Tuy nhiên, loại hình du lịch sinh thái vẫn còn nhiều dư địa phát triển, mang lại sự đa dạng, độc đáo cho sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu du khách, đồng thời gìn giữ, bảo vệ môi trường xanh, đòi hỏi các cấp, ngành có giải pháp tạo bứt phá mới trong thời gian tới. Phóng viên TTXVN đề cập nội dung này qua chùm ba bài viết chủ đề: Phát triển bền vững du lịch sinh thái.
Bài 1: Tiềm năng và sức hút
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sự đa dạng sinh học cao và giàu có về giá trị tài nguyên tự nhiên cũng như tài nguyên văn hóa. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương hình thành, khai thác sản phẩm du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm độc đáo, tạo sức hút với du khách.
Gần gũi thiên nhiên
Đề cập về du lịch sinh thái, hai Phó Giáo sư Phạm Hồng Long và Ngô Việt Anh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, có nhiều định nghĩa về loại hình du lịch này. Trong đó, Luật Du lịch Việt Nam định nghĩa đây là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương và có sự tham gia của cộng đồng dân cư kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường.
Như vậy, các hoạt động du lịch sinh thái sẽ mang lại lợi nhuận, đóng góp trực tiếp vào bảo tồn giá trị sinh thái tự nhiên và văn hóa, đồng thời góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cộng đồng địa phương
Theo chuyên gia Đỗ Thị Phương (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), với đặc điểm nằm trong miền khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, trải dài trên 15 vĩ độ với 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình đa dạng, hơn 3.200 km đường bờ biển và vùng biển hơn 1 triệu km2 nơi có tới gần 3.000 hòn đảo, Việt Nam có sự phong phú, đa dạng về các hệ sinh thái thuộc các dạng hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái biển. Chính sự phong phú của các hệ sinh thái là môi trường sống cho nhiều loài sinh vật, từ đó đưa nước ta trở thành một trong những trung tâm đa dạng sinh học lớn nhất thế giới. Các giá trị về sinh thái nói chung, đặc biệt là đa dạng sinh học tập trung chủ yếu ở hệ thống khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận, vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh.
Cùng với sự đa dạng và đặc sắc của các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, giá trị văn hóa bản địa tại những điểm đến như tri thức trồng lúa nước ruộng bậc thang với cách thức lấy nước từ dưới sông, suối lên ruộng bằng “cọn nước” ở địa hình núi cao phía Bắc, phương thức lên “liếp” trồng cây ăn trái ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long hay lễ hội dân gian của cộng đồng dân tộc đang góp phần tạo lợi thế cạnh tranh để phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam.
Với góc nhìn từ Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Vân Hạnh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) khẳng định, du lịch sinh thái với tư cách là một loại hình du lịch có trách nhiệm, du lịch dựa vào cảnh quan tự nhiên - nhân tạo, cảnh quan có thể hoàn toàn tự nhiên nhưng do con người quản lý chi phối như rừng trồng, cánh đồng cao sản, công viên quốc gia...đang trở thành xu thế phát triển tất yếu trên phạm vi toàn cầu cũng như ở từng quốc gia, địa phương. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có tiềm năng dồi dào về du lịch sinh thái. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ sản phẩm đặc trưng của khu vực này là du lịch sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng, sinh thái biển, đảo...
Cùng ở khu vực Nam Bộ, ngay tại trung tâm du lịch sôi động bậc nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh, du lịch sinh thái đang được quan tâm khai thác gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh thông tin, nhiều điểm đến du lịch sinh thái trên địa bàn đã được đưa vào phục vụ du khách. Đặc biệt trong giai đoạn phục hồi, phát triển sau dịch COVID-19, nhiều sản phẩm, chương trình kích cầu du lịch tại thành phố tập trung khai thác sản phẩm du lịch tại chỗ với ưu điểm nổi bật là cự ly gần, giá hợp lý, trong đó các sản phẩm, điểm đến du lịch sinh thái như: Theo dòng Sài Gòn - du ngoạn bằng đường buýt sông, tham quan Thành phố Hồ Chí Minh với điểm đến Nông trang Xanh Củ Chi (huyện Củ Chi), Khu du lịch sinh thái Vàm Sát (huyện Cần Giờ). Khai thác hiệu quả điểm đến du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, trải nghiệm, mua sắm, trong năm 2022, thành phố thu hút được trên 34 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế. Năm 2022, thành phố đoạt hàng loạt các giải thưởng của Tổ chức Du lịch Thế giới (WTA) như: “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á", “Điểm đến du lịch MICE hàng đầu Châu Á” và “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á”, điểm đến du lịch nội địa được yêu thích nhất, hấp dẫn nhất khu vực trong mùa du lịch cao điểm hè, một trong hai thành phố của châu Á năm trong top 15 các điểm đến được truy cập nhiều nhất trên thế giới cuối năm 2022.
Khám phá văn hóa bản địa
Du lịch sinh thái không chỉ gắn bó với thiên nhiên, cảnh quan môi trường mà còn gắn liền với những nét văn hóa bản địa, thể hiện dấu ấn điểm đến.
Với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch sinh thái miệt vườn là nét đặc trưng độc đáo từ nhiều năm nay. Các khu du lịch sinh thái miệt vườn được thiết kế mang đậm phong cách vùng sông nước như vườn cây ăn trái, vườn cây cảnh, ao thả cá, kết hợp tổ chức các hoạt động cho du khách thu hoạch trái cây, bắt cá, tìm hiểu đời sống, tập quán canh tác, nét văn hóa ẩm thực của người dân bản địa là những trải nghiệm được nhiều du khách lựa chọn khi về vùng sông nước Nam Bộ.
Ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ đang chú trọng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, đưa du khách đến trải nghiệm môi trường sinh thái trong lành, cảnh quan thơ mộng, con người thân thiện, món ăn dân dã kết hợp hoạt động dã ngoại, tham quan các di tích văn hóa lịch sử. Các điểm đến du lịch sinh thái ở Cần Thơ như nhà vườn, khu du lịch sinh thái ở huyện Phong Điền, bãi bồi trù phú thường được gọi là cồn hoặc cù lao như: Cồn Ấu, Cồn Khương, Cồn Sơn và Cù lao Tân Lộc là những điểm đến du lịch sinh thái đang có sức hút với du khách.
Chuyên gia Trịnh Chí Thâm (Trường Đại học Cần Thơ) và cộng sự nêu dẫn chứng, điểm đến du lịch sinh thái Cồn Sơn nằm giữa dòng sông Hậu (quận Bình Thủy, Cần Thơ) là nơi được thiên nhiên ưu đãi với đất phù sa màu mỡ, được bồi đắp quanh năm, nguồn nước dồi dào phục vụ sinh hoạt và thuận lợi trồng cây ăn quả. Đặc biệt, nơi đây khí hậu mát mẻ quanh năm nên rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Cùng với đó, bên cạnh tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn của Cồn Sơn cũng có vai trò quan trọng trong các định hướng và chiến lược phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở địa phương này. Tính tình hồn hậu, cởi mở, dễ mến, hiếu khách của người dân cùng những giá trị văn hóa sông nước ghi dấu vào tín ngưỡng, tâm linh của người dân đất cồn khiến du khách hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng sông nước khi đến điểm du lịch sinh thái này.
Cùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre là điểm đến du lịch sinh thái miệt vườn gắn với nét văn hóa bản địa, phong tục, tập quán của người dân xứ Dừa, thu hút nhiều du khách. Du khách đến Bến Tre thường chọn tham quan sông nước miệt vườn, tìm hiểu đời sống, sinh hoạt của cư dân. Hiện nay, ngoài các chương trình tham quan nghe đờn ca tài tử, cơ sở sản xuất kẹo dừa, các hàng mỹ nghệ thủ công, doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ còn tổ chức một số dịch vụ nhằm thu hút khách du lịch như đi mô tô nước trên sông, tát mương bắt cá tại khu du lịch sinh thái, homestay ở thành phố Bến Tre và các huyện trên địa bàn tỉnh.
Theo nhóm nghiên cứu gồm các tác giả Nguyễn Văn Định (Trường Đại học Nam Cần Thơ) và Cao Thị Sen, Nguyễn Thị Lụa (Trường Đại học Tây Đô), nhắc đến địa danh Bến Tre, người ta nghĩ ngay đến xứ Dừa và ngược lại, khi nói đến dừa thì hình ảnh Bến Tre hiền hòa lại hiện lên trong tâm thức người dân miền Tây. Do đó, tham quan những vườn dừa xanh mát, vườn trái cây trĩu quả, tìm hiểu đời sống, nét văn hóa của người dân bản địa qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ bộ phận của cây dừa như tranh dừa, bình hoa, lược dừa, gáo dừa, đũa dừa, bình trà, chén uống nước hay thưởng thức món đặc sản từ dừa (nước dừa, kẹo dừa, mứt dừa, rượu dừa, bánh tráng dừa) sẽ giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống, nét văn hóa của người dân địa phương gắn liền với hệ sinh thái miệt vườn sông nước.
Bài 2: Gắn với đời sống cộng đồng