Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thế mạnh về du lịch cảnh quan sông nước tự nhiên và đồng bằng. Bên cạnh đó là tiềm năng về du lịch tâm linh, du lịch khám phá và du lịch nghỉ dưỡng. Những năm gần đây, nhờ đầu tư khai thác, lượng khách du lịch đến ĐBSCL đã tăng trưởng mạnh. Nếu như trước năm 2010, lượng khách du lịch đến ĐBSCL rất thấp, chỉ đạt vài triệu lượt/năm, thì đến năm 2013, ĐBSCL đã đón hơn 1,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế (chiếm 8,3% tổng lượng khách quốc tế cả nước) và 9,8 triệu lượt khách nội địa (chiếm 5,8% tổng lượt khách nội địa cả nước) với tổng doanh thu du lịch toàn vùng đạt 5.141 tỷ đồng (chiếm 2,7% tổng doanh thu du lịch cả nước).
Nhiều tiềm năng
Những đặc trưng về khí hậu, về văn hóa, phong tục tập quán của người dân trong vùng… đã khiến ĐBSCL trở nên hấp dẫn hơn với du khách, thôi thúc cảm hứng khám phá của họ. Theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc truyền thông Công ty lữ hành Saigontourist, chùm tour “Tây ăn Tết ta” năm nào cũng được đơn vị tung ra vào thời điểm trước Tết và có xu hướng du khách đăng ký ngày càng nhiều. “Các Việt kiều và du khách ở phía Bắc cũng muốn trải nghiệm Tết của người Nam Bộ như thế nào. Các tour trải nghiệm này chỉ trong một ngày hoặc nửa buổi, như: về miền Tây thăm làng hoa, chợ hoa rồi ghé vào nhà người dân xem gói bánh… Nhiều Việt kiều rất thích không khí làng quê đón Tết nên những tour dạng này đang bán rất chạy”, bà Trà cho biết.
Tour “Một ngày làm nông dân” rất hút du khách. |
Theo đó, điểm nổi bật nhất của du lịch đồng bằng sông Cửu Long là du lịch sinh thái và du lịch miệt vườn. Nếu như Long An có tiềm năng về du lịch miền sông nước gắn với các tuyến sông Vàm Cỏ và vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười thì Tiền Giang lại có thế mạnh với những vườn cây ăn trái thuận lợi cho du lịch miệt vườn. Trong khi, Đồng Tháp có nhiều lợi thế về du lịch khám phá thiên nhiên hoang dã từ các khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia thì Cần Thơ, Hậu Giang lại có lợi thế từ du lịch sông nước từ các chợ nổi, thiên nhiên hoang dã từ các cồn nổi trên sông Hậu. An Giang lại có nhiều lợi thế về du lịch tâm linh khi có vùng Thất Sơn với đền Bà Chúa Xứ. Kiên Giang có nhiều tiềm năng về du lịch biển, đảo khi có những danh thắng nổi tiếng ở Hà Tiên và trong năm 2014, đảo ngọc Phú Quốc “nổi” lên và trở thành sự lựa chọn hàng đầu của du khách khi được nhà nước đầu tư điện lưới quốc gia, sân bay quốc tế… Nhiều hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến và nhiều nhà đầu tư lớn đã đến đây đầu tư (như khu phức hợp giải trí 5 sao Vinpearl Phú Quốc).
Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau) là một điểm đến không thể thiếu cho du khách thích du lịch khám phá, bởi đây là điểm cực Nam của dải đất hình chữ S. Bên cạnh đó, khu rừng tràm ngập nước U Minh Hạ cũng là điểm tham quan thiên nhiên với nhiều câu chuyện kì thú, hấp dẫn liên quan đến thiên nhiên, cuộc sống và con người tại đây. Trong khi đó, Bạc Liêu cũng là địa phương có nhiều điểm du lịch lý thú bởi nơi đây được xem là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử - một trong những di sản văn hóa phi vật thể do UNESCO công nhận.
Hợp tác cùng khai thác
Theo các chuyên gia trong ngành du lịch, ĐBSCL là khu vực có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú. Ngành du lịch đã phát triển mạnh các loại hình du lịch sinh thái như tham quan vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, đất ngập nước, du lịch văn hóa, lễ hội, sông nước… Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch của vùng còn trùng lặp, chưa hấp dẫn và chưa có tính cạnh tranh cao. Nguyên nhân chủ yếu là các tỉnh trong khu vực này thiếu sự liên kết trong việc phát triển các sản phẩm du lịch.
Theo Tổng cục Du lịch, các tỉnh ĐBSCL cần tăng cường liên kết phát triển sản phẩm đặc thù. Trước mắt, các tỉnh cần tập trung phát triển du lịch sinh thái tại vườn quốc gia Tràm Chim, khu bảo tồn thiên nhiên Láng Sen (Đồng Tháp), các sân chim, rừng ngập mặn Cà Mau; biển đảo Phú Quốc; đẩy mạnh phát triển du lịch sông nước miệt vườn, du lịch cộng đồng tại Thới Sơn (Tiền Giang), Cồn Phụng và 7 xã ven sông (Bến Tre) gắn với chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), cù lao An Bình (Vĩnh Long), khu vực du lịch vườn Phong Điền, Cái Răng (Cần Thơ), Phụng Hiệp (Hậu Giang), cồn Ốc, cồn Quy, cồn Tiên (Bến Tre), cồn Tân Lộc (Cần Thơ); mở rộng du lịch lễ hội, tín ngưỡng với các hoạt động lễ hội bà Chúa Xứ, lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang), lễ hội Ooc-om-bok và đua ghe ngo (Sóc Trăng), lễ hội Nghinh ông Nam Hải (Trà Vinh), lễ hội trái cây (Bến Tre)...
Bên cạnh đó, ĐBSCL cần phát triển du lịch theo 4 cụm. Cụm trung tâm sẽ gồm 4 tỉnh, thành phố là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang phát triển loại hình du lịch sông nước, thương mại, lễ hội, nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cụm bán đảo Cà Mau thuộc 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng được xây dựng với loại hình tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer. Cụm duyên hải phía đông thuộc tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh phát triển du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười có tỉnh Long An, Đồng Tháp với sản phẩm chủ yếu là du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước Đồng Tháp Mười.
Trong khi đó, theo Hiệp hội du lịch ĐBSCL, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch bốn tỉnh, thành phố vùng trọng điểm ĐBSCL với tên gọi "Một điểm đến 4 địa phương +" (gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu) bước đầu đã có kết quả nhưng vẫn còn quá khiêm tốn so với mong đợi và chưa tạo nên những bước đột phá trong phát triển du lịch vùng. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cũng cho rằng, để đẩy mạnh phát triển du lịch trong vùng hơn nữa, các tỉnh cần đẩy mạnh hợp tác với các địa bàn trọng điểm du lịch như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Lâm Đồng để cùng hỗ trợ nhau phát triển sản phẩm du lịch đặc thù đạt chất lượng cao. Còn theo ông Vũ Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch, ngoài việc phát triển các điểm du lịch có sẵn trên, các tỉnh ĐBSCL cần phát triển thêm loại hình homestay ở các khu du lịch sinh thái vì hiện nay dịch vụ này còn thiếu.
Bài và ảnh: M.T