du lịch, khám phá. Địa chất rất quan trọng đối với cuộc sống nhưng hiểu biết của người dân về địa chất còn rất hạn chế. Chúng ta cần giáo dục nâng cao nhận thức về địa chất, thiên nhiên cho người dân bản địa để họ biết cách bảo vệ địa chất, thiên nhiên và tạo ra sinh kế từ du lịch.
Các đại biểu cùng chia sẻ các thức vận dụng và phát huy giá trị tri thức bản địa trong phát triển du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu, các sáng kiến thúc đẩy phát triển sản phẩm địa phương và bình đẳng giới; kinh nghiệm về phát triển du lịch bền vững tại các công viên địa chất toàn cầu tại Tanzania, Thái Lan, Iran, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, hang động trong phát triển du lịch; Tăng cường sự tham gia của cộng đồng để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; Phát triển du lịch cộng đồng và tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng ghi nhận những ý kiến tham luận của các đại biểu và khẳng định: Tỉnh Cao Bằng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ các bộ, ngành, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, sự giúp đỡ của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO; các nhà khoa học, chuyên gia trong nước, quốc tế tư vấn cho Cao Bằng kế hoạch xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.